Ngô Ngọc Hưng không phải là người Việt đầu tiên gia nhập thế giới nhạc trẻ Kpop ngay trên đất Hàn Quốc. Từ năm 2019, sau một số cuộc thi tìm kiếm giọng hát của các công ty giải trí có trụ sở ở Hàn Quốc, ít nhất là có ba ca sĩ người Việt đã được tuyển chọn tham gia ba nhóm nhạc trẻ đa quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia...), có khán giả mục tiêu là thuộc thế hệ sinh sau năm 1995 (Gen Z) trong châu lục và thế giới. Tuy nhiên, cũng chỉ có một trong số họ là lấy biệt danh theo đúng tên mình (Anh, nhóm Beauty Box), còn lại đều được đặt theo cách gọi của người Hàn hoặc tên tiếng Anh.
Qua tìm hiểu thông tin, có thể thấy, trong số bốn nhóm nhạc có thành viên người Việt, Beauty Box là nhóm nhạc duy nhất hiện xác định rõ thị trường mục tiêu đầu tiên là khán giá trẻ tại Việt Nam. MV ca khúc ra mắt của nhóm được phát trên kênh YouTube chính thức có hẳn phụ đề lời hát bằng tiếng Việt. Trong chia sẻ với một chương trình của đài KBS tiếng Việt vào cuối năm 2021, nhóm cho biết, sẽ tham gia hát một số ca khúc trong bộ phim tài liệu về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và huấn luyện viên người Hàn Quốc của anh. Trong khi đó, ba nhóm nhạc còn lại có mục tiêu rộng hơn, hướng đến thị trường châu Á và toàn cầu. Mặt khác, hai trong số ba nhóm nhạc này còn thông báo đã chia tay nhiều thành viên, cho thấy mọi sự đều có thể thay đổi và không ai chắc chắn điều gì về vị trí lâu dài của các thành viên người Việt trong nhóm.
Ở trong nước, không khó để nhận ra nghệ danh của nhiều ca sĩ, nhân vật trong lĩnh vực sản xuất nhạc trẻ ở nước ta thường kèm tên thật và tên theo tiếng nước ngoài, hoặc viết tắt của tiếng nước ngoài, M-TP, Okio, Edward, Soobin, Touliver, hoặc thậm chí là không có tên thật nữa, chỉ có biệt danh/ nghệ danh được biến tấu từ tên nước ngoài: Binz, Erik, Karik, Only C... nhất là với các ca sĩ/nhà sản xuất dòng nhạc hip-hop. Trong khi đó, thực tế sáng tác của họ có 100% nội dung lời là tiếng Việt, loanh quanh câu chuyện đời thường, yêu đương, đôi khi chen thêm một câu tiếng Anh cho có màu sắc xu hướng. Và khán giả của họ cũng đơn thuần là người Việt, chưa có ai xuất khẩu được sản phẩm âm nhạc của mình ra ngoài biên giới. Vậy nghệ danh tiếng nước ngoài của họ thật sự mang ý nghĩa gì? Trong khi với các rapper Mỹ chẳng hạn, nghệ danh của họ mang thông điệp nghề nghiệp rõ ràng: trên trang XXLmag, trang tạp chí trực tuyến tập trung vào dòng nhạc hip-hop, một bài viết về biệt hiệu của các rapper đã nhấn mạnh: "Sức mạnh và tầm quan trọng trong tên của một rapper có sức nặng gần như âm nhạc thực tế, vì nó thể hiện danh tiếng, tính cách hoặc nguồn gốc địa lý của nghệ sĩ đó... Trong hip-hop, biệt hiệu, thay đổi cái tôi hoặc biệt danh được gắn trực tiếp với danh tính nghệ sĩ của rapper và nghệ thuật đó đại diện cho điều gì...".
Trở lại với câu chuyện của Ngô Ngọc Hưng, Hưng hay Hanbin? Suy cho cùng, nghệ danh gì là chọn lựa của chính ca sĩ và của nhà quản lý, bởi lẽ, Hưng vẫn đang là thực tập sinh trong nhóm nhạc này mà thôi. Nhưng dù thế nào, là một người Việt, cái cảm giác nhìn thấy tên một ngôi sao trẻ người Việt xuất hiện đây đó trên thế giới với cái tên đầy đủ và thuần Việt, vẫn cảm thấy hãnh diện và ấm lòng...