Lưu giữ ký ức Sài Gòn xưa

Bộ sưu tập về Sài Gòn trước năm 1975 của nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp (52 tuổi) có hơn 10 nghìn hiện vật. Phó Chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam dành hơn 30 năm ngược xuôi dọc miền đất nước để kiếm cho bằng được nhiều món đồ quý. Khi nắm trong tay các bộ sưu tập, nghe lời cô bạn thân là diễn viên Kim Tuyến, ông chọn một vị trí đủ rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh tái hiện lại không gian Sài Gòn xưa với từng hiện vật do mình cất công tìm kiếm, lưu giữ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người tìm đến không gian lưu giữ Sài Gòn xưa của ông Huỳnh Minh Hiệp.
Nhiều người tìm đến không gian lưu giữ Sài Gòn xưa của ông Huỳnh Minh Hiệp.

Hoài niệm ngày cũ

Lúa cà-phê, nơi nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp bày trí các vật phẩm về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vài thập kỷ trước nay đã trở thành điểm hẹn của nhiều người. Tại không gian rộng gần 1.000 m2 ở quận Phú Nhuận, ông Hiệp phân thành nhiều khu trưng bày như khu tiền cổ, nhà may, hiệu ảnh, quầy hủ tíu xưa, khu nước giải khát, nước mía xưa. Đặc biệt, ông dành nhiều diện tích và tập trung các hiện vật quý tại không gian phòng khách, quầy bar, phòng trà nghe nhạc cùng khu trưng bày hình ảnh nghệ sĩ, tờ nhạc, poster phim, bìa báo xưa… Từ những chiếc xe cổ, dàn âm thanh đồ sộ đến mấy món nhỏ xíu, bình dân như chai nước giải khát, cục xà-bông, lọ dầu cù là, tuýp kem đánh răng, cái bào đá của người Sài Gòn trước năm 1975 đều được chọn lựa trưng bày dựa theo dòng chảy phát triển của thành phố.

Bộ sưu tập đầu tiên về Sài Gòn xưa của ông Hiệp là những tờ hóa đơn tại các hiệu ảnh, tiệm may, hãng xe… Các hiện vật từ vài chục đến trên 100 năm tuổi được phân loại, cất giữ cẩn thận. Sau đó, ông mở rộng bộ sưu tập bằng các loại phương tiện giao thông tại Sài Gòn ngày ấy như chiếc xe đạp đầu tiên do Việt Nam sản xuất hiệu LUCIA hay chiếc xe tay ga đầu tiên của hãng Honda hiệu PC 49 phân khối. Đến nay bộ sưu tập xe đã hơn chục chiếc. Có món ông được bạn bè quý mến trao tặng nhưng cũng không ít hiện vật phải ngược xuôi nhiều chuyến, thuyết phục năm lần bảy lượt mới có thể đem về nhà. Không ít người chi số tiền lớn ngỏ ý mua lại các hiện vật họ yêu thích, ông Hiệp đều lắc đầu. Ông Hiệp nói: “Tôi sẽ không bán bất cứ món nào trong bộ sưu tập ý nghĩa này. Tôi muốn người dân Thành phố Hồ Chí Minh và du khách có thêm không gian hoài niệm về Sài Gòn xưa. Họ cứ đến đây, ngắm nhìn miễn phí. Nếu cần, tôi sẽ tiếp chuyện, trình bày xuất xứ từng hiện vật”.

Người ta hay rủ nhau tới Lúa ngắm nghía không gian đậm chất hoài niệm, gọi dĩa cơm tấm, ly si-rô đá bào hay dĩa bánh sâm-banh, bánh tai heo, bánh men rồi nghe nhạc xưa phát ra từ những chiếc máy có tuổi đời vài chục năm. Ông Hiệp hay mặc bà ba, choàng khăn rằn, xách túi đệm khi đến quán nên được mọi người trìu mến gọi là “anh Lúa”. Nghe vậy, ông thích lắm. Mặc dù kèm sẵn chú thích tại chỗ trưng bày hiện vật nhưng hễ ai thắc mắc hay muốn tìm hiểu sâu, ông Hiệp luôn vui vẻ giải đáp, kể từng câu chuyện liên quan đến món đồ. Không chỉ trưng bày, ông muốn làm người kể chuyện về Sài Gòn xưa thông qua hiện vật để lưu lại những điều tốt đẹp trong ký ức người nghe. Muốn có đủ chất liệu chia sẻ với cộng đồng, ông tìm đến học hỏi, thu thập thông tin từ các nhà nghiên cứu, sưu tầm và tập hợp từ nhiều nguồn như sách báo, internet…

Khách ghé Lúa nhiều độ tuổi, ngành nghề, mỗi người một cách tiếp cận riêng. Nhưng nhiều nhất là giới văn nghệ sĩ lớn tuổi, người trung niên. Họ đến đây tìm ký ức, kể nhau nghe dăm câu chuyện cũ bên ly cà-phê pha phin nhôm. Cũng có bạn trẻ vì tò mò mà ghé lại xem Sài Gòn ngày trước có gì thú vị mà nhiều người nhắc nhớ. Bữa nọ, có một nữ Việt kiều Pháp gần 80 tuổi ghé Lúa cùng bạn bè. Cũng như bao vị khách khác lần đầu đến thăm, bà ngạc nhiên khi bắt gặp ký ức tuổi thơ trong từng hiện vật. Đứng trước bộ sofa mầu đỏ, mắt bà đỏ hoe, chực khóc.

Ông Hiệp xúc động trước hình ảnh thân thương đó, vội đến trò chuyện. Nghe hỏi thăm, nữ Việt kiều liền đáp với chất giọng bồi hồi: “Đứng ở không gian này, chị nhớ ba mẹ quá. Bộ sofa này giống bộ mà ba mẹ chị vẫn dùng lúc xưa khi ở Việt Nam. Xa Sài Gòn lâu lắm rồi nhưng lạ là mọi thứ về Sài Gòn, chị nhớ hết. Có nhiều món đồ thân thuộc với tuổi thơ của chị đang hiện diện ở đây…”. Nghe khách trải lòng, ông Hiệp biết việc mình đang làm ít nhiều có ý nghĩa với những ai luôn nghĩ về một không gian hoài niệm, nơi cất giữ tuổi thơ, tuổi trẻ của họ cùng rất nhiều kỷ niệm đẹp với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ngày trước.

Những hiện vật đặc biệt

Nhiều năm liền lặn lội ngược xuôi bổ sung cho các bộ sưu tập về Sài Gòn xưa đầy đặn rồi chia sẻ, giới thiệu với mọi người, ông Hiệp chưa bán bất kỳ hiện vật nào. Nhưng chỉ cần bảo tàng nào đó cần hiện vật về chuyên đề này, ông sẵn sàng đến tổ chức triển lãm miễn phí hoặc trao tặng những món đồ trưng bày phù hợp. Lục trong tủ tài liệu lưu trữ, ông Hiệp phấn khởi khoe hơn 100 bằng khen, giấy khen từ các bảo tàng trên khắp cả nước vì hành động trao tặng, chia sẻ của mình. Ông nói, đó là món quà lớn, là kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình lan tỏa vẻ đẹp Sài Gòn xưa. Ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, vậy nên, làm được gì cho thành phố sẽ luôn hết lòng.

Biết ông Hiệp đam mê sưu tầm, bạn bè và cả người lạ thi thoảng lại nhượng hoặc trao tặng hiện vật. Trong chiếc túi đệm cũ mèm luôn đem bên mình, ông Hiệp cất những món quà bản thân cho là “vô giá”. Gặp ai mê Sài Gòn xưa, ông sẽ mời ngồi lại, mở túi, lấy ba cuốn album lưu gần 300 tấm bưu thiếp về chủ đề này ra kể chuyện. Mỗi khi nói đến Sài Gòn xưa, người ta thấy rõ sự say mê, hân hoan trong ánh mắt ông nên dễ dàng bị cuốn hút vào mạch chuyện. Ba cuốn album quý này là quà của nguyên Chủ tịch Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp Philippe Chaplain trao tặng vào năm 2018. “Lúc nào tôi cũng đem ba cuốn album này bên mình. Trong đó là những tấm bưu thiếp trắng đen, thi thoảng xen vài tấm có màu đơn giản nhưng toàn tư liệu quý. Đó là hình ảnh nhiều địa danh nổi tiếng của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh mấy chục năm trước, lắm người không nhận ra. Đó còn là những hình ảnh về con người, văn hóa, lịch sử và những điều bình dị trong cuộc sống hằng ngày của người dân Sài Gòn từ năm 1901-1975. Tôi đã trưng bày hai triển lãm từ việc chọn lọc những hình ảnh trong ba cuốn album và được mọi người đón nhận”, ông Hiệp kể lại.

Trong hơn 30 năm theo đuổi sở thích sưu tầm, ông Hiệp không ít lần được trao tặng nhiều món đồ cổ giá trị lớn. Thế nhưng, những hiện vật trong bộ sưu tập lưu lại ký ức đợt dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh mới là thứ khiến ông nhớ mãi. Nhiều người bảo sao không để cho ký ức buồn ấy của thành phố đi vào quên lãng, ông Hiệp trầm ngâm, mãi mới đáp: “Trải qua những ngày buồn nhất, đau khổ nhất và mình vẫn còn đây thì phải lưu lại mọi thứ để thế hệ sau biết được thành phố đã có giai đoạn như thế. Đâu phải cứ đẹp mới cần được nhớ, được giữ, có những điều đau đớn nhưng nó là mảnh ghép quan trọng của thành phố này, càng phải giữ. Khi tham gia hỗ trợ trong mùa dịch, tôi chứng kiến nhiều mất mát của người dân. Nhưng đó cũng là lúc mọi người yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau mọi thứ. Tôi cảm nhận rõ tình người trong từng hiện vật mình còn cất lại đây”.

Bộ sưu tập về dịch Covid-19 của ông Hiệp có hơn 2.000 hiện vật, đa phần do mọi người gửi tặng ngay khi Thành phố Hồ Chí Minh không còn những ngày giãn cách xã hội kéo dài. Mỗi hiện vật chất chứa một câu chuyện, tạo nên chuỗi ký ức khó phai trong những ngày Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước chống dịch. Khi ông Hiệp tổ chức trưng bày bộ sưu tập đặc biệt này, rất nhiều người đã ghé thăm và chia sẻ câu chuyện của riêng họ. Phiếu đủ điều kiện tập thể dục tại công viên cho người dân Quận 7, phiếu đi chợ, phiếu đi nhận quà của trẻ mồ côi do dịch Covid-19 hay phiếu bàn giao hài cốt của người thân qua đời vì dịch… Mỗi hiện vật khiến người xem hồi tưởng lại giai đoạn khó khăn tưởng không thể vượt qua của Thành phố Hồ Chí Minh khi phải “đóng cửa” hoàn toàn. Ông Hiệp muốn ai cũng như mình, không quên những ngày đau thương để trân trọng cuộc sống bình yên hiện tại, trân trọng sự hy sinh của bao người.

Ngoài không gian trưng bày cố định tại Lúa, thời gian qua, ông Hiệp còn thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm, trò chuyện miễn phí về chủ đề Sài Gòn xưa cho sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố. Mỗi dịp cận Tết, ông lại bận bịu với việc đem hiện vật trong bộ sưu tập đến chỗ này, chỗ kia bày biện, bố trí, hỗ trợ các quận, huyện tái hiện không gian Tết Sài Gòn xưa cho người dân tới tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm.