Cơ hội nhiều
Thời gian gần đây, các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện đều thu hút số lượng lớn doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng lao động. Theo khảo sát, thu thập thông tin 12.356 việc làm trống của 4.681 DN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 50,08%, tiếp đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - xây dựng chiếm 24,27%.
Các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng (chiếm 42,09%), tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng chiếm 18,98%. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, các DN chủ yếu tuyển dụng người lao động có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 47,98%), tiếp đến là lao động phổ thông (chiếm 26,39%), công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chiếm 9,55%. Về mức lương, các DN chủ yếu trả cho người lao động mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 57,71% tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động; tiếp đến là mức lương 10 - 20 triệu đồng/tháng, chiếm 14,84%.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Từ nay đến cuối năm tập trung nhiều những ngày lễ lớn, các DN tăng nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động thời vụ, làm việc bán thời gian. Những ngành nghề sẽ cần nhiều người lao động làm việc là: thương mại điện tử, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, vận tải, logistics”.
Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động đang phát triển tích cực. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao, đặc biệt ở các ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, hành chính và bất động sản. Nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, marketing, đồng thời chú trọng đào tạo và phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động.
Ba tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cần từ 78.100 - 83.300 lao động, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực, thực phẩm; hóa dược - cao-su và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin - truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng; bảo hiểm; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo…).
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cũng nhận định, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh mở rộng sản xuất, thực hiện các đơn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Trên địa bàn tỉnh có hơn 70.000 doanh nghiệp đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Tại Bình Dương, nhu cầu về lao động phổ thông vẫn chiếm ưu thế, các vị trí đòi hỏi lao động có trình độ kỹ năng cao giữ ổn định. Đáng chú ý, thời điểm giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhu cầu tuyển lao động thời vụ, các công việc mang tính ngắn hạn sẽ hạn chế hơn những năm trước. Trong khi đó, nhu cầu tìm công việc thời vụ, không tham gia bảo hiểm xã hội của lao động lại có xu hướng tăng. Đây là xu hướng chung của nhiều lao động thất nghiệp ở thời điểm cuối năm.
Tuyển dụng khó
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan của thị trường lao động, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chỉ ra những khó khăn hiện hữu, đó là thị trường lao động thiếu hụt cả lao động thời vụ và có tay nghề cao.
Do có đơn hàng phát sinh, Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, ngoài các vị trí có tay nghề, công ty cần tuyển tương đối nhiều lao động phổ thông, từ 300 - 400 chỉ tiêu. Với lao động phổ thông, điều kiện công ty đưa ra là chỉ cần người lao động chăm chỉ. “Nhưng chúng tôi vẫn rất khó tuyển vì thời điểm này, người lao động ít chuyển việc, chờ thưởng Tết. Nguồn lao động cũng khan hiếm”, bà Hoàng Thị Chính, cán bộ tuyển dụng của công ty cho biết.
Cũng trong tình trạng tương tự, đại diện nhân sự Công ty TNHH Thương mại và Xây lắp Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, công ty đang cần tuyển 200 nhân sự, phần lớn là lao động phổ thông, chỉ 20 - 30% yêu cầu có bằng cấp kỹ năng liên quan đến các chuyên ngành khác. Mức lương cơ bản khoảng 5,56 triệu đồng song thu nhập cho người lao động phổ thông có thể đạt từ 7 - 11 triệu đồng, bao gồm các loại phụ cấp và tăng ca. Ngoài ra, công ty có ký túc xá, xe đưa đón lao động ở các tỉnh lân cận…
Để có lao động, công ty cũng đa dạng kênh tuyển dụng như: Tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm, liên hệ đến các trường cao đẳng, trường nghề, thậm chí qua kênh thông tin của xã, phường nơi nhà máy đặt trụ sở… Tuy nhiên, việc tuyển người vẫn rất khó khăn. Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Minh Quang (Khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội ) cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển 50 nhân sự, trong đó 70% là lao động phổ thông. Người lao động sẽ có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, được đóng BHXH đầy đủ, được thưởng hằng quý (mỗi năm thưởng 4 quý) và Tết. Công ty không yêu cầu quá cao, lao động phổ thông nếu chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo song vẫn không có nhiều ứng viên để lựa chọn.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, những tháng cuối năm, có tình trạng lao động vào làm tại doanh nghiệp hết thời gian thử việc nghỉ làm, đi tìm công việc khác. Đại diện một doanh nghiệp đóng tại Khu công nghiệp VSIP 2 cho biết: Công ty có nhu cầu tuyển bổ sung nhân viên kỹ thuật và công nhân sản xuất. Dù đã hạ một số tiêu chuẩn, yêu cầu về trình độ tay nghề so với mong muốn của doanh nghiệp, mức lương đưa ra cao hơn nhưng lao động vẫn “nhảy việc”. Trong khi đó, một số lao động chia sẻ, họ quyết định đi tìm việc mới do môi trường làm việc chưa phù hợp hoặc mức lương chưa bảo đảm cuộc sống. Cũng có trường hợp lao động, nhất là lao động trẻ muốn tìm việc làm mới để có cơ hội trải nghiệm, giúp họ có những kiến thức, kỹ năng mới.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Để hỗ trợ DN tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm luôn căn cứ vào những định hướng phát triển của thị trường lao động, những lĩnh vực, ngành nghề nào, nhu cầu tuyển dụng của DN để trên cơ sở đó tư vấn cho người lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo định hướng đó; mời người lao động đến tham gia để gắn kết với DN đang có nhu cầu tuyển dụng.
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động đến các quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, thôn xóm để người lao động biết nhiều hơn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các hoạt động thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động. Từ cơ sở dữ liệu đó, kết nối các hoạt động hỗ trợ DN cũng như người lao động cho phù hợp, nâng cao được tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động.
Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện thu nhập và có cơ hội phát triển nghề nghiệp, người lao động cần xác định gắn bó lâu dài với DN. Sự thiếu nhất quán trong sự nghiệp có thể gây bất lợi cho người lao động khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng mới với những cam kết về việc gắn bó lâu dài. Những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng cần lưu ý, không “bỏ quên” quyền lợi được hỗ trợ học nghề để có thể sớm tìm được công việc mới tốt hơn, có triển vọng gắn bó lâu dài. Về phía DN cần có sự đổi mới, cơ cấu tổ chức đa dạng, linh hoạt, cải cách chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi. DN cũng lưu ý khi không có mức lương thật sự cạnh tranh thì môi trường và điều kiện làm việc trở thành yếu tố tiên quyết để người lao động đưa ra quyết định.
Một số doanh nghiệp thông tin, thời điểm này đơn hàng thường gia tăng, nhiều đơn vị ký kết được đơn hàng mới nên có thể bảo đảm việc làm cho cả giai đoạn sau Tết đến nửa đầu năm sau, vì thế nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất gặp khó khi cần tuyển lao động.