Di sản chung cần gìn giữ
"Lãnh đạo hai địa phương đã phối hợp và giao Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, Ban Quản lý di tích Đà Nẵng thống nhất một số dự án phát huy di tích Hải Vân quan. Cần phải có khảo cổ di tích, có các nhà khoa học để đánh giá. Chúng ta xem Hải Vân quan là một “nhà thờ” chung, mà khi đã có được một “nhà thờ” chung thì con cháu phải có trách nhiệm làm ngay, làm không chậm trễ”. Đó là trải lòng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung.
Ông Dung kỳ vọng lớn vào sự phát triển du lịch tại Hải Vân quan và nhấn mạnh việc liên kết du lịch giữa ba địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã được ký kết từ lâu. Hải Vân quan sẽ là nơi có sự liên kết giữa Bắc và Nam Trung Bộ. Phát triển để có thể trùng tu, bảo vệ di tích tốt hơn. Việc phát triển du lịch tại đây sẽ được nhiều người quan tâm bởi đây là cửa ngõ nhìn về vịnh Lăng Cô và Đà Nẵng. Đây là điều kiện để hai địa phương cùng chung tay tôn tạo, phát huy, khai thác giá trị du lịch bởi đây là mắt xích quan trọng kết nối du lịch trong khu vực.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhất quyết: “Chúng ta cần làm khẩn trương để bảo vệ di tích Hải Vân quan. Thủ tục pháp lý về mặt đất đai, mặt ranh giới hiện còn chồng lấn hoặc nằm giữa đường biên giới hành chính giữa hai địa phương, thì chúng tôi cho rằng sự khác biệt đó là điều nhỏ thôi. Nếu chúng ta thờ ơ thì chúng ta không quan tâm đến việc đó, nếu chúng ta thật sự quan tâm thì chúng ta gạt qua những thủ tục hành chính. Tôi nghĩ trung ương cũng sẽ sẵn sàng biểu dương việc làm này, và điều này cũng thể hiện tinh thần đoàn kết cùng chung tay bảo vệ di sản chung của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng”.
Cần làm ngay…
Những việc cần làm ngay cho Hải Vân quan sau khi di tích này trở thành Di tích Quốc gia là tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đã ký kết bản ghi nhớ về phối hợp để quản lý di tích với sáu nội dung, trong đó nhấn mạnh việc lãnh đạo hai địa phương phối hợp chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân quan; phối hợp chỉ đạo việc lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân quan gắn với phát triển du lịch bền vững… Hai địa phương đã cắm mốc khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích Hải Vân quan.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đặng Thị Bích Liên yêu cầu hai địa phương khẩn trương đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị các mặt của di tích, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong cộng đồng để di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; tiếp tục nghiên cứu giá trị di tích và từng bước triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch của địa phương; đầu tư kinh phí, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích; kiện toàn bộ máy quản lý di tích phù hợp quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích của địa phương trong điều kiện hiện nay.
Người viết bài này đã gặp trên đỉnh đèo đầy nắng người đàn ông có tên Lại Thanh Hà. Để giữ được một Hải Vân quan với nhiều cây xanh quanh khu vực, người đàn ông “gàn gàn” này đã mua cây nhiều nơi về để trồng, rồi cũng tự làm cái khung bờ rào để ngăn sự xâm phạm của nhiều người vào di tích. Ông nói ngày nào hễ còn chứng kiến cảnh người dân, du khách vô tư leo trèo lên phần còn lại của Đệ nhất hùng quan, là ngày đó, sự xuống cấp lại nặng nề thêm. Đã là di tích Quốc gia, nên chăng phải đứng chiêm ngưỡng từ xa và không vô tư giẫm đạp lên di tích như bấy lâu? Lời tâm sự nhỏ này, có lẽ không sai!