Làng Cựu, đẹp trong quên lãng

NDO - Làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được biết đến với nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị đã bị lãng quên trong suốt thời gian dài. Ðược xây dựng từ những năm 1920 - 1945 với kiến trúc vòm cuốn, ngôi làng đặc biệt này được lưu truyền với cái tên "làng nhà Tây". Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp tráng lệ ảnh hưởng kiến trúc thời Pháp thuộc, làng Cựu còn vẹn nguyên những đường nét vừa giản dị vừa tinh tế thuần chất Á Ðông từ vật liệu xây dựng như gỗ lim, ngói mũi, tường bằng mật ong trộn muối đến các họa tiết trang trí như nậm rượu, con tôm, con dơi, nghê chầu... Qua nhiều cơn biến cố suốt gần một thế kỷ qua, rêu phong thời gian đã đổ bóng xuống từng viên gạch và đời sống của hơn 1.500 nhân khẩu làng Cựu bấy nhiêu năm vẫn không thoát khỏi kiếp chân lấm tay bùn.

Vàng son một thuở

Làng Cựu đang mùa gặt. Thóc gạo, rạ rơm và những kiếp người lam lũ với ruộng đồng cứ quấn lấy bước chân. Khi xưa đây là vùng chiêm trũng, quanh năm chỉ trồng cấy một vụ, nghèo khó trăm bề. Năm 1921, do một gia đình bất cẩn nên đã để hỏa hoạn lan ra cháy cả ngôi làng làm bằng tre nứa. Làng Cựu nghèo, lại càng thêm túng quẫn, nhiều người không chịu bó gối, đã bỏ ra thị thành tìm kế sinh nhai. Và rồi kết quả của những cuộc sinh nhai ngày nào vẫn còn để lại tàn dư của một thời thăng trầm đã lặng lẽ trôi qua ký ức ngôi làng.

Người làng Cựu xưa nổi tiếng từ thời Pháp thuộc với nghề may. Họ chuyên may com-lê cùng các bộ đầm tân thời phục vụ cho người Pháp cũng như giới thượng lưu ở Hà thành và cả Sài Gòn. Ban đầu họ đi lên từ 'cái mặc' để khắc phục 'cái ăn', dần dần trở thành những thương hiệu 'đệ nhất Hà thành' như: Phúc Hưng, Phúc Mỹ, Ðức Lợi... Các thương gia làng Cựu bấy giờ sống theo lối phương Tây. Họ mở cửa hiệu tại thành phố lớn, con cho học trường Tây, còn tiền thì về quê xây biệt thự để nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần và cũng là cách chứng tỏ sự thành đạt với quê hương. Làng Cựu nghèo khó thuở nào được 'đổi đời' biến thành 'làng Tây' với những biệt thự xa hoa, tráng lệ có vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim, ngói mũi và hoa viên rộng rãi. Ngày ấy, nghề buôn vải cũng được người làng Cựu chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội rồi mở rộng thị trường vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn. Vào thế kỷ 20, ông Chu Văn Luận - một thương gia giàu khét tiếng ở làng Cựu - còn 'tài trợ' xây dựng cho làng mình biến thành khu dân cư ăn chơi bậc nhất nông thôn Việt Nam với mỗi ngõ ngách trong xóm được lát đá xanh, 'cung tiến' một cái cột đèn bê-tông, có mỏ neo sắt, treo một cái đèn bão Hoa Kỳ sáng bằng dầu hỏa suốt đêm!

Ngay từ hồi xây dựng, cách đây gần một thế kỷ, hầu hết các ông chủ đều tính: nếu thất thế mới về làng vui thú điền viên, còn khi làm ăn phát đạt thì dĩ nhiên họ sẽ  cứ bám trụ thị thành làm nghề may đo cho những ông Tây bà đầm... Làng Cựu phất lên như 'diều gặp gió' vào giữa lúc 'giao thời', có những ngôi nhà đang xây dở thì chiến tranh nổ ra và kể từ giờ khắc ấy về sau, ngôi nhà cứ mãi dở dang như thế!

Kiến trúc độc đáo

14336.jpg

Cận cảnh kiến trúc trên tường.

Chiếc cổng làng bề thế là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, được xây theo lối 'quyển thư', tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Kinh tế khấm khá, không chỉ có biệt thự, cổng vòm, để đề phòng trộm cướp, người ta còn xây cổng đầu làng và cuối làng. Cổng làng có kiến trúc cầu kỳ, bề thế, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống. Vọng các của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính, thể hiện sự bề thế của một ngôi làng trù phú. Cổng mỗi nhà đều có họa tiết trang trí khá riêng biệt, có thể là hình đôi nậm rượu, con tôm, con dơi hay có cổng thì hai con nghê chầu hai bên án ngữ.

Ảnh hưởng một phần từ kiến trúc Pháp, những ngôi nhà ở làng Cựu mang vẻ đẹp hoa lệ nhưng khác với các biệt thự Pháp còn lại ở Sa Pa, Ðà Lạt. Làng Cựu là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc kinh viện châu Âu và kiến trúc bản địa. Ðiều đó thể hiện sự sáng tạo, phù hợp với thẩm mỹ, văn hóa người Việt. Nhà cụ Phó Du được xây dựng năm 1929, thuộc loại sớm nhất làng tiêu biểu cho kiến trúc Ðông Dương. Ngôi nhà được nhấn mạnh khối trung tâm, hai bên cân xứng, phía trước đan xen những vườn hoa nhỏ tạo điểm nhấn giúp ngôi nhà mang vẻ bề thế mà vẫn thanh thoát.

Khắp làng Cựu không có nhà cao tầng. Những căn nhà ba gian với khoảng sân rộng là kiến trúc của cả làng. Nét tinh tế thể hiện trên những mái nhà cong vút, những khung cửa tỉ mẩn trong từng chi tiết và những hình hoa văn dù đã bị thời gian lấp đi bằng rêu mốc vẫn tỏa rạng vẻ đẹp của một thời vàng son. Ngoài sự thể hiện về đời sống vật chất, lăng kính kiến trúc còn thể hiện góc độ văn hóa của ngôi làng. Trong làng có nhà thờ họ, trường học, nơi giao lưu kết nối cộng đồng, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa con người với con người.

Mỗi chiều, khắp ngõ xóm vang tiếng trẻ con đọc sách i tờ, những cụ già ngồi hóng mát, người lao động tất bật với mùa gặt. Trước cửa mỗi nhà thường đắp nổi bức cuốn thư có hình thanh kiếm và ngọn bút hai bên. Qua đó nhận ra làng Cựu cũng là 'đất học', luôn đề cao và hướng tới tri thức. Hiện làng có những ngôi nhà trong tình trạng 'bỏ thì thương, vương thì tội'. Làng Cựu nhiều lần đứng trước 'lối rẽ' nhưng kỳ lạ thay ngôi làng ấy vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn giá trị. Làng Cựu kết tinh trong sự hòa quyện văn hóa phương Ðông và phương Tây với vẻ đẹp uy nghi mà cổ điển.

Những chủ nhân không hẹn ngày về

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều người giàu có gốc làng Cựu đã quyên tiền cho Chính phủ. Hồi kháng chiến khó khăn, họ vẫn ở Hà Nội, coi biệt thự còn lại ở làng như từ đường. Và lẽ tất nhiên, họ không bán vì không thiếu tiền. Cũng trong cơn biến cố ấy, nhiều thương gia gốc làng Cựu đã di tản với ngoại bang vào những năm 1975 và cho tới giờ vẫn bặt vô âm tín.

Làng Cựu càng ngày càng trống trải và cái tên nức tiếng một thời gần như bị rơi vào lãng quên. Ðược xây dựng từ năm 1927, nhà ông Thắng là một trong những tòa nhà cổ còn nguyên bản nhất của làng Cựu. Tiếp chuyện chúng tôi, ông buồn bã gạt những giọt mồ hôi sau một ngày 'đầu trần chân đất' gặt hái ngoài đồng, ông bảo: 'Những ngôi nhà đẹp ở làng tôi bây giờ đều là những ngôi nhà hầu như quanh năm suốt tháng cửa đóng then cài kín mít. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy đã tỏa đi khắp nơi mà không hẹn ngày về...'. Ngay cả cổng làng uy nghi một thời bây giờ cỏ dại cũng ken dày đặc, lấp kín lối lên xuống. Có lẽ, đã rất lâu rồi người làng Cựu quên mất lối đi lên cổng làng nên khi nghe hỏi, nhiều người dân ở đây cũng tỏ ra ngơ ngác. Hình như cái lối đi lên để canh tuần, để hóng mát ấy chỉ được sử dụng vào cái thời ông cha của họ! Bây giờ, những người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối lo miếng cơm manh áo thì có ai còn đi lên cổng làng để hóng gió chơi trăng và ngắm cảnh bốn bề sơn thủy hữu tình nữa. Cùng những sự đổi thay về kinh tế - xã hội, làng Cựu ngày nay đang cựa mình trong một diện mạo mới. Những đường nét của công trình kiến trúc cổ vẫn còn đó như chứng tích cho một thời kỳ thịnh vượng.

Một thời nổi tiếng với nghề may và hiện tại rất nhiều người gốc làng Cựu cũng đang kinh doanh phát đạt với nghề may trên khắp mọi miền đất nước, nhưng làng Cựu hôm nay chỉ còn lại duy nhất một nhà may của chị Hồng Thanh. Ngày ngày, chị nhận may đo quần áo với quy mô nhỏ lẻ, nhiều khi chật vật không đủ trang trải cuộc sống. Ðiều đặc biệt là hầu như gia đình nào ở làng Cựu cũng có máy khâu, nhưng là những chiếc máy khâu từ lâu đã không còn được sử dụng, xếp lại một góc cho thời gian bụi phủ.

Những khung cửa gỗ khóa trái hoen gỉ theo năm tháng, những khoảnh sân vườn đầy lá rụng ngập bước chân, những bức tường rêu loang lổ vết thời gian... tất cả đem đến một niềm tiếc nuối và băn khoăn. Từ rất lâu rồi, làng Cựu đã bị lãng quên. Thỉnh thoảng mới có một vài người dân kiến trúc lai vãng. Nhưng rồi, nhiều khi lại nghĩ, có thể, làng Cựu còn đẹp cũng bởi... bị lãng quên. Nếu người ta lại tích cực cải tạo cơi nới để từng ngày trở thành làng du lịch đông đúc như Ðường Lâm, hay Cự Ðà thì cũng thật... đáng buồn. Giã biệt thời kỳ vàng son trong ký ức, làng Cựu lại quay về đúng bản chất của đời sống thuần nông bấy nhiêu năm dường như vẫn ngủ quên dưới vẻ thâm trầm như cái tên vốn có.