Thỏa thuận trả phí sử dụng tin tức

Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.
0:00 / 0:00
0:00
Các quan chức của Canada và Google thảo luận về sự hợp tác giữa hai bên. Ảnh: AP
Các quan chức của Canada và Google thảo luận về sự hợp tác giữa hai bên. Ảnh: AP

Luật Tin tức trực tuyến

Theo Reuters, động thái trên tuân thủ theo Luật Tin tức trực tuyến do Chính phủ Canada thông qua vào năm 2023. Luật yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn như Google và Meta phải trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức, tương tự như chính sách đã được áp dụng ở Australia và một số quốc gia châu Âu. Ông Paul Deegan, Chủ tịch Hiệp hội truyền thông tin tức Canada (News Media Canada) - tổ chức đại diện các nhà xuất bản và đài phát thanh lớn tại Canada - nhận định đây là thỏa thuận “vượt trội” so các khu vực khác. Theo ông, các cơ quan báo chí Canada có thể nhận khoảng 20.000 CAD cho mỗi nhà báo, tạo thêm động lực để các tòa soạn sản xuất nội dung tin tức chất lượng cao.

Ông Deegan nhấn mạnh: “Khoản hỗ trợ này sẽ giúp các đơn vị thông tin thực hiện các bài viết chất lượng nhiều hơn, trong khi Google cũng hưởng lợi lớn từ nội dung có kiểm chứng mà các nhà báo tạo ra”. Hai “gã khổng lồ” công nghệ Google và Meta nắm giữ khoảng 80% doanh thu quảng cáo tại Canada, từ lâu đã bị chỉ trích vì làm giảm nguồn thu của các tổ chức báo chí truyền thống trong khi không trực tiếp sản xuất mà chỉ sử dụng nội dung miễn phí.

Trước những kêu gọi của giới báo chí, Chính phủ Canada đã thảo luận và nhất trí thông qua Luật Tin tức trực tuyến nhằm hỗ trợ lĩnh vực báo chí địa phương, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm doanh thu quảng cáo trong những năm trở lại đây. Theo Bộ Tư pháp Canada, chính phủ ghi nhận các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì công bằng và trật tự xã hội. Các hãng tin tức và báo chí phục vụ mục đích cung cấp thông tin cho cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của công dân và chống lại làn sóng thông tin sai lệch.

“Ngành công nghiệp tin tức thúc đẩy công dân tăng hiểu biết bằng cách cung cấp cho họ thông tin quan trọng, giúp họ được hưởng lợi đầy đủ và tham gia vào các hoạt động xã hội”, luật nêu rõ. Song, các nhà chức trách cũng chỉ ra rằng, hầu hết người dân Canada hiện nay đều chỉ đọc tin tức trực tuyến. Năm 2022, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Canada là 14 tỷ CAD, với hai nền tảng Google và Meta nhận được khoảng 80% doanh thu này. Trong khi các nền tảng kỹ thuật số kiếm được hàng tỷ từ quảng cáo trực tuyến, thì ngày càng có nhiều hãng tin đóng cửa mỗi năm, phần lớn là do mất doanh thu quảng cáo.

Vì vậy, Đạo luật Tin tức trực tuyến đặt mục tiêu bảo đảm cho các nền tảng số sẽ bồi thường cho các doanh nghiệp tin tức và tòa soạn, khi sử dụng nội dung dịch vụ của họ trong suốt thời gian qua. “Đạo luật này tạo ra một khuôn khổ thương lượng để bảo đảm rằng các nền tảng trả phí cho tòa soạn sản xuất tin tức một cách công bằng, bằng cách khuyến khích các nền tảng đạt được các thỏa thuận thương mại tự nguyện với những tổ chức truyền thông, tòa soạn báo chí”, Bộ Tư pháp Canada cho hay.

Trong trường hợp các bên không thể đạt được thỏa thuận công bằng một cách độc lập, họ sẽ phải tiến hành một quá trình thương lượng bắt buộc để hòa giải. Nếu sau khi hòa giải, các bên vẫn không thể đạt được thỏa thuận, mỗi bên sẽ đệ trình một đề nghị cuối cùng và thông qua hội đồng trọng tài lựa chọn một trong hai đề nghị.

Thỏa thuận trả phí sử dụng tin tức ảnh 1

Google đạt thỏa thuận trả phí sử dụng nội dung báo chí ở Canada. Ảnh: GETTY IMAGES

Những thỏa thuận trả phí báo chí

Luật Tin tức trực tuyến Canada được phê chuẩn vào ngày 22/6/2023, giao Ủy ban Phát thanh-Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC) chịu trách nhiệm giám sát khuôn khổ thương lượng. Tuy nhiên tại Canada, Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram - đã phản ứng bằng cách chặn nội dung tin tức trên những nền tảng này để tránh phải bồi thường cho các công ty truyền thông. Google cũng từng đe dọa thực hiện hành động tương tự trước khi đạt được thỏa thuận tài trợ, được cơ quan quản lý truyền thông Canada thông qua vào tháng 10/2024.

Theo thỏa thuận, 30% khoản tiền từ Google sẽ được phân bổ cho các đài phát thanh - truyền hình, trong khi phần còn lại được chia cho các nhà xuất bản tin tức. Khoản tiền theo thỏa thuận đã được chuyển tới Hội Nhà báo Canada để phân phối nguồn tài trợ này. Google cũng cho biết, sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận và dự kiến thực hiện một khoản thanh toán khác vào cuối năm 2025.

Ở Mỹ, năm ngoái, Google đã đạt được một thỏa thuận tương tự với chính quyền bang California (Mỹ) nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí tại địa phương này. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa nền tảng công nghệ với chính quyền bang ở Mỹ để tài trợ cho các tòa soạn đổi lấy quyền phân phối nội dung tin tức. Kế hoạch này kêu gọi Google chia sẻ để cùng triển khai với chính quyền bang khoản cam kết 250 triệu USD trong 5 năm, phần lớn trong số đó sẽ tài trợ cho các tòa soạn báo ở California.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đề ra những quy định pháp lý yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số lớn phải thương lượng công bằng với các tòa soạn báo chí về nội dung của họ. Từ năm 2022, Alphabet - công ty mẹ của Google - đã ký các thỏa thuận trả phí cho hơn 300 nhà xuất bản ở Đức, Pháp và 4 quốc gia EU khác để lấy tin tức của họ. Trong nhóm các tòa soạn này có những tờ báo lớn như Der Spiegel, Die Zeit và Frankfurter Allgemeine Zeitung…

Vào năm 2021, Chính phủ Australia đã triển khai “Bộ luật thương lượng truyền thông tin tức”, về cơ bản buộc các ứng dụng xã hội và công cụ tìm kiếm phải trả phí cho các nhà xuất bản địa phương để sử dụng nội dung, bao gồm cả liên kết đến trang web. Những quy định pháp lý này nhằm giải quyết tác động mà các nền tảng kỹ thuật số đã gây ra cho ngành quảng cáo và doanh thu của các tòa soạn, đồng thời khắc phục sự mất cân bằng khi các công ty công nghệ lớn chiếm phần lớn thị phần quảng cáo khiến báo chí địa phương thiệt hại về doanh thu, trong khi các nền tảng này lại sử dụng nội dung của tòa soạn mà không bị tính phí.

Nghiên cứu “Nền tảng kỹ thuật số và tương lai của tin tức: Điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà xuất bản và nền tảng ở Australia và Canada”, do nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Truyền thông, Trường đại học Sydney (Australia) thực hiện, đã phân tích các quy tắc thương lượng giữa đơn vị xuất bản báo chí, phòng tin tức với các công ty công nghệ lớn. Lấy trường hợp ở Australia và Canada làm nghiên cứu điển hình về chính sách, nghiên cứu cho thấy cho dù đã có những cải cách gần đây ở hai quốc gia này, song quá trình thương lượng giữa các nền tảng kỹ thuật số và tòa soạn là không bình đẳng. “Bất chấp những cải cách chính sách, có rất ít sự bảo đảm rằng các khoản tiền mà nhà xuất bản tin tức nhận được sẽ được tái đầu tư vào báo chí vì lợi ích cộng đồng”, nghiên cứu nêu rõ.