Xuân nay, xuân thứ 24 của thiên niên kỷ mới, cả nước đang ở tuổivàng, sức ngọc. Nối vòng tay lớn, sải bước tương lai, chỉ vài nhịp hành quân nữa là chúng ta sẽ tiến đến năm 2045, đúng 100 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 100 năm Bác Hồ từng gửi gắm niềm tin vào thế hệ mới: Làm cho Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nào đi tới, Bác Hồ ta nói!
NHỮNG bạn trẻ sinh năm 2000, những đứa con của thiên niên kỷ mới, năm nay vừa 24 tuổi xuân - theo cách tính tuổi mụ của ông bà ta là 25 tuổi, tuổi của sức vóc cường tráng, tiêu biểu cho sự cường tráng của dân tộc. Không tin yêu sao được, không hy vọng, tự hào sao được?
Tôi lại nhớ tuổi thanh xuân của mình. Năm 1971, năm cuối cùng của cấp ba. Ngày ấy cũng là một ngày xuân. Tôi cùng người bạn học là Nguyễn Hữu Quý đi học trên con đường làng trơn trượt. Vào lớp, quần áo bùn đất bê bết vì trượt ngã không chỉ một lần. Trên con đường ấy, đứa nọ nhắc đứa kia, thuộc lòng bài thơ "Bài ca Xuân 1971" của Tố Hữu. Bài thơ có đề từ là: Gớt-tơ: Phải hành động! Lê-nin: Nên ước mơ! Bài thơ ấy như là viết cho chính chúng tôi:
71 đến, nghiêm trang.
Như người lính
Có lệnh là đi. Tư thế sẵn sàng
Và từ đó, tôi đã thành người lính, mải miết các chiến trường, cho đến ngày Mỹ cút ngụy nhào, yên Tây, bình Bắc. Còn Quý thì đi học Ba Lan, trở thành người lái những con tàu đi khắp đại dương. Đúng là "thời đại lớn cho ta đôi cánh". Không có cách mạng, thì những con em nông dân quần áo vá chằng vá đụp, gia tài trong nhà không quá một bồ thóc như tôi, như Quý làm sao có thể bước tới năm châu, bốn biển! Bây giờ thì tôi và Quý đều đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng gặp nhau ở làng, lại cùng nhau đọc Bài ca Xuân 1971, và trong bùi ngùi, vẫn nghe hăng hái một lòng trai thức dậy!
Ở Việt Nam ta, từ lâu, Đảng, Đất nước, Mùa Xuân đã thành một cụm từ, một thành ngữ nói về sự gắn bó, về cội nguồn của hạnh phúc. Không chỉ chúng tôi mà thế hệ cha anh, con cháu đều thấm thía, ơn nhờ sâu xa đối với nhân dân, đất nước; với Bác Hồ, với Đảng. Nói đúng ra, thế hệ trẻ sau này ơn nhờ nhiều nhất, nhưng có lẽ bọn trẻ ít thấm thía hơn ý nghĩa của cụm từ ấy, có lẽ vì ít khi tự hỏi: Ta từ đâu và đất nước từ đâu; hoặc vì đạo lý nước mắt chảy xuôi, vì độ lượng của cha anh: con cháu hạnh phúc là mình thấy hài lòng, mãn nguyện! Những câu ca dao, tục ngữ, chúng tôi học xưa - không để làm văn mà học để làm người, thì Uống nước nhớ nguồn; Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra là những tế bào đầu tiên và mãi mãi trong máu xương, cơ thể. Bây giờ tìm được đứa trẻ thuộc ca dao, tục ngữ sao mà hiếm!
Tôi có phải là người cố chấp và cổ hủ không? Tôi luôn cảnh giác với sự lạc hậu của thế hệ cũ trước thế hệ mới, từng nhận ra Thứ con biết thứ gì cha cũng lạ/ Thứ cha hay, con cũng biết hơn rồi… Nhưng cũng phải nói rằng, thế hệ trẻ còn cần phải được trao truyền, được bồi đắp cái gì đó cao rộng hơn, nhiều hơn là nhà cửa, xe hơi, quần áo… Ấy là cái giá trị tinh thần, cái đạo làm người. Đây là câu chuyện thứ nhất của Mùa Xuân. Mùa xuân không nói chuyện gieo trồng, thì chờ đợi gì ở những mùa sau? Đây là chuyện nguồn lực, chuyện con người, mà con người là quyết định tất cả, là nhiệm vụ trung tâm, chiến lược của cách mạng, chứ chưa phải là chuyện chỉ tiêu, chuyện của những con số để khoe rằng, năm nay hơn năm khác; nhiệm kỳ này thành tích hơn nhiệm kỳ khác!
MÀ nói chuyện con người, đâu chỉ nói chuyện bọn trẻ. Khắp nẻo đường đất nước giờ này đâu cũng tưng bừng khẩu hiệu Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng Đất nước.
Mừng Đảng vì Đảng tồn tại một cách vững vàng, bền bỉ với thời gian. Mừng Đảng là mừng cho Đảng, mong cho Đảng trong sáng như trời xuân, dạt dào sức sống như mùa xuân. Cây có đất, Đảng có Dân. Đảng muốn dạt dào sức sống phải cắm rễ sâu vào tình dân, lòng nước; phải xanh tươi tính nhân dân, tính dân tộc, phải cao cả tính lý tưởng. Trước đây, nhiều gia đình đem tài sản hiến cho cách mạng, chỉ mong cách mạng thành công; bán của cải cho con đi làm cộng sản. Bây giờ có nhà nào bán tài sản, ruộng đất cho con an lòng đi làm cán bộ; hay đi làm cán bộ để đem tiền của về làm giàu cho nhà mình? Thậm chí có nhiều người, nhóm người coi cán bộ là một thị trường, một kênh đầu tư hiệu quả. Thế là đi ngược lại lợi ích của Dân, lý tưởng của Đảng. Chúng ta phải sát cánh bên ngọn cờ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phất cao để loại trừ, phải đuổi bằng được những con người ấy ra khỏi Đảng. Chống nội xâm cũng kiên quyết như chống ngoại xâm Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi! Khẩu hiệu từ xuân này phải chăng là Hễ còn một tên dốt nát, tham nhũng trong Đảng, thì ta phải kiên quyết quét sạch nó đi!
Đảng sinh vào một ngày Xuân. Mừng sinh nhật Đảng như mừng sinh nhật người thân yêu trong gia đình. Mừng Đảng là ơn Bác, người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Đảng của Bác Hồ, Đảng của Nhân dân. Đảng ấy là Đảng của đạo đức, văn minh. Đảng ấy, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, không có lợi ích gì khác. Mừng Đảng, do đó cũng là mừng xuân, mừng đất nước, mừng chính chúng ta. Ai chưa thấy điều ấy thì hỏi chính lòng mình, thử tách mình khỏi khái niệm dân này, nước này, Đảng này, lúc đó, anh sẽ là ai?
TRONG bài Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946, Bác Hồ viết: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức". Như vậy, năm 1946, cả nước có khoảng 20 triệu người. Mặc dù số người mất mát qua những cuộc chiến tranh khốc liệt rất lớn, nhưng kể từ ngày ấy, dân số nước ta vẫn tăng lên năm lần, so với mức tăng 3,2 lần của thế giới, lên mức 100,3 triệu người. Thật là một dân tộc có sức sống kỳ diệu!
Đầu năm 2024, tôi có dịp lên đón Xuân với người dân làng Thái Hải ở thành phố Thái Nguyên. Đó là ngôi làng do một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thanh Hải, ít tiền bạc, chữ nghĩa nhưng giàu tình yêu đối với con người, với văn hóa lập nên từ năm 2002, nhằm giữ lại những ngôi nhà sàn và truyền thống văn hóa người Tày. Nay làng đã có 30 nếp nhà sàn, gần 200 nhân khẩu. Năm 2022, Thái Hải được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là một trong 32 làng du lịch tốt nhất thế giới. Gần 200 người dân các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh ăn chung một bếp, uống chung một dòng nước. Ai nấy đều thương yêu nhau như người trong nhà; chung làm, chung hưởng.
Bác Đặng Xuân Hòa, vốn là lính Trường Sơn năm 1968, gốc 59 phố Hàng Trống, nay đã là công dân của làng, tâm sự: Tôi ở đây vì thấy đây là một Chủ nghĩa xã hội làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu! Tôi cũng thấy đây là một kiểu Chủ nghĩa xã hội, có thể nói là Chủ nghĩa xã hội nhân dân. Cái làm nên hình ảnh tốt đẹp này, chính là văn hóa gia đình của Việt Nam.
Như vậy, Chủ nghĩa xã hội đã hiện hữu. Chủ nghĩa xã hội gần lắm, nếu đi từ truyền thống. Làng Thái Hải không có những đồ vật, cảnh quan kỳ vĩ như làng cối xay gió Zaanse Schans của Hà Lan, nhưng tình người thì không nơi nào có. Tôi bỗng nghĩ về khoán sản phẩm và thấy rằng, nhân dân ta luôn sáng tạo nên những mô hình tuyệt vời, cách mạng đúng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân luôn biết tạo dựng hạnh phúc cho mình.
Như dâu hẹn vàng tơ, chè mơ thêm lứa, lòng tôi bỗng trẻ về phơi phới, bỗng ngân về những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào:
Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng
Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa
Hòn than nhỏ cũng bừng lên ánh sáng
Thác Bà reo, gọi điện sông Đà.
Ta sẽ khai những mỏ dầu, mỏ sắt
Đóng những con tàu đi khắp đại dương
Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất
Biết căm thù và biết yêu thương…
Nào đi tới, Bác Hồ ta nói… Tiếng hát đã cất lên từ ngày có Đảng, khi lòng ta đã hướng về mùa Xuân, đã chọn con đường theo Đảng!