Sự cộng sinh giữa con người và máy tính
Theo trang mạng Tadviser.com, ngày 4/10/1957, Liên Xô (trước đây) phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên “Sputnik-1”. Đối với toàn thế giới, ngày này được xem là sự mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Tuy nhiên, sự kiện gây “cú sốc toàn cầu” này đã châm ngòi cho cuộc chạy đua không gian, mà một trong những hiệu ứng tất yếu của nó chính là sự ra đời của internet - công nghệ quan trọng bậc nhất đương đại.
Chưa đầy một năm sau khi Liên Xô phóng vệ tinh, Tổng thống thứ 34 của Mỹ là Dwight Eisenhower đã quyết định thành lập DARPA với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện dự án xây dựng Arpanet. Để thực hiện nhiệm vụ này, giới chức Mỹ đã cấp cho DARPA một triệu USD với kỳ vọng các nhà khoa học sẽ tạo ra một mạng liên kết thông tin “sống”, có thể hoạt động ngay cả khi một số bộ phận của nó bị một cuộc tấn công hạt nhân phá hủy và cho phép các máy tính khác nhau “nói cùng một ngôn ngữ”. Thực tế, thời gian đó, các máy tính bố trí cách xa nhau không thể kết nối và chia sẻ thông tin với nhau. Nhận được khoản đầu tư kếch xù, DARPA đã không ngần ngại kêu gọi sự hợp tác của hàng loạt các nhà khoa học hàng đầu từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu nổi tiếng trên khắp nước Mỹ.
Trải qua hơn 10 năm, Arpanet mới bắt đầu được “kích hoạt”. Ngày 29/10/1969, mạng truyền tải dữ liệu và âm thanh đầu tiên trên thế giới hoạt động trên cơ sở truyền các gói dữ liệu đã bắt đầu hoạt động. Người đã đưa ra ý tưởng chính về mạng này chính là GS Joseph Carl Robnett Licklider, nhà khoa học ngày nay được ví như “cha đẻ” của internet. Theo quan điểm của Licklider, các máy tính khác nhau có thể được kết nối thành một mạng duy nhất để mọi người ở các nơi trên thế giới có thể truy cập vào cùng một dữ liệu.
Theo đó, năm 1960, nhà khoa học Licklider đã ra mắt công trình nghiên cứu mang tên “Sự cộng sinh giữa con người và máy tính”. Theo tính toán của nhà khoa học, sự cộng sinh giữa con người và máy tính là một kỷ nguyên được mong đợi trong quá trình phát triển tương tác giữa con người và máy móc. Sự cộng sinh này thực hiện kết nối một cách chặt chẽ giữa con người và những người tham gia hợp tác kinh doanh điện tử. Licklider cho rằng, máy tính sẽ có thể nâng cao sức mạnh trí tuệ của con người như cách mà các đơn vị công nghiệp cải thiện sức lao động của mình.
Quan tâm đến máy tính tương tác, Licklider muốn tạo ra một cái gì đó giống như một mạng chia sẻ cho các dịch vụ thông minh. Năm 1963, ông đã đưa ra một ý tưởng có tựa đề “Gửi các thành viên và các nhánh của mạng máy tính giữa các thiên hà”. Trong đó, mặc dù trình bày còn khá mơ hồ nhưng GS Licklider đã có ý tưởng về một giao thức, đó là ngôn ngữ quản trị mạng duy nhất. Đặc biệt, trong các công trình nghiên cứu của mình, Licklider chỉ ra những vấn đề bất cập trong quá trình chuyển dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị khác. GS Licklider cho rằng, sự chậm chạp đã làm lãng phí nguồn tài chính công. Ông mô tả một cách cụ thể những bất cập mà người dùng máy tính gặp phải trước sự ra đời của internet.
Ý tưởng chia sẻ các nguồn dữ liệu giữa các thành viên trong cộng đồng nghiên cứu thông qua một mạng lưới truyền thông đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Arpanet. GS Licklider đã hợp tác cùng GS Khoa học máy tính Leonard Kleinrock từ Trường đại học California, Los Angeles (UCLA), bởi thời điểm này, cả hai nhà khoa học đều có tầm nhìn chung về mạng máy tính. Dự án của Licklider và Kleinrock đã thật sự cho phép hàng trăm, hàng nghìn thiết bị viễn thông được thay thế bằng một thiết bị duy nhất có thể giao tiếp. Ngày 29/10/1969, lần đầu các nhà khoa học đã kết nối thành công hai máy tính từ xa bằng giao thức truyền thông IP mới. Một thiết bị được đặt tại Trường đại học Stanford, còn thiết bị kia được đặt tại Viện Công nghệ California, cách nhau hơn 600km.
Từ đầu tiên được truyền qua mạng là “đăng nhập” (login), còn những người đầu tiên sử dụng mạng là các nghiên cứu sinh Charley Kline (người gửi) và Bill Duvall (người nhận). Các chuyên gia này không ngờ rằng những nền tảng cơ sở của mạng máy tính Arpanet đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở tạo ra mạng máy tính toàn cầu.
Mỹ lần đầu truyền dữ liệu giữa hai máy tính trong khuôn khổ dự án Arpanet. Ảnh: TADVISER |
Những thành công của Arpanet
Arpanet đã khắc phục được những bất cập mà các nhà khoa học Mỹ đang gặp phải, cho phép người sử dụng máy tính có thể xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng, giúp giảm đáng kể ngân sách cho việc mua sắm các thiết bị máy tính. Bên cạnh đó, Arpanet hoạt động theo nguyên tắc tương tự nguyên tắc được sử dụng bởi App Store hoặc Google Play ngày nay. Theo đó, nhà phân phối mạng có thể phổ biến các phần mềm mới và thu thập phản hồi từ người dùng, điều mà vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước được coi là “những tiến bộ đỉnh cao”.
Năm 1973, Arpanet trở thành mạng kết nối quốc tế và đến năm 1977, mạng này có 100 máy tính kết nối. Đến năm 1983, Arpanet được hơn 4.000 thiết bị máy tính kết nối mạng. Các kênh liên lạc bao phủ tất cả các tổ chức của Mỹ và kết nối Mỹ với các nước châu Âu thông qua liên lạc vệ tinh.
Năm 1988, Arpanet phải đối mặt một vấn đề nghiêm trọng. Robert Tappan Morris, nghiên cứu sinh Trường đại học Cornell, hiện được coi là tội phạm mạng đầu tiên trong lịch sử, đã đột nhập vào mạng máy tính. “Con sâu” do anh ta tạo ra đã lây nhiễm khoảng 10% số máy tính được kết nối với mạng. “Nó rất đáng lo ngại vì chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thậm chí còn có những lo ngại rằng đây có thể là một cuộc tấn công quân sự nào đó nhằm vào nước Mỹ”, nhà báo John Markoff của The New York Times nhớ lại.
Theo một số nguồn tin, mặc dù việc Robert Tappan Morris tạo ra loại sâu này chỉ là một dự án thử nghiệm, không hề có kế hoạch phá hoại hoặc kiếm tiền nào, và rõ ràng cuộc tấn công này lần đầu cho mọi người thấy họ có thể dễ bị tổn thương như thế nào trên mạng. Do vậy, chỉ vài ngày sau vụ tấn công mạng lịch sử này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định thành lập đội phản ứng khẩn cấp máy tính đầu tiên.
Theo thời gian, Arpanet dần phải nhường lại vị trí thống trị cho các mạng ra đời sau mà sử dụng các nguyên tắc hoạt động tương tự như mạng được tạo ra bởi Licklider và Kleinrock. Tiền thân của internet mất khả năng cạnh tranh với những “đàn em” do tốc độ truyền dữ liệu chậm, hoạt động kém ổn định và thuê bao đăng ký quá hạn chế. Càng về sau, mạng này chủ yếu được các nhà khoa học, quân đội và những người có kết nối với Chính phủ Mỹ sử dụng. Đến năm 1990, mạng máy tính đầu tiên trong lịch sử loài người đã ngừng hoạt động.