Pháo đài bọc thép tại Kaliningrad

Kaliningrad là thành phố mang phong cách “châu Âu” nhất của Nga, cũng là một trong những thành phố lớn nhất của “xứ sở Bạch Dương” nằm trên bờ biển Baltic ở cửa sông Pregel. Ngoài là địa danh nổi tiếng với hổ phách, tại thành phố này còn có rất nhiều điểm tham quan lịch sử, trong đó có Pháo đài số 5 được xây dựng từ những năm 1870.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh pháo đài số 5.
Toàn cảnh pháo đài số 5.

Những ký ức hào hùng

Pháo đài số 5, hay còn có tên gọi “Pháo đài bọc thép”, là một trong những công trình quân sự nổi kiên cố bậc nhất ở Kaliningrad. Pháo đài được xây dựng vào những năm 1870 dưới sự cai trị của đế quốc Nga và trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống cấu trúc phòng thủ của Kaliningrad (thời đó gọi là Königsberg) và cảng Pillau (nay là Baltiysk) trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Tổng cộng có 15 pháo đài được xây dựng chung quanh thành phố - 12 pháo đài chính và ba pháo đài phụ. Pháo đài số 5 không chỉ là một di sản kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ nhiều ký ức lịch sử.

Tại các hầm ngầm trong pháo đài vẫn còn nhiều hiện vật quý giá, đó là các vật dụng và mũ bảo hộ quân đội. Những hiện vật này không chỉ là đồ vật mà còn chứa đựng những câu chuyện về những người đã từng sống và chiến đấu tại đây.

Pháo đài có hình dạng như một con rùa khổng lồ, chung quanh được bao bọc bởi hào nước sâu và rộng. Nó được xây bằng gạch nung kiên cố, với độ dày của các bức tường bên ngoài khoảng 2 m. Ở giữa pháo đài được thiết kế với không gian rộng, từ đó phân ra các đường nhỏ. Bên trong pháo đài bố trí rất nhiều hầm và kho, trong đó cả khu vực đồn trú cho quân lính. Nhờ vị trí đắc địa, hệ thống bảo vệ kiên cố, pháo đài số 5 từng được mệnh danh là công sự “bất khả xâm phạm”, sau đó bị phát-xít Đức chiếm đóng. Tuy nhiên, đầu tháng 4/1945, Hồng quân Liên Xô đã chọc thủng hệ thống phòng thủ, chiếm giữ và vô hiệu hóa chiến địa quan trọng của Đức quốc xã.

Theo những dữ liệu còn lưu giữ, cuộc tấn công pháo đài bắt đầu bằng một cuộc pháo kích dữ dội kéo dài nhiều ngày. Những khẩu pháo với cỡ nòng khác nhau nhắm vào những bức tường dày, nhưng pháo đài kiên cố vẫn vững chãi trước những đòn tấn công mạnh mẽ.

Cuộc tấn công quyết định diễn ra vào đêm ngày 8/4/1945. Khi màn đêm buông xuống, một nhóm công binh do Trung úy Ivan Sidorov dẫn đầu đã thực hiện 2 vụ nổ có chủ đích để bảo đảm cho các phương tiện vận chuyển có thể vượt qua hào nước chung quanh, tiếp cận và kích nổ bên sườn pháo đài. Đây là bước ngoặt của trận chiến. Lỗ hổng bên sườn pháo đài mở đường để những người lính Liên Xô đột nhập, tiến công vào bên trong. Trận chiến khốc liệt diễn ra suốt đêm trong pháo đài. Sáng 8/4/1945, tàn quân đồn trú của Đức đã đầu hàng. Tổng cộng 193 binh sĩ Đức đã thiệt mạng, trong đó có chỉ huy pháo đài và 98 người khác đầu hàng. Tối ngày hôm sau, thành phố kiên cố Königsberg cũng sụp đổ.

Chiến thắng tại pháo đài số 5 là minh chứng cho sự dũng cảm và chiến lược tài tình của các lực lượng Liên Xô. Cuộc tấn công này đã mở đường cho việc giải phóng Kaliningrad và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Pháo đài bọc thép tại Kaliningrad ảnh 1

Bên trong pháo đài.

Di sản quốc gia

Sau khi chiến tranh kết thúc, pháo đài từng được sử dụng làm nơi đồn trú của tiểu đoàn ô-tô, rồi trở thành văn phòng tái chế “Vtorsyre”. Những năm 1970, Nhà nước Nga quyết định xây dựng một khu phức hợp bảo tàng tại đây. Ngày 9/5/1973, pháo đài chính thức trở thành chi nhánh bảo tàng lịch sử và nghệ thuật tỉnh Kaliningrad.

Một số khu vực của pháo đài được cải tạo. Trên bờ hào nước chung quanh pháo đài thường xuyên tổ chức triển lãm về thiết bị quân sự. Đặc biệt, ngay lối vào cổng chính của pháo đài, chính quyền thành phố đã xây dựng đài tưởng niệm để vinh danh chiến công của binh lính Liên Xô chiến đấu tại đây vào tháng 4/1945. Năm 2018, pháo đài số 5 đã bước vào một giai đoạn hồi sinh mới. Công tác cải tạo quy mô lớn đã được khởi động để phục vụ mục đích tham quan, du lịch. Du khách yêu thích lịch sử có thể tham quan pháo đài thông qua các tour hướng dẫn.

Tại đây, du khách có thể dạo quanh bờ hào và khám phá triển lãm về thiết bị quân sự và đạn dược từ thời chiến, bao gồm pháo hạm, súng máy, súng chống tăng, pháo bộ binh có sức công phá lớn. Bên trong pháo đài, không gian được dọn dẹp sạch sẽ và treo các tấm ảnh trưng bày. Tại lối vào mỗi phòng, đều có những biển chỉ dẫn cho biết về các chức năng trước đây của từng khu vực, như kho thuốc súng hay doanh trại sĩ quan. Du khách cũng có thể tự trải nghiệm, leo cầu thang xoắn ốc để ngắm nhìn toàn cảnh từ nóc pháo đài, quan sát lá cờ đỏ chiến đấu phấp phới bay trong gió.

Nhiều khu vực thuộc khu quần thể của pháo đài hiện nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mặc dù một số công trình đã bị hư hại. Đây là cơ hội quý giá để du khách đắm mình vào lịch sử của các công sự và tìm hiểu thêm về những đặc điểm độc đáo của chúng.

Du khách có cơ hội khám phá lịch sử phong phú của công sự Königsberg, tìm hiểu các bức ảnh và bản đồ từ thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và khám phá “Phòng thí nghiệm lắp ráp đạn pháo” ngay lối vào khu vực bên phải pháo đài. Qua cánh cửa lưới, du khách có thể nhìn thấy nhiều hiện vật lịch sử, như mũ bảo hộ chiến đấu, bình nước của binh lính và vỏ đạn. Những hiện vật này không chỉ mang lại cái nhìn sâu sắc về quá khứ quân sự mà còn thể hiện sự kiên cường của những người đã sống và chiến đấu tại đây trong các cuộc xung đột lớn của thế kỷ 20.

Mới đây, pháo đài số 5 được vinh danh đưa vào danh sách di sản quốc gia của Nga, một sự công nhận quan trọng không chỉ cho giá trị kiến trúc mà còn cho ý nghĩa lịch sử sâu sắc mà nó mang lại. Đây là nơi lưu giữ những thí dụ sinh động về các di tích của lịch sử quân sự trong thế kỷ 19 và 20.

Pháo đài không chỉ là một công trình kiến trúc kiên cố mà còn là chứng nhân cho các sự kiện lịch sử quan trọng, từ những cuộc chiến tranh ác liệt cho đến các giai đoạn chuyển mình của đất nước. Các bức tường của pháo đài kể lại những câu chuyện của những người lính, những cuộc chiến đấu vì tự do và độc lập, cùng những hy sinh to lớn mà họ đã phải trải qua.