Trồng ngô trên cao nguyên đá

Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời để khám phá, tận hưởng vẻ đẹp, sự sống động của các bản làng đồng bào thiểu số trên cao nguyên đá Hà Giang. Và những cơn gió mát lành, đâu đó điểm tô sắc hoa mơ, hoa mận, hoa đào bên hiên nhà, trong lưng chừng núi, bên thửa ruộng bậc thang.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng ngô trên cao nguyên đá

Nhưng có một điểm khác lạ, không thuộc về số đông, xin mách nhỏ. Trên các cung đường lớn ở Hà Giang, bạn sẽ nhìn thấy những lối rẽ nhỏ và có một vài người đang đi bộ trên những mõm đá, váy hất tung theo nhịp bước chân, khung cảnh rập rờn, lạ mắt. Và xa xa, một chiếc xe máy của anh trai bản đang công kênh chạy ngang sườn núi bên kia. Bất chợt câu hỏi, sao mình không nhanh chân một tý và đi theo anh ta? Tuy nhiên, đi trên cung đường này, bạn phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt vì không dễ gì gặp được tiệm chữa xe hay cửa hàng tạp hóa để mua sắm.

Đây là lúc bạn được đến nơi không có bước chân người đi du lịch, không bị những tiếng ồn ào cười nói trước mặt hay sau lưng và không thấy cảnh mua bán đan xen trên lối đi bởi không gian đó là của người lao động và của bạn.

Mùa xuân, mùa trồng ngô. Từ sườn đồi đến núi đá đã được dọn sạch cỏ dại, bày ra trước mắt chỉ là đất, đá và người làm nương. Trồng ngô là một công việc được người H’Mông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua nhiều năm, nhiều đời, họ đã thuần thục kỹ thuật trồng ngô, chọn giống ngô phù hợp với điều kiện địa phương. Người H’Mông thường chọn các loại giống ngô có khả năng chịu được khí hậu khô và lạnh. Giống ngô có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Họ cũng ưu tiên cây ngô có thể cho năng suất cao để đáp ứng nhu cầu thức ăn hằng ngày và bảo đảm năng suất mỗi mùa.

Vào những ngày cuối tuần, lên đây bạn còn gặp những cô cậu bé theo ông bà, cha mẹ lên nương và bữa ăn trưa quây quần bên hốc đá với thức ăn chính là bột ngô được đồ lên còn được gọi là mèn mén. Xem cảnh làm nương ngô, bạn phát hiện ra điều riêng tự ngẫm. Đây không chỉ là nguồn thức ăn quan trọng mà còn là công việc lao động chính của đồng bào vùng cao. Nó là sự gắn kết gia đình và bảo tồn nền nông nghiệp đặc trưng của vùng cao nguyên núi đá.