Mưa gọi rét

Sau mấy ngày oi nóng, trời bỗng nổi cơn dông. Mây mù ở đâu ùn ùn kéo tới, mưa cứ thế nối tiếp nhau sợi ngắn sợi dài. Chỉ qua một đêm, mọi thứ đều bị bao trùm trong không khí ren rét của những ngày trở gió.
0:00 / 0:00
0:00

Dù là cuối thu, đầu đông hay đã lưng chừng hết nửa mùa xuân, hễ sắp chuyển mùa, bà ngoại lại chăm chú nghe dự báo thời tiết trên đài. Biết rằng, chuyện nắng mưa trên đó chỉ là dự báo, nhưng dù sao nghe ngóng một chút cũng yên tâm hơn. Ngày trước, cái gì cũng thiếu thốn, nên chuyện nắng mưa quan trọng phải biết.

Người ta đợi nắng để phơi phóng chăn màn, hong mấy cái áo rét mới mặc được một hai lượt. Đậu đỗ cũng cần ngày nắng để phơi cho khô hẳn. Gieo vài luống rau cho mùa mới, gặp hôm nắng ráo cũng đỡ vất vả. “Nghe đâu trên đài, mai mốt là mưa đấy!”. Chỉ vì câu ấy thôi, mà trong lòng nhà nông thấy bứt rứt, nóng cả ruột gan.

Gọi là “mưa rét” cũng có cái lý của người xưa. Ở cái xứ nhiệt đới này, hễ trời trở gió, kiểu gì cũng phải có cơn mưa, dù là đông hay hè. Khi cơn mưa gọi rét vừa đáp xuống sân nhà, mọi việc đều phải xong xuôi, tươm tất đâu ra đấy. Những thứ phải phơi phóng, đã khô cong khô queo, nằm ngoan ngoãn trong bồ, trong phi thóc cả rồi.

Trong nhà, ngoài sân, cũng được bà quét tước một lượt, sạch sẽ tinh tươm. Nhỡ đâu mưa rét mấy ngày, không mang cái chổi sể ra quét sân, quét ngõ được thì trong ngoài cũng đã gọn ghẽ cả rồi. Một chút việc nhỏ đó thôi, đã thể hiện được cái chu đáo, tỉ mỉ của những người phụ nữ trong nếp nhà xưa.

Những ngày mưa, trời trở rét, lại không đúng phiên chợ, bọn trẻ con vui phải biết. Chúng hớn hở ra mặt vì mẹ sẽ ở nhà cả ngày. Không đồng áng, không chợ búa, cũng chẳng ai thuê mướn gì vào ngày mưa rét ấy, mẹ hay bà được mấy ngày thong thả bên lũ trẻ, đơm lại mấy cái áo đứt khuy, khâu vài chiếc quần đã bục đường chỉ.

Thường ngày, công việc cứ cuốn mẹ đi, chẳng có thời gian mà rán cho mấy đứa con cái bánh, nên cứ hứa lần, hứa lữa mãi. Được hôm mưa rét, mẹ ở nhà, mấy anh chị em thèm gì cũng có. Từ bánh rán, đến chè lam, hôm nào nhà sẵn đường và mạch nha, mẹ còn làm cả kẹo lạc, kẹo dồi. Vừa làm, vừa tíu tít kể chuyện, nên thứ gì cũng ngon đáo để.

Những hôm chẳng còn bột, còn đường để làm bánh, mẹ sẽ nướng cho mấy đứa vài củ khoai. Mấy mẹ con ngồi trong nhà, giữa cái gió lạnh của những ngày trở trời, ăn củ khoai nướng nóng hổi, thơm phức, niềm vui ở chốn thôn quê giản dị vậy thôi.

Nhờ những câu chuyện cũ ấy, lũ trẻ mới biết họ hàng có những ai đi xa, ai ở gần, rồi người còn người mất. Có những người họ hàng mà chúng chưa từng gặp, chỉ nghe qua lời kể, nhưng sao vẫn thấy thật thân thương. Chốc chốc, mẹ dừng tay, hỏi vu vơ vài câu chuyện cũ, xác nhận lại thông tin của vài người họ hàng xa lâu ngày chưa gặp.

Ở cái thời xa lắc, chẳng có máy ảnh, máy quay, lịch sử của từng gia đình được lưu giữ qua những câu chuyện cũ. Đời nọ kể cho đời kia, mối dây thiêng liêng của họ hàng, dòng tộc được giữ gìn một cách giản dị như thế. Nhà nông, quanh năm bận rộn, chỉ tranh thủ ngày mưa, rỗi rãi mà kể cho nhau nghe.

Hôm nay trời lại trở rét, mẹ gọi điện hỏi trên phố thế nào, ở nhà hơi lành lạnh, mấy cái chăn bông định cất đi, nay lại phải giở ra đắp. Giờ đàn con đã lớn, người già khi xưa đã về nơi thiên cổ, những ngày trời trở gió, chỉ còn mẹ cha ngồi ngóng ra hiên.