Nâng tầm sản phẩm với chứng nhận OCOP

Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 39 sản phẩm đạt chuẩn OCOP của 11 chủ thể. Trong đó có 15 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Như vậy, sau khoảng bốn năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thành phố hiện có 66 sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Việc được công nhận OCOP 4 sao giúp dòng sản phẩm của Meet More thêm kênh tương tác mới ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Việc được công nhận OCOP 4 sao giúp dòng sản phẩm của Meet More thêm kênh tương tác mới ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Thành lập vào năm 2020 với 100% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đến nay, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (huyện Hóc Môn) đã có 25 sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại hơn 10 nước phát triển trên thế giới, chủ yếu là cà-phê. Cuối tuần qua, Toàn Cầu là một trong 11 doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn thành phố năm 2022. Doanh nghiệp này có năm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chuẩn 4 sao, gồm: Cà-phê hòa tan 4in1 Meet More vị khoai môn,

Cà-phê hòa tan 4in1 Meet More vị bạc hà, Cà-phê hòa tan 4in1 Meet More vị nhàu, Cà-phê hòa tan 4in1 Meet More vị đậu xanh và Cà-phê hòa tan 4in1 Meet More vị dừa.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu cho biết, thang đánh giá, công nhận của OCOP có khá nhiều điểm tương đồng với các chuẩn quốc tế, đòi hỏi mỗi đơn vị cần chuẩn bị kỹ càng và siết chặt chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ được công nhận chuẩn, năm dòng sản phẩm OCOP 4 sao của Meet More còn có thêm cơ hội tiếp cận người tiêu dùng khi được “chào đón” ở nhiều siêu thị lớn trên địa bàn thành phố thông qua các cam kết hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh về tiêu thụ sản phẩm.

Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chương trình OCOP từ năm 2019. Ở giai đoạn 2019-2020, thành phố triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn năm huyện xây dựng nông thôn mới là Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè. Nhận thấy tín hiệu tích cực từ các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn, bước sang giai đoạn 2021-2025, chương trình được mở rộng ra 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Không chỉ mở rộng địa bàn triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh còn mở rộng lĩnh vực đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Nếu như giai đoạn đầu chỉ tập trung phát triển sản phẩm gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực thì bước sang giai đoạn mới đã định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với sáu lĩnh vực: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, những thay đổi theo hướng tích cực của chương trình OCOP đã thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể, từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đến các hộ dân có sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chương trình khuyến khích việc mở rộng chương trình OCOP, trong đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự chung tay của các sở, ban, ngành liên quan mà nhiệm vụ chính vẫn là tạo điều kiện để ngày càng nhiều đơn vị có sản phẩm chất lượng được tiếp cận chương trình.

OCOP, chương trình mỗi xã một sản phẩm được Việt Nam bắt đầu triển khai vào năm 2018. Chương trình OCOP đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, các huyện xây dựng nông thôn mới mà còn là giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương.