Người dựng “Huế thu nhỏ” giữa Sài thành

“Chẳng phải kiến trúc sư, không rủng rỉnh tiền bạc mà lại ôm ấp ý tưởng phục dựng cả công trình Huế thu nhỏ, nhiều người nói tôi khùng. Từ ruộng rau muống sâu 1,2m, từ những chuyến đi làm lơ xe để có tiền thực địa, từ bao lần làm sai rồi sửa, bảy năm sau, tôi có một Huế thật ý nghĩa ngay trong khuôn viên nhà mình”, TS Nguyễn Thanh Tùng (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) nhớ lại chuỗi ngày miệt mài với dự án đáng nhớ nhất cuộc đời.
0:00 / 0:00
0:00
Sự cầu kỳ, tỉ mỉ của từng mô hình trong không gian “Cố đô Huế thu nhỏ” khiến nhiều người bất ngờ, thích thú.
Sự cầu kỳ, tỉ mỉ của từng mô hình trong không gian “Cố đô Huế thu nhỏ” khiến nhiều người bất ngờ, thích thú.

"Gã khùng" làm nhà cho mẹ

Đầu năm 2007, khi hoàn thành công trình tái hiện lại toàn bộ quần thể di tích “Cố đô Huế thu nhỏ” theo tỷ lệ 1/700 trên khu đất rộng 1.000m2 sau nhà tại TP Thủ Đức, anh Tùng cất công mời đoàn nhã nhạc cung đình Huế về biểu diễn cả đêm. Khách mời lên tới 500 người, ai đến cũng tấm tắc khen công trình hoành tráng quá. Ba mẹ vui một, anh Tùng vui mười. Vậy là tâm nguyện đưa quê nhà về sát bên để mẹ thôi ngóng cố hương đã hoàn thành sau biết bao nỗ lực. Ngay cả khi đứng trước Huế thu nhỏ với những đền đài, lăng tẩm phục dựng sắc sảo đến từng chi tiết, mẹ anh vẫn ngỡ mình đang mơ.

Lớn lên cùng những câu chuyện mẹ kể khi ngồi chằm nón lá ở quê nhà. Năm anh vừa lên 10, cả nhà rời Huế vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Những năm tháng tha hương đằng đẵng, gia đình anh luôn hướng về quê nhà với lòng khắc khoải. Nhất là mẹ anh, chưa ngày nào bà không nhắc về kỷ niệm ngày xưa. “Mỗi lần kể về Huế, ánh mắt mẹ tôi lại chan chứa yêu thương. Có chuyện, mẹ kể cả trăm bận không chán. Từ lúc đó, dù mới 13, 14 tuổi, tôi đã dặn lòng khi lớn lên phải làm tặng món quà nào đó thật ý nghĩa để mẹ vơi bớt nỗi nhớ quê. Năm 28 tuổi, du học từ Australia trở về, trong tay chẳng có gì, vậy mà tôi vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch đời mình. Tôi làm với tất cả say mê nhưng thật lòng không biết khi nào mới có thể hoàn tất công trình”, anh Tùng nhắc lại câu chuyện của 23 năm trước.

Bao nhiêu tiền tích góp, anh trả một phần rồi năn nỉ người ta để có thể mua lại cái ruộng rau muống ngập nước. Ruộng sâu, muốn san bằng vừa tốn tiền vừa mất nhiều công sức. Vậy mà vẫn phải làm vì đó là vị trí quy hoạch phù hợp nhất để đặt toàn bộ không gian phục dựng. Ban đầu, anh xây vài cột gạch trên ruộng, từ từ xoay tiền đắp nền, ngày ngày ngồi cheo leo trên cao ngắm nghía, tính toán xem nên thêm bớt gì cho bản thiết kế hoàn chỉnh hơn. Cả tuần đi làm kiếm tiền xoay xở cuộc sống, thỉnh thoảng cuối tuần, anh thạc sĩ điện tử viễn thông xin làm lơ xe tuyến TP Hồ Chí Minh-Huế của người quen. Anh nói, đi vậy vừa được lo ăn uống, vừa chẳng tốn tiền xe, tiết kiệm mọi thứ để chăm chút cho công trình.

Mỗi tháng có vài ngày ở Huế, anh dành trọn thời gian cho việc thăm các di tích quan trọng, thu thập số liệu thực tế. Quá trình thực địa đó kéo dài hai năm. Về sau, thông qua bạn bè, người quen, anh tìm được nhiều đầu sách nghiên cứu giá trị về Huế của các tác giả trong và ngoài nước. Nghiên cứu để phục dựng bao giờ cũng khó hơn mô phỏng lại những công trình có sẵn. Thế nhưng, càng đọc sách, càng tìm hiểu về di sản quần thể kiến trúc cố đô Huế, anh Tùng càng tự hào và muốn làm cho bằng được công trình đòi hỏi rất nhiều tâm huyết này. “Bao nhiêu năm trôi qua rồi, vậy mà mỗi khi nhắc lại tôi vẫn nhớ như in tâm trạng háo hức lúc leo lên Kỳ đài của kinh thành Huế ngắm toàn cảnh kinh thành, hay khi đo từng viên đá phục vụ cho bản thiết kế phục dựng. Càng đi nhiều, khát khao càng lớn”, anh Tùng chia sẻ.

“Mày đang làm gì vậy, có bị khùng không? Một người giỏi công nghệ không lo kiếm tiền rồi tận hưởng cuộc sống mà suốt ngày đội nắng dầm mưa thực hiện mấy cái này”. Khi thấy anh suốt ngày mày mò phục chế mô hình đầu tiên cho cả công trình, nhiều người lắc đầu ngao ngán vì nghĩ rằng, anh đang phí hoài tuổi trẻ cho một kế hoạch quá viển vông. Bỏ ngoài tai bao lời cản trở, anh cứ âm thầm thực hiện ước mơ đời mình. Ngày những mô hình nhỏ đầu tiên bằng gỗ thành hình, anh Tùng thích lắm. “Thế nhưng, ba tháng sau, bao nhiêu thứ nứt nẻ khi đặt ngoài trời. Công trình đặt mục tiêu tồn tại 100 năm mà mới mấy tháng đã gặp sự cố thì không ổn. Tôi chuyển sang mày mò cách làm bằng đá. Tôi đem những mô hình gỗ ấy đến gõ cửa một người quen làm nghề chạm đá. Anh nói cần đến 10 năm mới đục xong 20 căn nhà. Còn nếu làm bột đá, mỗi khuôn mẫu mô hình nhỏ có giá cả 100 triệu đồng. Tạo tác bằng xi-măng cũng không ổn. Lúc đó, tôi chán nản vô cùng. Bao nhiêu công sức mấy năm trời giờ chẳng lẽ buông xuôi”, anh Tùng trải lòng.

Người dựng “Huế thu nhỏ” giữa Sài thành ảnh 1

Mỗi tuần, anh Tùng luôn dành thời gian chăm sóc không gian “Cố đô Huế thu nhỏ” của mình.

Đâu chỉ một công trình

Mang câu chuyện đầy tâm tư ấy đi kể với một người quen là họa sĩ, anh Tùng ước “Giờ mà tìm được người nào làm khuôn mẫu rẻ chút thì hay chứ mọi thứ không thể dừng lại nửa chừng”. Người họa sĩ gật đầu giúp sức. Một thời gian sau, Huế thu nhỏ từng bước thành hình với tất cả sự hân hoan. Công trình cơ bản xong, anh tạo thêm sông Hương, thêm núi Ngự, trồng rất nhiều cây cảnh sao cho giống với phiên bản thật ngoài đời. Ban đầu, chỉ tính làm đình Thương Bạc, nơi gắn liền với kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời mẹ mình, về sau, anh tạo luôn cả không gian thơ mộng với cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Phu Văn Lâu... Kinh thành cố đô Huế và lăng tẩm của bốn vị Vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định qua bàn tay phục dựng của anh Tùng khiến nhiều người bất ngờ, thán phục.

Toàn bộ công trình gồm 151 kiến trúc được tái hiện theo đúng tỷ lệ, đặt ngoài trời, bảo đảm độ tinh xảo để tạo nên không gian sống động nhất. Trên dưới 50 công trình chỉ còn trong sách vở, việc phục dựng tốn rất nhiều công sức, thời gian do phải ngược dòng lịch sử. Nhiều năm trôi qua, các kiến trúc bằng đá được phủ thêm lớp rêu xanh càng làm cho công trình thêm phần cổ kính. Cuối tuần, thấy anh Tùng tự mình tưới cây, cắt cỏ tại từng mảng mô hình, nhiều người thắc mắc sao cứ ưa ôm việc vào thân. Anh Tùng chỉ cười, nhẹ nhàng nói: “Công trình này với tôi là tài sản vô giá nên tự tay chăm chút cho nó mỗi ngày là niềm vui, đâu phải áp lực”.

Có dịp vào TP Hồ Chí Minh công tác, nhà văn Nguyễn Quang Vinh tìm đến “Huế thu nhỏ” của anh Tùng tham quan, sẵn tặng nhau dăm ba câu chuyện lịch sử, văn hóa đất cố đô. Dắt nhà văn Nguyễn Quang Vinh đi ngắm cảnh một vòng, tại mỗi điểm, anh Tùng đều say sưa kể những kỷ niệm, ký ức liên quan đến từng di tích. Nhìn dáng bộ và giọng nói trầm ấm, đầy tâm huyết của người đàn ông bên cạnh mình, nhà văn Nguyễn Quang Vinh xúc động: “Vấn đề không phải là công trình này tái hiện giống hay không giống. Làm giống thì ai cũng làm được nhưng nhìn vào khu vườn này với từng chi tiết li ti, từng cái cây, cái lá, hoa văn mới thấy được người làm đã đặt vào đấy rất nhiều tâm huyết, tình cảm. Anh muốn từng ngày nhặt nhạnh những gì của sử Huế, của cuộc đời và con người Huế, tiếp tục làm giàu cho hành trang hôm nay. Ai cũng có ý thức như vậy về quê hương mình thì quý giá vô cùng”.

Sau 16 năm mở cửa, đến nay, “Huế thu nhỏ” đã thu hút hơn ba triệu người đến tham quan miễn phí. Với khách quý, gia đình anh Tùng còn làm nhiều món ngon, pha ấm trà sen đúng chuẩn Huế mời thưởng thức. Rất bận vì cùng lúc điều hành nhiều doanh nghiệp, thế nhưng, chỉ cần nghe hôm nào có đoàn học sinh ghé thăm công trình của mình, anh Tùng đều thu xếp đón tiếp. Anh muốn tự mình kể cho các em nhỏ nghe về lịch sử của từng công trình, về những điều chỉ có ở Huế. “Mỗi khi đứng ở không gian do mình tái hiện, kể chuyện lịch sử với những nét rất riêng ở kinh thành cố đô Huế, tôi thấy tự hào lắm. Tôi muốn truyền ngọn lửa đó sang cho các bạn trẻ để các bạn biết rằng, văn minh của dân tộc mình không thua kém bất cứ ai. Những kiến thức lịch sử, địa lý sẽ được lồng ghép trong quá trình trò chuyện. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được chia sẻ những hiểu biết mà bản thân may mắn có được trong suốt hành trình trưởng thành, phát triển”, anh Tùng cho hay.