Lựa chọn làm mới chính mình

LTS - Hai năm vừa qua có lẽ là khoảng thời gian không thể nào quên đối với bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Để vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp du lịch cần những chiến lược gì? Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu góc nhìn của ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, người có thâm niên hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực này.
0:00 / 0:00
0:00
Lựa chọn làm mới chính mình

Năm 2022, lượng khách quốc tế đã không đạt như kỳ vọng. Điều này cho thấy, nếu Chính phủ không có các chính sách đủ mạnh để vực dậy ngành du lịch, tất cả những nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương sẽ không đạt được hiệu quả.

Để thu hút khách du lịch quốc tế, trong thời gian tới, chính sách visa cần thông thoáng hơn đối với một số thị trường châu Âu, hoặc những thị trường tiềm năng có thể lưu trú hơn ba tuần hoặc 45 ngày, thay vì 15 ngày như trước đây. Mở visa đến đâu, ngành du lịch cần thúc đẩy thị trường du lịch quốc tế đến đó, hay hàng không mở đến một điểm đến nào, cần tăng cường xúc tiến, quảng bá ở địa phương đó...

Một trong những việc hết sức quan trọng là tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Doanh nghiệp mong mỏi được hỗ trợ tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp… theo hình thức linh hoạt. Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch, như trang web vietnam.travel, các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Pinterest...

Song song đó, cần thiết kế những sản phẩm phù hợp từng thị trường theo phương thức tiếp cận mới nhất; kịp thời chuyển hướng những thị trường khách mới nổi thay vì những thị trường truyền thống đang bị chững lại. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tiếp cận đến các hội chợ du lịch quốc tế với chi phí thấp nhất cũng như hỗ trợ trong đào tạo nhân sự sau gần ba năm đứt gãy chuỗi cung úng.

Trong giai đoạn có nhiều biến động của môi trường bên ngoài, du lịch nội địa được coi là một điểm tựa để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển. Đối mặt với nhiều thách thức, không cách nào khác, doanh nghiệp phải làm mới các sản phẩm.

Làm sao gia tăng chi tiêu của du khách nội địa, tại các điểm đến là vấn đề cần được giải quyết rốt ráo. Mở ra các chuỗi cung ứng liên kết kích hoạt đồng bộ, thí dụ mua một vé máy bay được thẻ xanh mua hàng tại siêu thị có tích điểm, hay mua đồ tại siêu thị được tích điểm ngược lại khi mua vé máy bay hay nghỉ tại khách sạn, ăn tại nhà hàng… Thêm nữa, các điểm đến có thể giảm giá vé tham quan cho các công ty lữ hành hay trực tiếp cho khách du lịch và thay thế khấu trừ bằng tích điểm để khách hàng đổi quà tại các quầy hàng OCOP của điểm đến hay trên toàn hệ thống… Cách thức này, Thái Lan đã làm rất tốt từ nhiều năm qua thông qua app tích điểm hay số điện thoại.

Bên cạnh dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch ẩm thực..., cần chú trọng phát triển các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch thông minh; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch; tăng cường liên kết giữa các địa phương, giữa địa phương và doanh nghiệp nhằm xây dựng sản phẩm mới, phát huy lợi thế của từng địa phương để mở rộng thị trường khách nội địa, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá, đặc biệt qua các kênh truyền thông số.

Lựa chọn làm mới chính mình ảnh 1
Thiên nhiên đa dạng, quyến rũ là một lợi thế của du lịch Việt Nam.

Đối với "phát triển du lịch bền vững", để khai thác một cách hợp lý và bảo đảm tính lâu dài của tài nguyên du lịch đòi hỏi một chiến lược bài bản. Phát triển du lịch cần dựa vào hai yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, chỉ cần một trong hai trụ cột này bị mất đi, du lịch phải đối mặt nguy cơ suy thoái trầm trọng. Hiểu rõ về khái niệm "du lịch bền vững", các tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững là cơ sở quan trọng cho những bước tiếp theo của ngành du lịch. Điều này càng quan trọng khi Việt Nam đang có tiềm năng du lịch rất lớn với những lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, nhiều điểm đến hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước, nhưng lại không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập chung của ngành du lịch, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường.

Thời gian đầu, Travelogy Việt Nam gặp khó khăn lớn vì loại hình du lịch bền vững rất kén khách. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, giờ đây, Travelogy Việt Nam đã tự tin với hướng đi phát triển du lịch bền vững và ưu tiên chất lượng. Hẳn đó cũng là lý do mà nhiều năm qua, Travelogy Việt Nam đã trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng và các đối tác lớn. Cũng như nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch khác, chúng tôi mong có nhiều cơ hội được tiếp cận bình đẳng về nhân sự, vốn tín dụng bên ngoài, môi trường kinh doanh được cải thiện theo hướng thông thoáng, để tạo điểm tựa cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn của doanh nghiệp và nhìn rộng ra là nền kinh tế. Với tình yêu và niềm tự hào dân tộc, chúng tôi mong muốn góp phần tạo dựng một Việt Nam đầy sức hút trên bản đồ du lịch quốc tế.

Bà Ðoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị truyền thông,

Công ty Saigontourist

Nhân lực là yếu tố then chốt

Lữ hành Saigontourist vừa kết thúc năm kinh doanh 2022 với doanh thu lên đến hơn 2.300 tỷ đồng, phục vụ hơn 510.000 lượt khách trong và ngoài nước. Để có được kết quả ấn tượng này, trong suốt giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sách lược của công ty là duy trì nguồn nhân lực, triển khai trực tuyến các phương thức đào tạo và tái đào tạo nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm tính kết nối nguồn nhân lực và chuyên môn trong toàn hệ thống công ty, qua đó củng cố và nâng cao sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, và sớm tập trung toàn lực vào chiến lược phục hồi kinh doanh ngay khi tình hình dịch được kiểm soát. Đây cũng là yếu tố then chốt tạo nên sức bật mạnh mẽ của công ty sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

Năm 2023, hy vọng sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện của ngành du lịch Việt Nam. Điều này đòi hỏi sự cộng hưởng từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các ban, ngành liên quan nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững, thu hút và giữ chân du khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.