Bồi dưỡng viết văn ngắn hạn:

Mảnh đất màu cần nước mát

Nhu cầu học và tập viết văn trong xã hội đang được nhìn rõ hơn qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Đánh giá hiệu quả và gợi mở cầu nối để “đo lường” chất lượng bồi dưỡng, là việc cần thiết hiện nay. Đây cũng là cách quảng bá cho mô hình bồi dưỡng ngắn hạn như một “dịch vụ văn hóa” này.

Một cuộc giao lưu tại lớp bồi dưỡng vừa kết thúc của Khoa Viết văn - Báo chí - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
Một cuộc giao lưu tại lớp bồi dưỡng vừa kết thúc của Khoa Viết văn - Báo chí - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Địa bàn có tiềm năng

Mới đây nhất, ngày 1-9, lớp bồi dưỡng sáng tác và thẩm bình văn chương K5 mở tại Khoa Viết văn - Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) trong thời gian hai tuần vừa bế giảng. Nhà trường, khoa, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình giảng viên, khách mời, đã trao chứng chỉ cho 16 học viên thuộc nhiều lứa tuổi. Một số đã ở tuổi hưu, nhiều người công tác ngoài văn chương, một số đang là sinh viên...

Trong khoảng 5 năm qua, ngoài chương trình đào tạo đại học về chuyên môn, nghiệp vụ viết văn, báo chí, Khoa Viết văn - Báo chí đã phối hợp mở được một số lớp bồi dưỡng ngắn hạn với đối tượng học khá phong phú. Có người nuôi ước mơ theo nghề văn, có người sau nhiều năm bận chuyên môn khác nay mới dành được thời gian cho đam mê văn chương, có một số hội viên VHNT địa phương… Theo Trưởng khoa, PGS, TS, nhà văn Ngô Văn Giá, thì sắp tới, khoa sẽ phối hợp với ban chuyên môn của Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức một khóa bồi dưỡng ngắn hạn tương tự. Như vậy, nếu khóa này được triển khai thuận lợi, thì đây sẽ là một trong những hoạt động đầu tiên của Hội Nhà văn Thủ đô nhiệm kỳ mới.

Nhìn rộng ra, trong sinh hoạt nghề văn khu vực Hà Nội những năm qua, việc học tập, rèn luyện viết văn đã trở thành một nhu cầu của nhiều tác giả, cây bút từ chuyên đến không chuyên, chủ yếu là những cây bút mới, chưa thành danh. Và để đáp ứng, dẫn hướng, gợi mở, đã có khá nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn được mở ra, từ nhiều đầu mối, với thời lượng, quy mô nhỏ gọn. Học viên hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ. Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một đến hai khóa mỗi năm, có gửi thư mời rộng rãi, đối tượng học cũng tương đối chọn lọc thông qua việc đọc trước tác phẩm. Một thời gian trước, nhà sách Hà Thế, nay là Trung tâm văn hóa và truyền thông Thiên Đức, cũng phối hợp mở được một số lớp ngắn hạn, “tranh thủ” các địa điểm như Khoa Viết văn - Báo chí, Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, có khóa mở tại Hội VHNT tỉnh Hà Nam…

Nhìn chung, các lớp, khóa, chương trình “dạy viết văn” nói trên tập trung vào những bài giảng về kỹ thuật, kinh nghiệm sáng tác, thẩm định tác phẩm, một số giờ giao lưu, trao đổi giữa học viên với tác giả đã thành danh, trực tiếp đọc và sửa chữa, góp ý với sáng tác của học viên… Giảng viên cộng tác quen thuộc có thể kể đến các nhà nghiên cứu, sáng tác như PGS, TS ngôn ngữ học - nhà văn Hữu Đạt, PGS, TS, nhà văn Ngô Văn Giá, TS văn học Chu Văn Sơn, nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng, các nhà văn, nhà thơ Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Trọng Tạo…

Cần “mở” nhiều hơn

Gọi tắt là các lớp “dạy viết văn”, nhưng các nhà tổ chức cũng xác định khá rõ và nghiêm túc về mục đích: đây đúng nghĩa như tên gọi, là hoạt động “bồi dưỡng”, bổ trợ cho học viên về một phần tri thức lý thuyết, trang bị kinh nghiệm, kỹ năng mà các tác giả thành danh đã đúc kết, tích lũy qua thực tế làm nghề. Và thực tế, hiện cũng khó lòng đo đếm cụ thể về hiệu quả mở mang, nâng cấp của các tác giả sau mỗi khóa bồi dưỡng. Mà chất lượng nói chung, ngoài mức độ nhiệt tình, nội dung, phương pháp truyền thụ, trao đổi của các giảng viên, phải phụ thuộc rất lớn vào người học trong việc tiếp thu, ứng dụng.

Về điều này, trong bối cảnh báo chí, xuất bản phát triển rộng rãi hiện nay, có thể coi việc có tác phẩm đạt yêu cầu đăng tải là một cách phấn đấu, một thành quả cụ thể. Theo TS Mai Anh Tuấn, cán bộ Khoa Viết văn - Báo chí, thì khoa cũng chủ trương mời một số tác giả đang công tác trong cơ quan báo chí, xuất bản đến giảng bài, giao lưu. Qua đó nhằm thiết lập cầu nối, mở ra sự liên lạc, trao đổi, gửi gắm tác phẩm từ các học viên tới các tác giả trên, nhằm giúp học viên được thử sức, có cơ hội đăng tải tác phẩm hoặc ít nhất cũng để nhận sự góp ý từ người làm nghề.

Tất nhiên, còn có nhiều cách khác, như theo nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, các học viên cũng nên tham gia các cuộc thi sáng tác do các hội nghề nghiệp và báo chí uy tín tổ chức. Hoặc như gợi mở của nhà văn Nguyễn Trương Quý, biên tập viên NXB Trẻ, ngoài những cách có tính “truyền thống”, thì môi trường mạng phát triển mạnh hiện nay, cũng là không gian cho các tác giả công bố sáng tác, tương tác với bạn đọc, bạn nghề một cách rộng rãi.

Cụ thể và trực tiếp, cần bắt đầu từ chính các nhà tổ chức. Nên chăng có sự đánh giá chất lượng, trình độ, năng lực các học viên sau các khóa học một cách cụ thể hơn. Lao động viết văn và những thành quả của nó đòi hỏi cả một quá trình dài tích lũy, rèn luyện. Việc tham dự các khóa bồi dưỡng, tuy ngắn hạn nhưng nếu được làm hiệu quả, sẽ là xúc tác tốt cho quá trình đó. Vì thế, việc khảo sát, đánh giá về học viên sau mỗi khóa, mỗi lớp là việc thiết thực, góp phần phản ánh mức độ hiệu quả của các lớp bồi dưỡng. Và cùng với đó, việc đa dạng hóa về nội dung, hình thức học tập, bồi dưỡng, cũng là điều cần sớm tính đến.