Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nêu rõ, việc sửa đổi Luật Việc làm cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.
Ràng buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết của dự thảo Luật. Quan tâm tới nội dung về đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ), ĐB cho biết, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, NLĐ được phép sử dụng tiền của mình nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ…
Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ và có thể gây bức xúc cho NLĐ, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà NLĐ phải tự nộp. Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho NLĐ. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm. “Từ đó cho thấy rằng, việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của NLĐ mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động”, đại biểu nhấn mạnh.
Cùng đóng góp về nội dung này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định như dự thảo Luật về đóng bảo hiểm thất nghiệp tại khoản 5 Điều 58 chưa hợp lý, vì để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đôn đốc, thu, xử lý hành vi vi phạm việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, còn một bộ phận NLĐ khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình không đóng, chậm đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ, dẫn đến NLĐ mất thu nhập. Vì vậy, NLĐ mong muốn có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp DN nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để NLĐ được hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đúng như quy định, đồng thời phát triển việc làm mới.
Rà soát các quy định về trợ cấp thất nghiệp
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đóng góp, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu còn băn khoăn trong trường hợp, nếu NLĐ bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, NLĐ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.
Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đại biểu, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho NLĐ, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) đóng góp ý kiến, về bảo hiểm thất nghiệp, tại điểm d khoản 3 Điều 60 của dự thảo luật quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là không bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là trên 144 tháng. Tại Điều 65 của dự thảo luật quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp có đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng được 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định này, vì quy định như dự thảo luật sẽ thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm dài hơn 144 tháng.
Đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng NLĐ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đóng, có nghĩa là đóng đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; hoặc nếu vẫn giữ quy định đóng đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp; hoặc nếu vẫn giữ quy định đóng đủ 12 tháng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng thì cần quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Đại biểu cho rằng đây cũng là một trong những vấn đề mà NLĐ thật sự rất quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của NLĐ, nhất là những người đang bị thất nghiệp và đang lúc gặp khó khăn.
Cần có quy định về hệ thống dữ liệu thị trường lao động
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đối với quá trình xây dựng thị trường lao động bền vững… Đại biểu cho biết, nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực vượt khó để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin thị trường lao động. Hệ thống cơ sở dữ liệu này đã được cập nhật hằng năm, ở từng tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là cơ sở dữ liệu rất quan trọng phục vụ khá nhiều mục đích cho từng địa phương, là cơ sở để xây dựng kế hoạch, nghị quyết, định hướng chiến lược về nguồn nhân lực. Ở tầm quốc gia, hệ thống dữ liệu này đã phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm và một số lĩnh vực khác.
Đại biểu nhấn mạnh, chủ trương phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, đã được định hướng tại nhiều nghị quyết của Đảng, chương trình, kế hoạch của Chính phủ. Việc hình thành, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai.
“Cơ sở dữ liệu thị trường lao động giữ vai trò cốt yếu, góp phần chuẩn xác trong phân tích, đánh giá, dự báo nguồn cung, cầu lao động để có cơ sở định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong dự án Luật lần này, cần quy định yêu cầu về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin thị trường lao động, nhằm khắc phục được những bất cập đã được nhận diện từ thực tiễn trong suốt thời gian qua khi thực hiện Luật Việc làm 2013. Phải khẩn trương chuyển đổi từ phương pháp thực hiện đến việc ứng dụng triệt để, khai thác tài nguyên từ hệ thống dữ liệu này để phục vụ cho cung - cầu lao động nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, đại biểu nêu quan điểm…
Trên tinh thần đó, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý, nội dung về hệ thống dữ liệu, từ điều tra, xử lý, cung cấp thông tin, ứng dụng kết nối cung - cầu lao động… cần phải được sử dụng triệt để trên nền tảng số để giảm tải nguồn nhân lực điều tra cập nhật hằng năm đến mức thấp nhất có thể.
Đại biểu lưu ý, hệ thống dữ liệu thông tin thị trường lao động là dữ liệu về chuyên ngành, lĩnh vực, do đó cần sớm gắn kết với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, tương tự lĩnh vực bảo hiểm xã hội và một số chuyên ngành khác. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần khẩn trương thay đổi, điều chỉnh nội dung, phương pháp trong tổ chức thực hiện, sớm khắc phục tình trạng chưa ăn khớp dữ liệu trong nhiều năm qua, để dữ liệu về thông tin thị trường lao động chính thức là dữ liệu quốc gia, hiện thực hóa những mục tiêu mà nhiều năm qua Chính phủ đang hướng đến.