"Đây là con số báo động về lực lượng sáng tác và đội ngũ kế cận"- Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ.
Suy giảm cả về lượng và chất
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhận định về tình hình sáng tác và phê bình văn học của đội ngũ trẻ trong những năm gần đây cũng cho thấy rõ biểu hiện đáng lo ngại về chất lượng viết cũng như sự thiên lệch trong lựa chọn dạng viết "gọn nhẹ" hơn. Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, văn học trẻ thành phố vẫn đang phát triển mạnh về bề rộng nhưng chưa vững về chiều sâu cũng như chưa có những bứt phá vượt lên chinh phục đỉnh cao. Số lượng tác giả thơ, truyện ngắn đông đảo hơn hẳn tác giả tiểu thuyết và càng hiếm nhà văn trẻ viết kịch bản sân khấu (thể loại quan trọng của văn học). Sau khi ra mắt một vài sáng tác, không ít tác giả trẻ cũng đã sớm dừng viết vì nhiều nguyên nhân cả từ khách quan và chủ quan. "Một sự bất cập của văn học trẻ phương nam là đang thiếu lực lượng lý luận phê bình, để có thể đồng hành, tương tác và kích hoạt những tín hiệu thẩm mỹ mới cũng như góp phần định danh những cống hiến cá nhân"- bà Ngân nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội) cũng chỉ ra một tình trạng nan giải của lý luận phê bình văn học nói chung hiện nay là "phê bình hàn lâm ngày càng mất đi vị trí trong đời sống văn học", trong khi dạng phê bình này luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng là "xem xét vấn đề trên bình diện rộng, sâu, đặt ra và nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề văn học". Thay vào đó là sự chiếm ưu thế của phê bình dạng báo chí, thù tạc và cảm tính.
Ở khía cạnh đào tạo, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), của Trường đại học Văn hóa Hà Nội - địa chỉ đào tạo công lập duy nhất về viết văn trong cả nước, cho biết, trong khoảng 10 năm qua, ngành đào tạo Sáng tác văn học gặp thách thức không chỉ ở sự suy giảm số lượng mà còn tiềm ẩn nguy cơ sa sút về chất lượng bởi đối tượng tuyển sinh đầu vào phần lớn là học sinh phổ thông, hầu như chưa có kinh nghiệm và thành tựu sáng tác.
Chú trọng yếu tố đặc thù trong hỗ trợ sáng tạo
Từ trải nghiệm sáng tác của cá nhân cũng như qua tìm hiểu thực tiễn, Tiến sĩ, nhà văn Lê Vũ Trường Giang (giảng viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) nêu một số ý kiến chung quanh việc hỗ trợ sáng tạo cho các tác giả trẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay. Theo anh, nên có những diện hỗ trợ đa dạng và đặc thù cho người trẻ, như có thể phân hỗ trợ thành hai hạng mục: đầu tư, hỗ trợ cho phong trào và đầu tư chiều sâu, chất lượng cao. Với hình thức hỗ trợ phong trào chỉ mang tính động viên tác giả, mức kinh phí đầu tư thấp, số lượng nhiều. Còn hạng mục đầu tư chiều sâu, chất lượng cao nên đầu tư kinh phí cao, số lượng tác giả chọn lọc…
Yếu tố đặc thù cũng được nhấn mạnh trong quan điểm về chính sách hỗ trợ, tài trợ sáng tác văn chương của người trẻ, khắc phục sự dàn trải theo chiều rộng, nặng tính phong trào thông qua hình thức cuộc thi, giải thưởng sáng tác dành cho mọi công dân, mà thiếu sự đầu tư trọng điểm, sự tin tưởng trao cho người viết trẻ tài năng những cơ hội được đầu tư sáng tác xứng đáng. Nhà văn Bích Ngân nhấn mạnh: "Cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ. Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực".
Sáng tạo văn học nghệ thuật là nhu cầu tự thân. Nhưng để góp phần cải thiện chất lượng sáng tác và thúc đẩy động lực sáng tác mạnh mẽ hơn nữa, một nền tảng hỗ trợ bền vững cho người sáng tạo, nhất là người trẻ, luôn cần thiết. Nền tảng ấy được tạo dựng từ hành lang pháp lý, cơ chế chính sách và sự khuyến khích, tôn trọng sáng tạo từ môi trường xã hội.