Mở rộng Mát-xcơ-va

NDO - Vậy là thủ đô Mát-xcơ-va vừa được mở rộng với diện tích tăng gần gấp ba lần. Cuộc trao đổi ý kiến về xây dựng đô thị giữa tuần san Ngọn lửa nhỏ (Nga) với kiến trúc sư bậc thầy Xan-ti-a-gô Ca-la-tơ-ra-va có nhiều thú vị.
Kiến trúc sư Xan-ti-a-gô Ca-la-tơ-ra-va...
Kiến trúc sư Xan-ti-a-gô Ca-la-tơ-ra-va...

- Ngọn lửa nhỏ:Hiện nay đang có xu hướng ồ ạt mở rộng đô thị - thí dụ mới nhất, diện tích Mát-xcơ-va vừa được tăng gần gấp ba lần. Ý kiến của ông đối với những kế hoạch tương tự?

- Xan-ti-a-gô Ca-la-tơ-ra-va:

Theo tôi, phải khai thác đến cùng khả năng mở rộng nội tại đã. Ðầu tiên phải phân tích thật chi tiết để nắm chắc là đất trong lòng thành phố đã được sử dụng hợp lý đến đâu. Trong mỗi thành phố lớn thường có những khu đất vì lẽ này lẽ nọ nằm ngoài cấu trúc hạ tầng chung, nên bị bỏ quên, không có hạng mục và không người chăm nom. Về kinh tế, đưa những khu đất ấy vào cơ cấu của thành phố sẽ có lợi hơn nhiều so với đổ vốn xây dựng đô thị mới ở ngoài ranh giới hiện có, vì ngay cạnh đó đã sẵn cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác rồi. Mở rộng tràn lan theo hướng ly tâm thường tỏ ra sai lầm. Ðã có những thí dụ rất thuyết phục...

- Như Tô-ki-ô ở Nhật chứ gì?

- Còn nữa. Pa-ri chẳng hạn, ở đó có nhiều người suốt đời không đi ra khỏi quận, hạt của mình. Họ có vào trung tâm cũng chỉ để thăm bảo tàng, còn thì cái gì cũng có ngay tại chỗ. Một sơ đồ như thế có hiệu quả hơn nhiều so với mô hình một trung tâm với những quận vệ tinh bao quanh và những dòng xe chen chúc tìm lối thoát.

- Nhưng thực tế cho biết sớm muộn thì thành phố nào cũng phải vươn ra ngoài giới hạn hiện tại. Những thành phố mới mở rộng ấy có lặp lại mô hình phổ biến hiện nay - trung tâm giao dịch thì tháp chọc trời, ở ngoại vi thì nhà tầng thấp - hay là sẽ có gì mới?

- Chủ yếu là phải tiếp cận đúng đắn khi chiếm lĩnh lãnh thổ mới. Chỉ dựng lên cho đô thị mới những nhà ở, văn phòng, trung tâm thôi - chưa đủ. Phải có gì đó thu hút được người tứ xứ, thí dụ: những tòa nhà công cộng đồ sộ để nâng cao vị thế của thành phố hoặc đô thị mới. Thành phố Va-len-xi-a quê tôi phải mất gần 20 năm để tái cơ cấu một quận nghèo nhất với những công xưởng bỏ hoang, khu ổ chuột nhếch nhác... Tại đấy bây giờ đã mọc lên một tổ hợp kiến trúc "Thành phố Nghệ thuật và Khoa học" - một trong những công trình hiện đại, quy mô và nổi tiếng nhất châu Âu. Chung quanh đó, các nhà ở và khách sạn được xúc tiến thi công, và hôm nay, đó là một trong những quận cao giá nhất ở Va-len-xi-a.

- Tóm lại, theo ông, thành phố nên xây dựng trong phạm vi hiện có hay mở rộng ra nữa?

- Chiều cao của tòa nhà không phải là chủ yếu. Trước hết, kiến trúc cần phải hiện đại, và không nên loại trừ tòa tháp chọc trời. Hoàn toàn có thể tiếp thu những cái được - xét theo quan điểm kiến trúc - của những tổ hợp nhà cao tầng ăn nhập hài hòa với cảnh quan.

- Tức là ông không đồng tình với luận điểm cho rằng khủng hoảng tài chính đặt dấu chấm hết cho tòa tháp chọc trời...

- Ðúng. Bây giờ, thực thi nhiệm vụ từ xa là kinh tế hơn cả. Mặc dầu vậy, tòa tháp chọc trời vẫn giữ được tính hấp dẫn của nó như một chỗ ở cao sang. Có một hiện tượng thú vị trong các thành phố Mỹ: người ta thích trở về trung tâm thành phố để sống, họ mua những căn hộ ở tít trên cao. Hoặc ở Hồng Công - nhà chọc trời rất phổ biến, vì thiếu đất xây dựng. Ở những vùng đã có bề sâu lịch sử nhất định với truyền thống không xây nhà quá cao tầng - như Xanh Pê-téc-bua hay Mát-xcơ-va - thì điều rất quan trọng là phải biết chọn đúng chỗ để xây dựng những "City". Thí dụ rất thành công về sự kết hợp nhà chọc trời với nhà thấp tầng, đó là Tô-rôn-tô, ở đó, từ nhà vườn của mình, người ta có thể đi bộ đến chỗ làm việc trong nhà chọc trời.

* Kiến trúc sư Tây Ban Nha Xan-ti-a-gô Ca-la-tơ-ra-va (sinh năm 1951), học nghệ thuật và kiến trúc ở trong nước, sau đó nhận bằng tiến sĩ kỹ thuật ở Thụy Sĩ (1981). Từng thực hiện hơn 40 dự án lớn (bảo tàng, nhà hát, nhà ga, sân bay, sân vận động, cầu qua sông...) ở khắp thế giới, ông đã được tặng Huy chương vàng của Viện Kiến trúc Mỹ (AIA).

(Nguồn: Ogoniok, No26, 2-7-2012)