Cuộc "đấu" VinFast-Tesla
Trên mạng xã hội, rất nhiều thông tin trái chiều nhận định về chuyến tàu xuất hàng chục xe hơi điện VinFast tới Mỹ trong những ngày cuối năm qua. Bên cạnh đó, là báo cáo tài chính theo hồ sơ của VinFast (qua công ty ở Singapore) nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ.
Không ít người cho rằng VinFast "làm quá" vì việc xe điện Việt Nam, thuộc một nền công nghiệp xe hơi vô cùng non trẻ và có thể nói thẳng "hầu như chưa có gì", dám đối đầu cạnh tranh trực diện ngay thị trường - thủ phủ tiêu thụ xe lớn đẳng cấp hàng đầu thế giới; Hơn thế, là sự đối đầu trực tiếp vào phân khúc xe mà tỷ phú Elon Musk, người luôn giữ vị trí trong top 1-3 người giàu nhất thế giới trong ba năm qua, kinh doanh - thì với VinFast là một tham vọng quá sức.
Tuyên bố của CEO VinFast toàn cầu, Phó Chủ tịch cấp cao Vingroup Lê Thị Thu Thủy, với kế hoạch gần như "thách thức Elon Musk" khi mở 70 showroom khắp Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu (EU), xây dựng nhà máy tại Mỹ, bán xe đắt hơn Tesla… cũng lập tức nhận được những ý kiến công kích vì cho rằng "không thể".
Tuy nhiên, với giới doanh nhân và giới chuyên môn, có lẽ "không bao giờ nói không thể" (never say never) mới là phương châm kinh doanh thật sự được họ theo đuổi.
Một chuyên gia dẫn thí dụ về câu chuyện điện thoại thông minh của Samsung đã không dừng lại ở ranh giới của thị trường điện thoại giá rẻ, bình dân và cung cấp cho các thị trường "dễ tính", yên tâm giữ ngôi vương ở các thị trường Đông Nam Á, mà kiên trì, bền bỉ tấn công thị trường Mỹ - nơi Apple lên ngôi, và thống trị một thế hệ tiêu dùng smartphone mới. Cho đến năm 2022 thì không phải Apple, mà Samsung Galaxy S22 Ultra mới là dòng điện thoại phổ biến nhất tại thị trường Mỹ, đánh bật iPhone về vị trí thứ 3.
Nếu không nghĩ lớn, hẳn Samsung, dù là chaebol của Hàn Quốc, cũng khó có thể tiến xa được như vậy.
Tương tự, với câu chuyện về sự táo bạo phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), khi nợ tài chính hàng tỷ USD của VinFast, cố vấn bền vững - ESG-S Phạm Việt Anh cho rằng: "Không đi vào chi tiết các con số mà nhiều người đã soi, nhưng thực tế không doanh nghiệp nào đang thua lỗ nhiều vậy mà IPO. Những điểm cần lưu ý là, có thể trong những khoản tạm bút toán có những khoản "phải trả nội bộ", cũng như do khác biệt phương pháp kế toán giữa Việt Nam và Mỹ (khấu hao) làm tạm phát sinh chi phí, khiến lỗ hoạt động nhiều hơn thực tế. Việc này, tôi tin là các nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp và bên tư vấn chắc chắn sẽ nói cùng ngôn ngữ tài chính. Dự báo khả năng thương vụ IPO của VinFast (VF) thành công cao, tuy nhiên mức thị giá thì có thể thấp hơn kỳ vọng 60 tỷ dollar Mỹ, nhưng không dưới 50 tỷ".
Ông cũng nhận định về tương lai xe điện: "Khả năng tăng tốc của xe điện hơn hẳn xe động cơ đốt trong. Các nước phát triển đều có lộ trình 2030-2050 loại bỏ hẳn các dòng xe động cơ đốt trong, và đó chính là mốc "định giá tiềm năng" của VinFast, Tesla... được tính ngược về hiện tại. Cũng chính vì lý do này, việc một hãng xe điện trẻ được định giá hời hơn một "hãng xe già" cũng dễ hiểu".
Chưa nhắc đến những điều xa hơn về thương hiệu quốc gia, về niềm tự hào khi thương hiệu Việt bon bánh trên đường phố Mỹ, mà chỉ nhìn từ góc độ kinh doanh, có thể khẳng định, chỉ khi nghĩ lớn và nhìn nhận thoáng, mới có thể thấy được tầm nhìn thật sự của những nhà kinh doanh tầm cỡ. Xét đến cùng, có đột phá kinh doanh nào mà dám chắc triệt tiêu 100% yếu tố rủi ro, phiêu lưu cơ chứ!
Ðến gạo, cà-phê, thủy sản… đi ra thế giới
Công nghiệp xe hơi là câu chuyện lớn, phải nghĩ lớn cũng là đương nhiên. Còn với gạo, với cà-phê hay cá, tôm ngoài lạch, ngoài bưng đìa được quy hoạch rồi đưa vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu… liệu có thể làm lớn từ nghĩ lớn?
Xin nói về hai câu chuyện điển hình.
Trong những năm qua, một trong những thách thức đối với thủy sản Việt Nam, đó là tuy chúng ta sở hữu "biển bạc" và nguồn nước cho "vựa tôm, vựa cá" của thế giới, nhưng từ năm 2017 đến nay vẫn vướng thẻ vàng IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) của Ủy ban châu Âu cảnh báo về giám sát truy xuất nguồn gốc hải sản; cùng với đó là sự phụ thuộc một phần nguồn con giống thủy sản nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, từng bước xây dựng một hệ sinh thái bền vững thông qua việc không ngừng nỗ lực củng cố nội tại, mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, nhằm xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất tôm khép kín, là phương châm "nghĩ" để "làm" của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Nhờ đó, Minh Phú mới có thể trở thành "vua tôm" với sự hiện diện sản phẩm tại hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh số hơn 10.000 tỷ đồng/ năm.
Chúng ta nhớ rằng từ năm 2019, "vua tôm" đã bắt tay với "vua số" FPT, thỏa thuận hợp tác chiến lược để tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu trở thành công ty công nghệ thủy sản trong top đầu thế giới. Không đi trước ứng dụng số, hẳn Minh Phú hôm nay sẽ còn chật vật trong thách thức tạo chuỗi giá trị tôm khép kín từ thượng đến hạ nguồn, và khó có thể chớp thời cơ để cạnh tranh cùng những ông lớn xuất khẩu tôm, gần nhất là Indonesia trong cùng khu vực.
Tương tự, là câu chuyện của K Coffee Blue Sơn La. Phúc Sinh Group dám "liều" xây dựng nhà máy ở miền biên viễn Tây Bắc - một nơi mà để xuất hàng về cảng Hải Phòng mất cả ngày trời, còn để đưa khách hàng quốc tế đến Việt Nam tham quan thực chứng vùng trồng cà-phê Arabica chất lượng cao, có thể mất ba đến bốn ngày di chuyển đi về từ TP Hồ Chí Minh, là một thành công ngoạn mục. Từ chỗ nhìn nhận tiềm năng của dòng sản phẩm có thể làm nên thương hiệu Việt trên bản đồ cà-phê, muốn phá bỏ hình ảnh "Việt Nam là quốc gia chỉ xuất nguyên liệu nông sản thô", Phúc Sinh Group tìm ra điểm đột phá.
"K Coffee Blue Sơn La tự hào là một trong những sản phẩm "signature" tiêu biểu của nông nghiệp Việt Nam được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chọn làm quà tặng đối tác khi tháp tùng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Luxembourg, Bỉ, Hà Lan mới đây.
Chúng ta cần nghĩ đến việc đầu tư để có nhiều hơn sản phẩm "signature" như vậy, khẳng định giá trị thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết.
Đang và sẽ còn nhiều câu chuyện khác nhau tạo nguồn cảm hứng "Nghĩ lớn đến làm lớn" của doanh nghiệp. Năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều biến động và thách thức. Song thế giới đã chứng kiến những chu kỳ "doanh nghiệp vàng" nổi lên trong thời kỳ suy thoái. "Nếu chúng ta nghĩ lớn và nắm bắt được cơ hội, sẵn sàng vươn ra biển lớn, đây chính là thời khắc của Việt Nam", ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, chia sẻ.