Ngược thượng nguồn

Lịch sử một dòng sông

Tôi sinh ra đã thấy có con sông vắt ngang qua thị trấn Thanh Miện (Hải Dương). Lúc bắt đầu biết nhớ đã quen cảnh bố phải bế ăn rong ở ngoài bờ sông. Lớn lên chút nữa cũng hăng hái tụ tập cùng lũ trẻ trong khu tập thể bệnh viện tập bơi với đủ loại phao tự chế: từ thân cây chuối đến thau nhựa, chậu nhôm, xịn nhất là lốp xe cũ. Ngay cả khi thỏa sức vùng vẫy trong dòng nước mát, chúng tôi cũng chưa bao giờ tự hỏi tên sông là gì, chỉ mặc định rằng đấy là con sông của khu mình, của nhà mình, con sông của chúng mình. Có chăng chỉ là nhớ mơ hồ lời kể của bà nội rằng đấy là con sông bà tham gia đào khi còn trẻ.

Lúc ấy, tôi không hề biết rằng, con sông trước nhà có một lịch sử riêng, gắn liền với công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

0:00 / 0:00
0:00
Một đoạn công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: NVCC
Một đoạn công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: NVCC

“Hôm nay vất vả, để mai no ấm cuộc đời…”

Được khởi công từ cuối năm 1958, với tổng chiều dài hơn 200km, công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã “góp phần cấp nước cho hơn 110.000ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và 12.000ha nuôi thủy sản, tiêu úng cho hơn 192.000ha lưu vực và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu nhân dân trong vùng. Hệ thống đại thủy lợi Bắc Hưng Hải có 11 công trình đầu mối trên trục chính, cùng hàng nghìn km kênh nhánh nội đồng….”1. Một trong những trục chính đó là Cống Neo, thuộc địa phận huyện Thanh Miện (Hải Dương), góp phần “khai sinh” “khúc sông” quen thuộc trước nhà tôi.

Trong những năm tháng thiếu thốn máy móc, hàng nghìn, hàng vạn người dân đã đi đào kênh, làm lán trại, sửa đường trên khắp các công trường… Đại công trình ấy đã trở thành chất liệu cho bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” của NSND, đạo diễn Bùi Đình Hạc, sau này đoạt Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1973, Huy chương vàng tại Liên hoan phim Matxcơva năm 1959. “Bài ca đắp đập đào mương” của nhạc sĩ Vũ Thanh với những câu như: “Đắp đất khơi mương - Tay ta biến đổi quê hương ruộng đồng - Dòng mương kia gieo khắp quê ta - Bao la sáng lạn ruộng bền cuộc đời tươi sáng…” dường như cũng lấy cảm hứng từ công trình này. Hơi tiếc là bây giờ, “Bài ca đắp đập đào mương” gần như bị lãng quên trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của tác giả “Em đi trong tươi xanh”. Thế nhưng soi chiếu trong đó, vẫn có thể thấy dấu ấn của những năm tháng vất vả, gian nan với mong muốn “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Các tác phẩm ấy vẫn thấp thoáng gương mặt của rất nhiều dân quân vô danh, trong đó có bà tôi.

Lịch sử một dòng sông ảnh 1

Phụ nữ đào đắp công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: BÁO HẢI DƯƠNG

“Nước về Bắc Hưng Hải”

Khác với nhiều bài báo viết về công trình thủy điện Bắc Hưng Hải, thường trích dẫn lời kể chi tiết của người dân khi hồi tưởng câu chuyện đắp đập đào mương, bà tôi chưa bao giờ kể gì thêm. Sau này, khi xem bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải”, tôi cố hình dung, qua những thước phim đen trắng, hình ảnh bà tôi hòa vào dòng người trên công trường, lo đắp đá bờ sông, mở đường đưa nước… Bà tôi năm ấy có lẽ thấp thoáng trong những cô gái tất bật trên công trường, mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng vẫn thấp thoáng nét cười. Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, theo lời của đạo diễn Bùi Đình Hạc, “đã đem nguồn sống mới đến ngọn lúa, cánh đồng, đem cuộc đời tươi vui đến những xóm làng”. Biết bao đổi thay đã cất lời. Con kênh đào đã trở thành một nhánh của sông Cửu An và theo năm tháng, trở thành con sông trước nhà, nơi giặt giũ, tập bơi, tắm mát, nơi ghi dấu bao lần giẫm phải mảnh sành của trẻ con khu này.

Một điều thú vị khi theo dấu lịch sử, đó là bản thân sông Cửu An cũng là một con sông đào, có từ cuối đời Hậu Lê. Đến thời nhà Nguyễn, vào năm 1835, lại được vua Minh Mạng cho tu bổ, đào mới. Ngài từng có chỉ dụ rằng: “Đào sông Cửu An vốn để thoát nước sông Cái. Theo ý trẫm mà nói, thì hạt ấy, từ trước vẫn cấy hai vụ chiêm mùa, ruộng chiêm cày cấy phải đợi lúc màu thu hoạch rồi, thế tất phải muộn. Nay khai con sông này thì lúa mùa không cấy, ruộng chiêm có thể làm sớm. Chuẩn cho bọn ngươi hết lòng làm việc khuyến nông: đến vụ nước mùa thu rút rồi thì nên gieo mạ ngay. Đến kỳ tháng 11, 12 thì cấy, cốt sao sang năm phải thu hoạch xong trước tiết tiểu mãn mới là thật khéo. Đó là vì trẫm rất lo cho dân mà phải trông xuống. Các ngươi nên thể theo ý trẫm!”2. Hình ảnh của sông Cửu An đã được khắc trên Nghị Đỉnh (một trong cửu đỉnh tại kinh thành Huế), gửi gắm ý nghĩa về sự thành công, giàu có và trường tồn của đất nước. Đặt câu chuyện về Cửu An hà và công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải ở cạnh nhau, mới thấy mong muốn chinh phục thiên nhiên thời nào cũng có và thời nào cũng chiếm vị trí quan trọng.

Con sông trước nhà

Giống như người ta đi mãi thành đường, nước chảy bao năm cũng thành sông. Con sông trước nhà đã biến giấc mơ “nhất cận thị, nhị cận giang” thành hiện thực. Nhưng các thế hệ sống bên sông thì mỗi thời mỗi khác. Ông bà tôi quen với việc bắt ốc, mò cua, dựa vào sông mà sống. Bố tôi đã thoát ly ruộng vườn, sống đời công chức, mùa hè thi thoảng nhớ sông thì nhảy xuống bơi vài vòng cho mát. Tôi miệt mài trong vòng quay thị thành, từ lâu mắt chỉ thấy những tòa nhà san sát. Quanh năm có khi chẳng buồn ngước lên ngắm trăng sao hay tìm một bờ sông hóng gió. Thế hệ con tôi, cháu tôi, ngay cả những đứa trẻ lớn lên từ thị trấn này, có lẽ sẽ thích nô đùa trong các bể bơi hơn là ôm lấy một thân cây chuối hoặc chờ chuồn chuồn cắn rốn. Sông, với chúng tôi, không còn là nơi kiếm sống mà dần trở thành một cảnh quan công cộng. Gần đây, trở về quê, thấy sông đã có bờ kè đá. Cầu ao cũ không còn. Những ngôi nhà tập thể cũ đã biến mất, nhường chỗ cho hàng quán mọc lên. Ghế đá được đặt rải rác dưới tán cây, trông nhang nhác như khung cảnh của một phố thị…

Con sông đã đi được một hành trình hơn 60 năm - không dài so với một dòng trôi, nhưng cũng đủ để chứng kiến những biến thiên thời cuộc hoặc sự đổi thay của đời người. Trong sự lặng lẽ, vô danh, con sông ấy vẫn có những câu chuyện riêng chờ được cất lời.

Chiều muộn. Tiếng điện thoại báo có tin nhắn Zalo của mẹ. Bà gửi cho tôi một tấm ảnh cũ, có bố tôi ngồi giặt đồ bên cầu ao. Bức ảnh được chụp một cách tình cờ. Đằng sau vẫn còn dòng chữ của người chụp: “Công cha như núi Thái Sơn - Hy sinh đời bố củng cố đời con”. Đó là vào năm 1993, khi em trai tôi ra đời. Gần 30 năm sau, cái cầu ao gia đình góp tiền xây đã không còn. Con người chẳng thể nào giống xưa. Cảnh vật cũng hoàn toàn đổi khác. Chỉ có dòng sông là còn lại. Như một chứng nhân lặng lẽ cho bao phận người.