Người dân là trung tâm của chuyển đổi số

Sau hai năm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với người dân đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với người dân đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong số những đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức.

Từ Đề án 06, người dân được hưởng lợi nhiều nhờ vào việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật bảo đảm từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiện tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin, đem lại nhiều lợi ích thiết thực giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế...

Đến nay, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 97% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngành cũng tiếp tục nâng cấp, triển khai hiệu quả ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; đồng thời triển khai kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (VNeID) trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hướng tới cho phép hơn 50 triệu người dân đang có tài khoản VNeID có thể truy cập, sử dụng ứng dụng VssID.

Theo bảng xếp hạng hiện nay về "Ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam" trên App Store, ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm ứng dụng về kinh doanh và đứng thứ 25 trong nhóm các ứng dụng cung cấp miễn phí.

Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.

Trong đó, ngành tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu xác định "chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để ngành phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách".