Mang di sản vào “phố”

Phố là hành trình 10 năm tìm bản ngã trong sáng tác của họa sĩ Nguyễn Minh (ảnh nhỏ), là những trăn trở về sự mai một của các di sản trong dòng chảy của đời sống đương đại. Họa sĩ có dịp trò chuyện cùng Thời Nay khi chuẩn bị cho cuộc trưng bày “Nhịp Phố” - dấu chấm son sau hành trình dài với hình tượng mình theo đuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Bóng di sản 02”.
Tác phẩm “Bóng di sản 02”.
Mang di sản vào “phố” ảnh 1

Phóng viên (PV): Cái tên “Minh Phố” bắt đầu từ đâu? Làm sao để “cất giọng” mang “âm sắc” riêng biệt về phố như vậy?

Họa sĩ Nguyễn Minh (NM): “Nhịp Phố” là triển lãm cá nhân thứ hai của tôi và đánh dấu hành trình 10 năm kể từ lần đầu ra mắt những tác phẩm vẽ phố cho bài tốt nghiệp cao học năm 2012. Quan điểm của tôi về nghệ thuật là, nếu không có sự khác biệt thì mình sẽ là cái bóng của những người đi trước và tôi bắt buộc phải đào sâu, tìm hình cho chính mình. Xuất thân từ một vùng quê ra hòa với cuộc sống đô thị, cảm nhận được sự thay đổi hằng ngày của phố và tôi đã đưa những thay đổi đó vào tác phẩm của mình.

PV: Hình như anh muốn kể chuyện bảo tồn di sản giữa lòng đổi mới?

NM: Đúng vậy! Cách đây không lâu, khi nghe tin về không gian kiến trúc làng Cựu ở Phú Xuyên (Hà Tây trước kia) bị mai một dần, tôi đã tổ chức nhóm họa sĩ về ở và sáng tác tại vùng quê đó trong vòng một tuần. Dùng các tác phẩm hội họa “ghi lại” cuộc sống trong những không gian kiến trúc độc đáo pha trộn giữa phương Đông và phương Tây vốn tồn tại hơn một thế kỷ nay đang bị xuống cấp và thay thế bởi các khối bê-tông mới. Mình mong muốn giữ lại được hồn cốt của di sản trước khi nó mất đi. Bởi thế trong nhiều tác phẩm của tôi giống như hình ảnh lập thể, đa chiều của thời gian khi phố mới cùng xuất hiện với cổng làng, bình phong, đầu đao… Tôi muốn đưa đến cho người xem một cái nhìn xuyên không toàn diện, từ hiện tại đến ký ức của phố để từ đó tự đặt câu hỏi cho chính mình.

Và nhiều hơn mô tả một ngôi làng đang xuống cấp qua ngôn ngữ hội họa đương đại, làng Cựu trong tranh của tôi còn lơ lửng trong những đám mây với tên gọi “Những câu chuyện nhỏ”. Kể về câu chuyện của di sản, về sự thay đổi rồi mất đi cả về sự lãng quên của chính chúng ta… Tất cả cùng chạm vào ký ức để cùng thay đổi nhận thức mà giữ gìn.

Mang di sản vào “phố” ảnh 2

Tác phẩm “Khúc giao mùa”.

PV: Được biết, trong triển lãm “Nhịp Phố” sắp tới là sự đan cài tương tác của hội họa, điêu khắc, sắp đặt… Anh tìm thấy gì khi thử nghiệm phố trên các chất liệu mới?

NM: Tôi tham những khó khăn đến với mình. Bởi nghĩ rằng mình còn trẻ cần đương đầu với những gì thử thách nhất và tôi đã dấn thân vào các chất liệu khác ngoài sở trường sơn dầu của mình như sắp đặt, sơn mài, khắc gỗ, điêu khắc. “Nhịp Phố” sẽ mang đến công chúng góc nhìn đa dạng hơn khi đưa nghệ thuật từ thế giới hội họa hai chiều vào không gian điêu khắc ba chiều.

Trên tất cả các chất liệu mới đó tôi đều làm cẩn thận từng khâu một cách tốt nhất có thể sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng. Từ đó khám phá thêm được nhiều điều như từ cách đổ nhôm lỏng để tạo hình hạt gạo đến cách bố trí sắp đặt tác phẩm điêu khắc để hòa chung trong tổng thể. Hay khi làm sơn mài, hiểu để biết phải gắn trứng vào đâu (phố hay hạt gạo), cái nào là chính và cái nào chỉ để tương phản cho nó. Tất cả đã mang đến cho tôi một trải nghiệm rất thi vị và từ đó mở ra cho tôi những định hướng sáng tác trên các chất liệu mới. Cũng có thể giai đoạn tới, cuộc trưng bày của tôi chỉ là sơn mài, điêu khắc hay khắc gỗ, mọi chuyện đều có thể xảy ra khi ta tìm thấy những điều thú vị trong cuộc hành trình của mình.

PV: Chúc anh thêm thành công trên hành trình với “phố” của mình!

Lâu nay, trong đời sống hội họa Việt Nam, thương hiệu “Phố Phái” đã trở thành một quyền lực mang đầy tính “cảnh báo” và “đe dọa” với tất cả các họa sĩ Việt Nam định vẽ phố. Có không ít những họa sĩ đi theo con đường của ông “Vua phố” Bùi Xuân Phái và bị “mất hút” vào những con phố kỳ vĩ và bí ẩn mang tên Bùi Xuân Phái. Nhưng họa sĩ Nguyễn Minh thì khác, anh đã dựng lên những con phố của mình - những con phố của thời đại anh. Đấy chính là lý do mà đồng nghiệp gọi anh bằng một cái tên “Minh Phố”.

Trong các hình khối đầy tính “công nghiệp” lại chứa đựng những vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Những vệt loang chảy cùng sự chuyển tiếp tinh tế của các mảng mầu đã biến những nét thẳng “công nghiệp” mang nhịp điệu uyển chuyển và làm sống động các khối tưởng như bất động. Phố ở “hành trình thứ nhất” mang tính hiện đại của một đô thị mới, thì đến phố ở “hành trình thứ hai” và đặc biệt ở “hành trình thứ ba” là sự hoàn thiện bởi nó được hòa đồng trong một khối chặt chẽ và biến ảo không thể tách rời giữa thiên nhiên, những nét cổ kính của Thăng Long, cấu trúc đô thị hiện đại và các câu chuyện được kể trong, ngoài và chung quanh các khu phố của thời đại Nguyễn Minh.

(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

Triển lãm “Nhịp Phố” diễn ra từ 25/12 tới 29/12/2022 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.