Làng gốm bên dòng Ô Lâu

Nghề gốm Phước Tích hình thành từ cuối thế kỷ 15 nhưng vì nhiều lý do nên đã thất truyền và chỉ được “hồi sinh” chừng gần 20 năm trở lại đây. Nay gốm Phước Tích được xem là sản phẩm du lịch với trải nghiệm cuốn hút du khách trong và ngoài nước khi ghé qua ngôi làng cổ ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, (Thừa Thiên Huế).
0:00 / 0:00
0:00
Làng gốm bên dòng Ô Lâu

Làng gốm Phước Tích có lịch sử chừng 500 năm tuổi. Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm của làng nổi tiếng không chỉ do độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, mầu sắc khác nhau. Nghề gốm của làng được lưu vào sử sách với một sản phẩm đặc biệt là “om ngự”, một loại om đất (nồi đất) làm riêng dành để nấu cơm từ gạo de An Cựu cho vua ăn. Ngoài ra, còn có rất nhiều sản phẩm khác như lu ghè, thạp, thống, tu huýt và ông táo nung…

Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân, hợp tác xã sản xuất gốm Phước Tích giải thể, những lò gốm tắt lửa, bỏ hoang và dần sụp đổ. Cho đến Festival Huế năm 2006, người dân Phước Tích mới phục dựng lại một lò gốm nhỏ (lò ngửa) để nung một số sản phẩm gốm kích thước nhỏ phục vụ du khách tham quan. Kể từ đó, nhiều chương trình hỗ trợ đã giúp ngôi làng này dần “hồi sinh” lại nghề gốm từng thất truyền.

Qua bao biến thiên của lịch sử, dù không còn hưng thịnh như xưa nhưng làng gốm hôm nay vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề. Các nghệ nhân hằng ngày miệt mài sản xuất những vật dụng thân quen gắn với đời sống sinh hoạt của làng quê Việt Nam. Hàng nghìn sản phẩm như lu, hũ, đôộc, ang, trình, thống, om, trách… được vận chuyển đi khắp nơi phục vụ thị trường.

Hệ sinh thái làng Phước Tích phong phú với nhiều loại cây tươi tốt, rợp mát đường đi. Bên cạnh dòng sông Ô Lâu trong xanh, hiền hòa, ngôi làng cổ có những nét đẹp rất riêng kết hợp với vẻ đẹp thiên nhiên, đặc biệt là với những khu vườn có rất nhiều cây ăn quả. Đến đây, bạn có thể thuê xe đạp tham quan nhà cổ và cảm nhận không khí trong lành dưới những con đường rợp bóng cây xanh.