Nâng cao trải nghiệm cho du khách

Du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, phường Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) ngày càng nhiều, có thời điểm gây quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cũng như an toàn-an ninh trật tự xã hội. Theo đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thúng chai rừng dừa Cẩm Thanh được thành lập hướng đến việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đồng thời nâng cao khái niệm du lịch bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngồi thúng chai khám phá cảnh sắc rừng dừa là hoạt động ưa thích của du khách đến Hội An.
Ngồi thúng chai khám phá cảnh sắc rừng dừa là hoạt động ưa thích của du khách đến Hội An.

Điểm đến thú vị

Từ bến thuyền, du khách thong dong trên chiếc thúng chai xuôi dòng sông Thu Bồn, trải nghiệm vẻ đẹp yên bình và kỳ thú của rừng dừa Bảy Mẫu và xem màn trình diễn múa thúng độc đáo của những thợ chèo lão luyện với những vòng quay nghiêng điệu nghệ và hấp dẫn. Không những thế, tại đây du khách còn được lắng nghe những điệu hò, điệu hát ca ngợi quê hương đất nước của cư dân bản địa.

Sau chuyến tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, chị Nguyễn Thị Phương Thảo đến từ TP Nha Trang (Khánh Hòa) vui vẻ chia sẻ: “Tôi vừa được ngồi thúng ngắm cảnh, vừa được trải nghiệm các hoạt động của một ngư dân. Tôi rất thích cảnh quan tự nhiên của vùng này. Đây là điểm đến thú vị để mọi người thư giãn và tái tạo nguồn năng lượng mới cho cuộc sống”.

Còn bạn Nguyễn Thị Ngọc Ánh đến từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết, mặc dù ở gần Hội An nhưng đây là lần đầu đặt chân đến rừng dừa Bảy Mẫu. “Đến đây, mình đã chụp những tấm hình lưu niệm tuyệt đẹp và thử cảm giác mạnh khi lắc lư trên chiếc thúng chai cùng bác chèo hơn 70 tuổi nhưng vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh thật ấn tượng”, Ngọc Ánh nói.

Khu vực rừng dừa còn được ví như một miền Tây Nam Bộ thu nhỏ bên phố cổ Hội An. Vài năm trở lại đây khu rừng dừa nước này đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, làm giàu nhờ việc có du khách đến tham quan, trải nghiệm. Thống kê của phường Cẩm Thanh hiện có 1.393 chiếc thúng chai hoạt động tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu. Năm 2023, tổng lượng khách mua vé tham quan rừng dừa đạt khoảng 790 nghìn lượt. Đến thời điểm này của năm 2024 đã đón khoảng 800 nghìn lượt du khách đến tham quan.

Ông Lê Ất, người địa phương chèo thúng chai nhiều năm cho biết: “Một thúng chai có thể ngồi từ 3 đến 5 khách. Mùa cao điểm một ngày tôi đón cả trăm khách. Bản thân tôi cũng như nhiều người dân ở đây đều tham gia làm dịch vụ nên có thu nhập và đời sống cũng ổn định”.

Động lực phát triển kinh tế địa phương

Cùng với việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường để tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút, trong thời gian qua, chính quyền từ thành phố đến địa phương đã chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn cho du khách, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý và tổ chức hoạt động dịch vụ bơi thúng chai.

Mới đây, HTX Dịch vụ thúng chai rừng dừa Cẩm Thanh được thành lập nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh, tăng thêm lợi ích cho thành viên, đồng thời góp phần vận hành hệ thống bến thủy tại khu du lịch được an toàn, hiệu quả. Ông Trần Quý, Giám đốc HTX, cho biết: “Trước mắt là đầu tư cơ sở hạ tầng một cách bài bản. Dần dần chúng tôi đưa thêm các hoạt động của dịch vụ thuyền thúng để người dân trực tiếp điều hành. Tiếp đó là gắn kết với các doanh nghiệp đang hoạt động trên khu vực rừng dừa để cùng hợp tác kinh doanh dựa trên sự bảo đảm về môi trường, quyền lợi và an toàn cho du khách”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh: “Có một số lý do để phát triển dịch vụ du lịch ở Cẩm Thanh nói chung, trong đó có khu rừng dừa nói riêng theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng đa chiều. Trước hết đó là kinh tế. Tiếp đến là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị không gian sinh tồn, giá trị đa dạng sinh học rừng dừa. Đây cũng là cách để tạo lập và gìn giữ nền tảng văn hóa bản địa của người Cẩm Thanh và điều quan trọng nhất là gắn kết cộng đồng trong việc phát triển và điều hành dịch vụ”.

Là người gắn bó nhiều năm với xã Cẩm Thanh và TP Hội An thông qua các dự án bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP), cho rằng, vai trò của HTX Dịch vụ thúng chai rừng dừa Cẩm Thanh không chỉ ở việc phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái độc đáo của địa phương. Đây là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và vẫn đang làm, phù hợp với xu thế du lịch khám phá các giá trị tự nhiên được ưa thích hiện nay.