Nhân lên niềm ngưỡng vọng

Với quan điểm "tất cả người có công đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống ngày được nâng cao", các chính sách đền ơn đáp nghĩa người có công những năm qua không ngừng được hoàn thiện.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hà Khánh
Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hà Khánh

ĐẢNG và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách với người có công. Đến nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, đến nay có 99% số hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú…

Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành khá toàn diện, đầy đủ và kịp thời. Điều kiện công nhận liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… trong thời bình cũng được quy định đầy đủ. Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: "Năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh 2020). Pháp lệnh 2020 gồm bảy chương và 58 điều đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, bổ sung nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Chế độ ưu đãi người có công và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ…".

Pháp lệnh Người có công được ban hành lần đầu năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua bảy lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 9/12/2020. Pháp lệnh 2020 quy định điều kiện công nhận liệt sĩ, đối với người đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Các trường hợp dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nơi biên giới, hải đảo có điều kiện khó khăn… cũng là đối tượng của Pháp lệnh. Đối với bệnh binh: Chỉ xem xét công nhận đối với trường hợp bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Không chỉ người trong lực lượng vũ trang và thân nhân liệt sĩ đã được ghi công, mà những người dân bình thường bị chết trong khi dũng cảm cứu người và tài sản, ngăn chặn hành vi phạm tội cũng được công nhận là liệt sĩ. Đó là ngư dân Phạm Văn Thời ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã quên mình cứu được hai người bị nạn; sinh viên Nguyễn Văn Nhã, sinh năm 1998, quê ở Nghệ An đã có hành động dũng cảm cứu ba người bị nạn tại khu vực bãi biển ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế); hai "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn đã bị tội phạm đâm chết khi ngăn chặn hành vi trộm cướp tại quận 3, TP Hồ Chí Minh… Gần đây Bộ Y tế kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, công nhận liệt sĩ đối với các y, bác sĩ hy sinh trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chia sẻ, những năm qua, các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước đã được thực hiện sâu rộng các chương trình uống nước nhớ nguồn, như: Xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Không gì có thể bù đắp được những mất mát, hy sinh, nhưng sự tri ân, thấu hiểu và đồng cảm của cả xã hội phần nào xoa dịu nỗi đau, và nhân lên niềm tự hào, niềm tin về những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, cho đất nước.