Thú chơi đắt đỏ
Lặn với bình dưỡng khí đang trở thành bộ môn yêu thích của nhiều người tại Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây. Đây là hoạt động đòi hỏi sức khỏe tốt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên vì tính chất xa bờ và dưới nước, không phải lúc nào điều kiện y tế cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cấp thiết, chính vì vậy, thợ lặn phải luôn sẵn sàng chuẩn bị về mặt y tế cho mình và những người lặn cùng.
Được biết, để có thể tự do lặn, người lặn phải trải qua ít nhất là 2 khóa học từ cơ bản tới nâng cao trong 5 ngày để nhận được chứng chỉ có thể lặn ở mọi vùng biển trên thế giới. Theo đại diện của tổ chức PADI (hiệp hội hướng dẫn lặn chuyên nghiệp có mặt tại Việt Nam kể từ năm 1997), chi phí để trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp có thể lên đến 50 triệu đồng hoặc cao hơn, bao gồm cả trang thiết bị. “Lặn với bình oxy đem đến một trải nghiệm mới hoàn toàn và vô cùng thích thú mà nếu lặn với ống thở thì không thể chiêm ngưỡng được, nhưng đây là một bộ môn rất cần sức khỏe và sức chịu đựng tốt, khi xuống sâu áp lực nước rất lớn sẽ xuất hiện một số hiện tượng nhức tai, mũi”, chị Nguyễn Hà Phương (thợ lặn) chia sẻ.
Trung bình, chi phí học lặn biển tại Việt Nam khoảng 7 - 8 triệu đồng cho một khóa học cơ bản Open Water kéo dài 3 ngày. Đây được coi là khóa học ngắn nhất có thể cho người mới để xuống được độ sâu 18 m, độ sâu phổ biến ở tất cả các địa điểm lặn phổ thông, riêng một số địa điểm lặn nổi tiếng thì bắt buộc phải có bằng lặn nâng cao Advance Open Water (cho phép lặn tới độ sâu 30 m).
Hình thức lặn với ống thở (Snorkeling) thường phổ biến vì tính đơn giản, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều kỹ năng bơi lặn. Tuy nhiên, người lặn với ống thở chỉ có thể chiêm ngưỡng đại dương ở độ sâu từ 3-5 m, còn lặn bình khí có thể xuống sâu đến 18 m hoặc sâu hơn 30-40 m đối với những người lặn chuyên nghiệp. Ở độ sâu này, người lặn sẽ được chiêm ngưỡng thảm thực vật độc đáo dưới đại dương, những rạn san hô, loài sinh vật biển quý,…
Ở độ sâu nhất định, người lặn dễ dàng bắt gặp những đàn cá lớn. Ảnh: NGỌC SÁNG |
Cảnh quan độc đáo
Phú Quốc có những rạn san hô lớn với diện tích lên đến 480 ha, trong đó có hơn 360 loài san hô cứng và hàng chục loài san hô mềm sinh sống. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, Phú Quốc còn thu hút du khách bởi những xác tàu đắm lịch sử, giúp hiểu thêm về lịch sử của hòn đảo.
Hòn Mây Rút Trong, thuộc quần đảo An Thới, được đánh giá là một trong những điểm lặn đẹp nhất tại Phú Quốc. Khu vực này nổi tiếng với các rạn san hô đầy mầu sắc và những đàn cá nhiệt đới. Đặc biệt, san hô tại đây có rất nhiều loại như san hô cứng, san hô mềm và có cả các loài san hô quý hiếm, mỗi loại có một hình dáng và mầu sắc đặc trưng riêng. Khi lặn xuống độ sâu khoảng 10 - 15 m, người lặn như được lạc vào một thế giới khác. Anh Trịnh Ngọc Sáng (thợ lặn chuyên nghiệp) đánh giá: “Nước biển tại đây khá trong, tầm nhìn dưới nước thường từ 5 - 10 m vào mùa lặn, giúp cho việc quan sát các sinh vật biển và cảnh quan dưới nước trở nên dễ dàng và rõ nét hơn. Không chỉ có Hòn Mây Rút Trong, Hòn Gầm Ghì, mỗi địa điểm lặn tại Phú Quốc sẽ đem đến một thế giới thủy sinh khác nhau như Hòn Móng Tay, hay Hòn Xưởng, Hòn Anh Tây…”.
Vài năm trở lại đây, giá vé máy bay đến các vùng biển tại Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng tăng cao, có lúc còn cao hơn cả giá vé du lịch nước ngoài khiến nhiều du khách cân nhắc trong việc lựa chọn địa điểm du lịch, từ đó bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với bộ môn lặn biển.
Cần bài bản và quy mô hơn
Mặc dù được đánh giá là địa điểm lý tưởng cho dịch vụ lặn tại Việt Nam, tại Phú Quốc còn khá ít trung tâm lặn đạt chuẩn quốc tế, với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao. Số lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của du khách, đặc biệt vào những mùa cao điểm du lịch trong năm. Bên cạnh đó, một số trung tâm lặn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp có thể sử dụng trang thiết bị cũ, hỏng hóc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho du khách.
Anh Nguyễn Hoàng Dương, thợ lặn tại Onbird Phú Quốc cho biết: “Hoạt động lặn bằng bình khí yêu cầu rất nghiêm ngặt, chính vì vậy mỗi một du khách sẽ được 1 kèm 1 trong suốt quá trình tham gia lặn biển để bảo đảm an toàn, việc này cần một đội ngũ nhân công có chuyên môn lớn, vào mùa cao điểm hầu hết là thiếu nhân lực”.
Trước khi lặn, du khách sẽ được học một khóa cơ bản về trang thiết bị, học kỹ năng an toàn, cách xử lý các tình huống dễ xảy ra dưới nước và có hướng dẫn viên giúp đỡ, đồng hành cùng. Trung bình một chuyến lặn sẽ kéo dài từ 10 - 30 phút tùy vào tình trạng sức khỏe. Giá dịch vụ lặn biển bằng bình dưỡng khí tại Phú Quốc thường dao động từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người, tùy thuộc vào thời gian lặn, địa điểm lặn và dịch vụ đi kèm.
Thời tiết tại Phú Quốc mặc dù ấm áp quanh năm nhưng rất có thể thay đổi đột ngột, đặc biệt là vào mùa mưa tại đây (từ tháng 6 đến tháng 10). Những cơn mưa bất ngờ và sóng lớn có thể ảnh hưởng tầm nhìn dưới nước và gây nguy hiểm cho thợ lặn. Điều này đòi hỏi thợ lặn phải luôn theo dõi dự báo thời tiết và nắm bắt được môi trường lặn.