Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Nhìn thẳng bất cập, chú trọng giải pháp và cam kết

Với cơ chế "hỏi nhanh, đáp gọn" ngày một hoàn thiện, các phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi làm việc của kỳ họp này đã bớt đi những câu hỏi-trả lời chung chung, các đại biểu và khách mời cũng trao đổi, tranh luận hiệu quả hơn ở những nội dung cụ thể, sát sườn thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đăng Khoa
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đăng Khoa

Đây là kỳ họp đầu tiên thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội mới (có hiệu lực từ ngày 15/3/2023), ghi nhận những cải tiến đã được thử nghiệm và phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây về phương thức tiến hành phiên chất vấn. Từ đó, các phiên thảo luận, nhất là các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được linh hoạt, hiệu quả hơn; những người có trách nhiệm trả lời nắm chắc vấn đề, tập trung nhiều hơn vào giải pháp và các cam kết thực hiện.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri là các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Dân tộc. Trong đó có một số nội dung nằm trong các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai còn chậm, các chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tản mát.

Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh được đánh giá là nắm chắc vấn đề, trả lời tự tin, rõ, gọn. Từ ý kiến của đại biểu Quốc hội, khẳng định việc cần ban hành một luật riêng về lĩnh vực dân tộc sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách dân tộc, nhưng Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng nêu rõ, cần nghiên cứu một cách căn cơ và đầy đủ. Vì công tác dân tộc liên quan tất cả các ngành, lĩnh vực của cả hệ thống chính trị, nên cần nghiên cứu bài bản, đồng bộ.

Liên quan vấn đề, Bộ trưởng cũng báo cáo thêm, thời gian gần đây, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ khóa XV này, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng Luật Dân tộc cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ nghiên cứu có liên quan trước đây, để phối hợp Hội đồng Dân tộc trong quá trình nghiên cứu xây dựng pháp luật về dân tộc.

Thẳng thắn nhìn nhận các chính sách hiện còn tản mát ở nhiều văn bản, chồng chéo, nguồn lực dễ bị phân tán, thiếu tính bền vững, "như dầu đổ vào đèn, cháy hết thì lại đổ dầu cho đèn khỏi tắt"; Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết thêm, Ủy ban Dân tộc đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ và "đang thực hiện Đề án rà soát tất cả các chính sách dân tộc có liên quan và sẽ trình Chính phủ trong cuối năm nay".

Trước đó, các nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội cũng nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là về giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Hay công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội,…

Chịu trách nhiệm trả lời chính ở nội dung này là Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Cụ thể, phản ánh thực tế cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua cũng đã có bước tiến bộ nhất định. Cách đây hơn một tháng, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Ban Bí thư, tổng kết 10 năm công tác giáo dục nghề nghiệp và ngày 4/5/2023 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. "Trong báo cáo có đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo mặc dù có tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới có rất nhiều bất cập. Hiện nay, cùng trên một địa bàn, có nhiều trường nghề khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau, dẫn đến số học sinh vào không đáp ứng. Và đào tạo ra thì khó tìm việc", Bộ trưởng nhận định.

Từ những bất cập trong thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực,…

Tham gia trả lời các phiên chất vấn còn có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam,… cùng giải trình về nhiều vấn đề đang tồn tại bất cập, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Kết luận các nội dung trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các bộ trưởng, trưởng ngành. Tuy thế, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém như trong báo cáo cũng như ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu.

Phiên bế mạc, Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.