Mang lại “sức sống mới”

Rác thải hoa là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn ở Ấn Độ do chúng thường gây tắc nghẽn dòng chảy. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ở nước này đã thu thập và làm sạch những bông hoa bị vứt bỏ, biến chúng thành sản phẩm có thể sử dụng được.
0:00 / 0:00
0:00
Một phụ nữ đang tái chế hoa. Ảnh: THE NATIONAL
Một phụ nữ đang tái chế hoa. Ảnh: THE NATIONAL

Theo The National, một khối lượng khổng lồ hoa được dùng trong cúng tế bị bỏ đi mỗi ngày và trôi ra sông ngòi, kênh rạch, không chỉ làm tắc nghẽn mà còn giải phóng thuốc trừ sâu gây hại cho con người và các loài thủy sinh. Ở những khu vực không gần nguồn nước, hoa được chất thành đống lớn trên đường phố hoặc đổ về những bãi chôn lấp, làm tăng lượng khí thải carbon, ô nhiễm không khí và ô nhiễm đất.

Vào năm 2015, Ankit Agarwal khi đó là du học sinh mới trở về Ấn Độ sau khi hoàn thành chương trình học tại Anh. Nhận thấy tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt nước sông Hằng ở quê hương Kanpur của mình, Agarwal đã đánh giá những thiệt hại sinh thái và nhìn ra cơ hội để phát triển. Ngay trong năm đó, Agarwal cùng với cộng sự là Nachiket Kuntla thành lập doanh nghiệp xã hội lấy tên Phool (có nghĩa là “hoa” theo tiếng địa phương) với mục tiêu xử lý khối lượng lớn hoa bỏ đi đang trôi nổi trên sông Hằng, đồng thời tạo ra sản phẩm hữu cơ từ chính lượng rác khổng lồ đó.

Nachiket Kuntla hiện đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Phool cho biết: “Khi một người thả số hoa cúng xuống sông, họ không biết rằng, một bó hoa có thể gây ra tác hại như thế nào. Ấn Độ là đất nước có hơn một tỷ dân, đồng nghĩa với hàng tỷ bó hoa thả xuống, gây ra hệ quả cũng vô cùng nặng nề”.

Kuntla chia sẻ, quá trình biến những bông hoa bỏ đi thành bột nguyên liệu làm ra những thẻ hương không hề phức tạp. Công nhân thu thập hoa trôi trên sông vào mỗi buổi sáng, phân loại và loại bỏ tạp chất như nhựa và rác thải khác, rồi tách từng cánh hoa ra. Sau đó, họ đưa lượng hoa đã làm sạch đi phơi nắng, nghiền thành bột, trộn cùng một số hương liệu và cuộn thành những cây nhang.

Anh cho biết: “Mỗi bước sản xuất của chúng tôi đều được giám sát và kiểm soát để bảo đảm tính bền vững. Chúng tôi chỉ sử dụng tinh dầu nguyên chất và không có hương thơm nhân tạo. Đài và nhụy của bông hoa cùng những phần đã hỏng cũng không bỏ đi mà dùng làm phân bón”. Quy trình này đã góp phần giảm bớt lượng rác thải ở sông Hằng. Cùng những nỗ lực làm sạch sông Hằng của Phool, nhiều doanh nghiệp xã hội khác cũng đã triển khai những ý tưởng tương tự.

Holy Waste là một trong những tổ chức như vậy, hoạt động với tiêu chí “mang lại sức sống mới cho hoa bị bỏ đi”. Hai nhà sáng lập là Vivek và Dalmia, lấy cảm hứng từ các video về các quy trình xử lý hoa bỏ đi và bắt đầu sáng kiến ​​​​của riêng họ vào năm 2018. Chỉ sau vài năm, họ đã phát triển sản phẩm thương mại là nhang không khói và đang xử lý gần 800 kg nguyên liệu hoa mỗi tuần, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Đặc biệt, những nhân viên của Holy Waste hầu hết đều là phụ nữ nông thôn hoặc những người đã quá tuổi lao động khó tìm việc làm. Từ sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp này cho phép nhân viên làm việc tại nhà để có thể làm việc theo thời gian phù hợp, với điều kiện bảo đảm sản lượng từ 6 đến 7 kg mỗi ngày, tương đương 4.000 que nhang. Ngoài ra, còn một số nhóm chuyên thu thập và tái chế rác thải hoa khô từ những ngôi đền nằm dọc đất nước Ấn Độ.

Những doanh nghiệp nhỏ trên khắp Ấn Độ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn đào tạo kỹ năng và cơ hội việc làm cho lao động địa phương, phần nhiều là phụ nữ. Đồng sáng lập Holy Waste, chị Vivek chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ rằng, nếu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ làm việc, chúng tôi có thể giúp họ thành những người có tự do kinh tế”.

Tại Phool, lực lượng lao động gồm gần 200 nhân viên đều là phụ nữ, nhiều người trong số họ là làm nghề thu gom rác và là nhóm yếu thế trong xã hội. Với những ý tưởng tái chế hoa thành sản phẩm như phân hữu cơ, xà-phòng, nến, nhang hay thuốc nhuộm tự nhiên, các công ty này đã giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội nan giải tại Ấn Độ.