Cải cách cơ cấu thuế
Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn đã phải đối mặt một loạt chỉ trích sau khi ông Pichai, người cũng là Phó Thủ tướng, đề xuất tăng thuế VAT từ mức hiện tại là 7% lên 15%. Kế hoạch gây tranh cãi này của Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira vấp phải sự phản ứng dữ dội từ công chúng.
Thủ tướng Paetongtarn cho biết, Bộ Tài chính vẫn đang xem xét các cải cách cơ cấu thuế để giải quyết bất bình đẳng xã hội và tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài ý tưởng tăng thuế VAT, người đứng đầu Bộ Tài chính Thailand cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15% để phù hợp các quốc gia khác, đồng thời giảm thuế thu nhập cá nhân hiện ở mức 35% để thu hút lao động có tay nghề trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ.
Tỷ lệ thuế trên GDP của Thailand vẫn ở mức khoảng 17% kể từ năm 2007, thấp hơn mức trung bình 19% của châu Á và Thái Bình Dương và 34% của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thuế VAT chiếm khoảng 25% tổng thu thuế của Thailand vào năm 2022 theo ước tính của OECD.
Loại hình thuế này là một nguồn thu chính của Chính phủ Thailand và được duy trì ở mức 7% kể từ năm 1992 đến nay, mặc dù một số chính phủ tiền nhiệm từng đề xuất tăng thuế lên mức trần là 10%. Trong khi đó, Indonesia đang có kế hoạch tăng thuế VAT từ 11% lên 12%, bắt đầu từ năm tới.
Thailand kỳ vọng việc giảm VAT sẽ kích thích tiêu dùng. Ảnh: GETTY IMAGES |
Kế hoạch kích thích kinh tế
Trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế VAT thất bại, Chính phủ Thailand đang thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế với mục tiêu đạt mức tăng trưởng tối đa khoảng 3-5%. Trước đó, Ủy ban Chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Thailand do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra làm Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch 5 điểm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước trong cả ngắn và dài hạn.
Kế hoạch tập trung vào 5 lĩnh vực bao gồm: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, du lịch-dịch vụ và tiêu dùng cá nhân, nhằm mục đích tăng doanh thu cho người dân, giảm chi phí sinh hoạt, giải quyết các vấn đề nợ nần và thúc đẩy đầu tư.
Trong lĩnh vực bất động sản, từ tháng 12 năm nay, các nhà điều hành khách sạn được hỗ trợ vay vốn để sửa chữa và nâng cấp các tòa nhà nhằm thúc đẩy đầu tư và việc làm. Vào năm 2025, các khoản vay sẽ được cấp cho công chúng nói chung muốn mua hoặc nâng cấp nhà cửa cũng như trang bị nội thất cho nhà ở. Trong khi đó, các biện pháp dài hạn là xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ cũng như cho phép người thu nhập thấp thuê nhà để ở trong dài hạn.
Về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, các biện pháp ngắn hạn gồm giới hạn mức phí tàu điện ở mức cố định, thúc đẩy các dự án đầu tư tại Hành lang kinh tế phía đông (EEC). Các biện pháp dài hạn bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng cho vận tải hàng hóa quốc tế và tích hợp hệ thống giao thông tại những vùng kinh tế trọng điểm trên toàn quốc. Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch giá rẻ để tăng cường sự ổn định năng lượng của Thailand.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ trước mắt sẽ trợ cấp tiền mặt cho nông dân để giảm bớt gánh nặng nợ nần và giúp chuẩn bị cho chu kỳ canh tác tiếp theo. Về lâu dài, chính phủ sẽ phát triển các vùng nông nghiệp, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất nông nghiệp và cải thiện giá cây trồng, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực để đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Liên quan ngành du lịch và dịch vụ, các biện pháp ngắn hạn như “Quà tặng năm mới” được kỳ vọng kích thích du lịch và chi tiêu trong mùa nghỉ lễ năm mới. Các biện pháp dài hạn là phát triển các điểm tham quan du lịch nhân tạo, chẳng hạn như công viên giải trí và khu phức hợp giải trí. Trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, chính phủ cũng sẽ cung cấp một số khoản vay và chương trình tái cấu trúc nợ để giải quyết các khoản nợ xấu trong mua nhà và ô-tô, cũng như trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chương trình này dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025.