Nhà văn Lê Lựu đã về nơi xa vắng

Nhà văn Lê Lựu (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật) vừa ra đi ở tuổi 81. Ông là một con người đặc biệt. Chưa bao giờ ông hoạch định tương lai cho cá nhân mình, cả đến khi ông mất. Hội Nhà văn và quê hương, nơi ông đau đáu và mong muốn trở về. Nơi ông đã lặng lẽ ở đó và ra đi, và bây giờ là trở về cũng rất lặng thầm ít người biết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Điều đó tại sao? Bởi vì ông - nhà văn Lê Lựu luôn mong muốn và thành tâm cống hiến cho cuộc trường chinh của đất nước, cho những gì lớn lao, còn như điều cụ thể thì nhà văn hoàn toàn không biết. Đến mức một khung khổ, một chôn cất, một điểm về đất cát. Lê Lựu là như vậy.

Sinh năm 1942, Lê Lựu từng làm báo ở Quân khu 3 sau năm 1959 với nhiều phóng sự, ký sự, bút ký sống động về bộ đội và có những truyện ngắn đầu tiên in trên tạp chí Văn nghệ quân đội như “Tết làng Mụa”, “Người về đồng cói”... Đây cũng là nơi sau này ông gắn bó lâu dài và góp danh tiếng của mình cho sự danh tiếng của tờ tạp chí đặc biệt.

Để có các tập truyện ngắn “Người cầm súng” (1970), “Phía mặt trời” (1972) và tiểu thuyết “Mở rừng” (1977)..., người lính viết Lê Lựu từng xông xáo đi thực tế tại các trọng điểm ác liệt trên đường Trường Sơn và dựng nên những trang văn đầy ắp tư liệu chiến trường. Cùng với các tác phẩm trên, đường văn của Lê Lựu phải kể đến “Đánh trận núi Con Chuột” (truyện dài thiếu nhi, 1976), “Ở phía sau anh” (tiểu thuyết, 1980), “Ranh giới” (tiểu thuyết, 1977)… Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết “Thời xa vắng” (năm 1986, được dựng phim nhựa, giành giải Cánh diều bạc năm 2005). Sau này ông có tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” (năm 1994), được dựng thành phim truyền hình cũng khiến đông đảo công chúng cảm động.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, tôi đến thăm ông ở quê nhà Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên. Nhà văn nằm thiêm thiếp, thở khe khẽ. Chị Lương - con gái nhà văn, một cô giáo bao năm tận tụy, thời gian qua chăm sóc ông. Nhiều người từng nói ông quá lam lũ, khúc khuỷu trên suốt chặng đường đời. Nhưng chính ông, từ bé đã được tự lập làm người lính, làm báo, làm văn, làm đầy lên sự nghiệp của mình và được nhiều người tìm đọc, yêu mến, đồng nghiệp nể trọng và học hỏi. Ông đích thực là một người hạnh phúc!

Buổi chiều, khi nghe tin nhà văn Lê Lựu mất, tôi thấy thật là thanh thản, tuy nhiều nỗi bâng khuâng. Ông đã bước vào một cuộc trường chinh mới, mênh mông, dài rộng.