Không chỉ sở hữu vốn di sản văn hóa vô cùng đặc sắc, với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc, lợi thế đặc biệt ở vị trí trung tâm chính trị-văn hóa-kinh tế của cả nước, Hà Nội đã sớm xác lập được một số thương hiệu mang tầm quốc tế và thuận lợi trong quá trình lựa chọn định hướng phát triển dựa trên thế mạnh tiềm năng văn hóa-lịch sử. Những nỗ lực để đẩy mạnh công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô là điều đã được ghi nhận, song, thực tế cũng cho thấy điều đó chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, và chưa được đặt vào trọng tâm của nhiều kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đúng như mục tiêu và kỳ vọng. Vậy nên, ngay chính trong lĩnh vực phát triển văn hóa, Hà Nội đã nhiều lần tự đặt mình vào trạng thái "đi trước, về sau", tự đánh mất lợi thế tiên phong trong những định hướng phát triển từ tiềm năng văn hóa bởi thiếu đi những chính sách bệ đỡ thật sự hiệu quả và thiết thực.
Cũng bởi đặc thù không dễ định lượng, nên các tiêu chí về văn hóa, dù luôn được nhắc nhớ, lại thường rất khó được ưu tiên hay lồng ghép vào các quy hoạch, thiết kế đô thị, khu vực hay công trình công cộng... chưa nói đến các dự án, công trình mang tính thương mại đang rất thiếu các thiết chế hiệu quả để khống chế mục tiêu đặt nặng yếu tố lợi nhuận của các chủ đầu tư. Chính bởi vậy, nhìn vào sự phát triển hiện tại hay các quy hoạch phát triển tương lai gần của nhiều khu vực đô thị Hà Nội, hay thậm chí nhìn vào chính các đề án phát triển của một số lĩnh vực văn hóa, không khó để nhận thấy sự thiếu vắng tính nhất quán trong xác lập yếu tố cốt lõi, bản sắc của trục phát triển. Điều đó, trên thực tế, đã làm chậm và thậm chí lãng phí rất nhiều tiềm năng, cơ hội, không chỉ cho văn hóa.
Cũng cần nhìn nhận một góc độ khác nữa, văn hóa cần được hiểu là một giá trị tự thân đặc biệt của xã hội, chứ không chỉ trở nên đặc biệt vì có tiềm năng tạo nên các giá trị kinh tế.