Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trong năm tới còn nhiều bất định, các chỉ tiêu của Chính phủ được thiết lập trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố thuận lợi và thách thức nhằm bảo đảm kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.
Mục tiêu thận trọng
Nhìn nhận về kết quả kinh tế từ đầu năm đến nay, chuyên gia kinh tế, PSG, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động do cơn bão Yagi song nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phục hồi ngoạn mục. Thời điểm hiện tại, cùng với các đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu của lĩnh vực sản xuất đang có những bước tăng trưởng rất tốt, thì nội lực cơ bản của kinh tế như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và du lịch dần lấy lại đà tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt GDP tới 7,2-7,3%.
Vị chuyên gia này dự báo hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở điều kiện bình thường, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 6,8-7,3% với lạm phát ổn định trong khoảng 3,2-3,5%. Còn trong điều kiện tích cực như nguyên, nhiên vật liệu hạ giá, các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các cơ hội xuất ra thị trường thế giới, tình hình giao thương quốc tế thuận lợi thì Việt Nam hoàn toàn đạt được ở mức tăng trưởng cao hơn 7,3-7,8%. Mục tiêu GDP 6,5-7% trong năm 2025 mà Chính phủ trình và Quốc hội thông qua là khá cẩn trọng.
Đồng tình với quan điểm này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, sau ba quý đầu năm, kể cả chịu những tác động rất tiêu cực của cơn bão số 3 (Yagi), kinh tế trong nước vẫn có sự phục hồi rõ nét và có thể vượt được mục tiêu GDP ở cận trên mức Quốc hội đề ra là 6,5%, thậm chí nhiều khả năng đạt được 7%. Sang năm 2025, về mặt tinh thần, cả Quốc hội và Chính phủ đều xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích và phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu GDP bình quân 6,5% cho cả giai đoạn thì năm tới con số này phải ở mức 9% là rất khó khăn và không thể thực hiện được.
Do đó, tại thời điểm này, Quốc hội và Chính phủ cũng xác định sẽ không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm. Quan trọng hơn là cùng với giữ được đà phục hồi kinh tế thì phải tạo ra được những nền tảng tốt nhất để có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong giải đoạn tới. Những nền tảng này không chỉ là sửa đổi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đã có mà sẽ phải xây dựng những khuôn khổ mới để phù hợp với xu thế và cơ hội mới như liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dịch chuyển của lao động có kỹ năng, thậm chí là cải tổ bộ máy quản lý nhà nước... đang là yêu cầu bức thiết. Vì vậy, việc đặt ra mục tiêu 6,5-7% là vừa phải, nếu có điều kiện thì sẽ phấn đấu cao hơn.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam được dự báo tăng lên đáng kể trong năm 2025. Ảnh: BẮC SƠN |
Cần có chính sách phù hợp
Tuy vậy, theo TS Võ Trí Thành, nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cầu bên ngoài - những yếu tố không thể kiểm soát được. Trong khi, đầu tư công dù có nỗ lực nhưng không dễ vượt qua con số của năm ngoái; đầu tư tư nhân đã nhích lên nhưng vẫn ở mức thấp; và mức tăng tiêu dùng đang chững lại. Đặt trong bối cảnh đó, đây là thời điểm quan trọng để nhìn nhận, đánh giá chính xác chất lượng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2025 sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Việc đánh thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác sẽ ảnh hưởng đến tất cả đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh phụ kiện điện tử, máy tính… vẫn có lợi thế khi có giá thành thấp hơn Trung Quốc, do đó có thể chiếm lĩnh một phần thị phần tại đây. Cùng với đó, để tránh bị đánh thuế cao, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư và xây dựng nhà máy vào Việt Nam, sản xuất hàng hóa và xuất đi Mỹ.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong năm 2025. Đây là cơ hội cho kinh tế trong nước tăng trưởng và phát triển. Với những tác động trái chiều này, ông Việt cho rằng, ngoài việc đánh giá sát với diễn biến của địa chính trị thế giới để lường trước và có những ứng phó linh hoạt, phù hợp, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương cần phải có những chính sách thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tạo sự tự tin cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên toàn cầu cũng như chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Còn theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số rủi ro có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam như cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng và những bất ổn địa chính trị có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm.
Để thúc đẩy tăng trưởng, vị chuyên gia cho rằng, sự phối hợp giữa các chính sách là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu. “Tăng nhu cầu trong nước đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, trong khi vẫn phải duy trì lãi suất thấp”.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Vì vậy, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân bằng các yếu tố chính của nền kinh tế. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần linh hoạt, mở rộng hợp lý và có trọng tâm. “Tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới”.
ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.