Thị trường giàu tiềm năng
Theo ISA Halal, từ “halal” bắt nguồn từ tiếng Arab, có nghĩa là “cho phép” hay “được phép”, mô tả toàn bộ các vật phẩm, hành động, tư tưởng phù hợp với tín ngưỡng và luật pháp Hồi giáo. Với thương mại ngày nay, halal có nghĩa là nền sản xuất công nghiệp, dịch vụ, cung cấp sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Hồi giáo, trong đó quan trọng nhất là các ngành sản xuất thực phẩm. Halal gồm quy trình tuân thủ “từ nông trại đến bàn ăn” ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng sản xuất, từ cung ứng đầu vào, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kho bãi, vận chuyển, hậu cần cho đến phân phối, tiêu dùng... Halal đề cập đến vấn đề tính bền vững, chăn nuôi nhân đạo, tôn trọng môi trường, an toàn vệ sinh và giá trị trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Công nghiệp thực phẩm halal đã đạt giá trị 1,27 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Con số này dự kiến đạt 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng hiện tại là 11,25% trên toàn cầu. Số lượng sản phẩm halal cũng tăng không ngừng. Từ mốc 16.936 mặt hàng halal của năm 2018, năm 2020 đã có 20.482 sản phẩm, tăng tới 12%. Trong các ngành kinh tế Hồi giáo, công nghiệp thực phẩm phát triển nhanh nhất, đã vươn lên vị trí thứ hai, chỉ xếp sau tài chính ngân hàng.
Sự phát triển như vũ bão của thị trường thực phẩm halal tới từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, dân số Hồi giáo đang tiếp tục tăng trong những thập kỷ qua. Thế giới hiện có khoảng 2 tỷ người thực hành theo tín ngưỡng Hồi giáo, chiếm 25% dân số toàn cầu. Con số này còn tăng tiếp do tình trạng nhập cư vào Mỹ và châu Âu cùng khác biệt về tỷ lệ sinh giữa nhóm dân số Hồi giáo và những quốc gia khác. Thứ hai, những nước có đông người Hồi giáo như Indonesia, Malaysia hay một số nước Tây Á cũng là nơi có kinh tế phát triển nhanh. Đời sống càng được cải thiện thì nhu cầu thực phẩm chất lượng cao càng tăng.
Thứ ba, du lịch Hồi giáo bùng nổ cả theo chiều đến và chiều đi thúc đẩy công nghiệp thực phẩm phát triển theo. Người Hồi giáo có những tiêu chuẩn riêng biệt về thực phẩm và sẽ ưu tiên những điểm du lịch sẵn sàng chiều lòng họ. Ngược lại, khách du lịch cũng có nhu cầu cao hơn trong việc khám phá ẩm thực và văn hóa Hồi giáo. Trong nhiều siêu thị ở các quốc gia, đã có những khu cung cấp đồ ăn riêng cho người theo đạo Hồi, không kém những quầy bánh mỳ cho người châu Âu hay bún phở của người châu Á.
Điểm đặc biệt của thị trường thực phẩm halal là không chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối cùng. Thực phẩm halal đòi hỏi đáp ứng đúng các tiêu chuẩn ngay từ nguồn gốc, cách chăm sóc, chế biến, bảo quản tới chất lượng. Người Hồi giáo cũng tin vào cách đối xử có đạo đức, giàu trắc ẩn với động vật. Họ muốn bảo đảm động vật được đối xử nhân đạo suốt vòng đời của nó, được giết thịt theo cách ít đau đớn nhất.
Đó là lý do cho sự ra đời tiêu chuẩn halal về thực phẩm cung cấp cho người theo đạo Hồi. Tiêu chuẩn này có thể được cấp bởi những quốc gia Hồi giáo hoặc một số tổ chức quốc tế được công nhận. Hiểu một cách đơn giản, được cấp chuẩn halal là bước đầu tiên để xâm nhập thị trường thực phẩm Hồi giáo, đồng thời bảo đảm món hàng sẽ được bán với giá tốt hơn. Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, đã ban hành Luật Sản phẩm Halal vào năm 2019. Saudi Arbia làm điều tương tự vào năm 2019 trong khi Pakistan ra luật năm 2021.
Điều thú vị là tiêu chuẩn halal ban đầu chỉ phục vụ cộng đồng Hồi giáo, nhưng khi áp dụng đúng các nguyên tắc vốn rất nghiêm ngặt này, thực phẩm halal cũng chiều lòng được nhóm khách hàng khó tính từ các nước phát triển, cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng, vệ sinh và đáng tin cậy. Cộng thêm yếu tố mới lạ, thực phẩm halal đã chạm tới thị hiếu của rất nhiều thị trường không theo đạo Hồi. Theo DinarStandard, nhiều giá trị Hồi giáo đang ngày càng phát triển bên ngoài thế giới Hồi giáo.
Hàng loạt quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã chủ động tìm tới tiêu chuẩn halal, mang các sản phẩm này về cho khách hàng nội địa, qua đó, hứa hẹn mở rộng thị trường halal tới một quy mô chưa từng thấy.
Người Hồi giáo có những tiêu chuẩn riêng biệt về thực phẩm.Ảnh: AP |
Các quốc gia tiến vào “cuộc đua halal”
Theo Kerry Digest, khoảng 63% sản phẩm halal toàn cầu hiện tới từ châu Á, tiếp theo là châu Phi (14%) và Trung Đông (10%). Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu 2023/2024 ghi nhận năm thứ 10 liên tiếp Malaysia dẫn đầu Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI). Một nước Đông Nam Á khác là Indonesia xếp thứ ba. Thông tin trên có lẽ gây ngạc nhiên với nhiều người. Nhiều chuyên gia thương mại quốc tế tin rằng, môi trường hòa bình, ổn định cùng sự vươn lên của các nền kinh tế mới đang biến Đông Nam Á trở thành trung tâm mới của thị trường halal.
Các báo cáo cũng cho thấy người Hồi giáo từ châu Á - Thái Bình Dương hiện tiêu thụ tới 90% thực phẩm và đồ uống halal. Trong đó, nhu cầu cao nhất là các sản phẩm thịt, gia cầm, hải sản halal, chiếm một nửa doanh số toàn cầu. Còn bánh kẹo, bánh nướng, hoa quả đóng gói ăn liền là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất.
Sự phát triển của thị trường halal ở khu vực này gắn với sự vươn lên của nhóm dân số Hồi giáo trẻ, những người đã trưởng thành, có thu nhập và bắt đầu khẳng định bản thân trong xã hội. Họ đang tìm kiếm các sản phẩm chất lượng, phù hợp lối sống hiện đại của mình. Nghiên cứu cho thấy 60% lượng khách hàng halal hiện dưới 30 tuổi.
Thị trường mới này đang khiến các quốc gia không thể ngồi yên. Quốc gia dẫn đầu thị trường Malaysia đã thành lập Bộ Phát triển Hồi giáo từ năm 1997. Đến 2022, họ sáng lập tiếp Chương trình Halal Malaysia. Chỉ từ đó tới nay, tổ chức này đã cấp phép mới cho hơn 1.800 doanh nghiệp. Lãnh đạo một ngân hàng quốc tế lớn chia sẻ với Business Times: “Phải công nhận quyết tâm của Malaysia trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn, điều đã biến họ thành tên tuổi nổi bật của thị trường halal”.
Thailand, nước chỉ có 5,8% dân số theo đạo Hồi, cũng vừa thành lập Ủy ban Công nghiệp Halal quốc gia hồi đầu năm. Họ hiện có 64.000 công ty thực phẩm đạt chứng nhận halal và đang đề ra chiến lược đưa Thailand thành trung tâm halal của ASEAN vào năm 2028. Singapore, Indonesia cũng có động thái tương tự. Ngoài Đông Nam Á, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đang bước vào cuộc đua thúc đẩy thị trường halal.
Ngay cả những nước không có nhiều người Hồi giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc hay xa xôi hơn là Mỹ, Anh, Chile, Argentina, Hungary, Belarus cũng chẳng thờ ơ. Năm 2019, Tập đoàn Ajinomoto (Nhật Bản) đã đầu tư 85 triệu USD để xây dựng một dây chuyền sản xuất halal tại Malaysia và đã vận hành từ năm 2022. Thịt bò Kobe (Nhật Bản) và thịt bò Hanwoo (Hàn Quốc) đang cạnh tranh quyết liệt để tiến vào thị trường Tây Á cùng tiêu chuẩn halal. Tháng 12 năm ngoái, Mỹ cũng đã có hai bản hợp đồng trị giá hơn 500 triệu USD, cung cấp thức ăn chăn nuôi, sữa và các chế phẩm từ sữa đáp ứng chuẩn halal. Trước đó tại Australia, một phán quyết được đưa ra khẳng định giết mổ bằng phương pháp làm choáng là không phù hợp tiêu chuẩn Hồi giáo, đồng nghĩa yêu cầu cách thức sản xuất hướng tới halal nhiều hơn.