Lặn lội tìm ba khía
Mặc dù đã hẹn trước lúc đến Bến Tre, chúng tôi vẫn thật thấy mình may mắn khi có cơ hội theo chân hai nông dân với hơn 30 năm đi bắt ba khía. Đó là anh Nguyễn Văn Hoàng, 45 tuổi và anh Lê Hoàng Vũ, 34 tuổi cùng ngụ ấp 4, xã Bình Thới, huyện Bình Đại. So anh Hoàng thì Vũ có thâm niên ít hơn nhưng cũng là một tay săn ba khía có tiếng ở nơi được mệnh danh là vùng sâu, vùng xa nhất của Bến Tre.
Để đến ấp 4, chúng tôi phải đi bộ khá xa từ tỉnh lộ dẫn vào con đường bê-tông hẹp, không đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Hai bên đường chỉ thấy những vuông tôm đang thời kỳ cho thu hoạch của các hộ dân, trong đó có nhà anh Hoàng và anh Vũ.
Sau khoảng 15 phút, chúng tôi tới nơi khi trời đã tối hẳn. Nếu mới gặp Hoàng lần đầu, hẳn tất đều sẽ nghĩ anh phải là một họa sĩ hoặc nghệ sĩ nào đó. Anh có nước da ngăm đen, dáng người săn chắc nhưng mái tóc đen bồng bềnh đến vai, bộ ria mép được chải chuốt rất cẩn thận. Nhìn chúng tôi một lượt từ đầu đến chân, Hoàng nói ngay rằng, đi bắt ba khía đêm khá vất vả, phải lội xuống bùn và nước rất sâu, nếu mặc như chúng tôi chỉ có thể đứng trên bờ xem được thôi. Vũ thì cho biết thêm: “Muốn đi bắt ba khía phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết. Bình thường phải có bao tay để ba khía không kẹp, cây xôm được làm từ gỗ, dài khoảng 1 m, bản dẹp để chặn hang ba khía hoặc một chiếc móc dài bằng sắt có đầu uốn cong, khi thấy hang ba khía thì thò móc vào, ba khía theo phản xạ sẽ dùng cặp càng cứng và sắc của mình cắp vào móc, lúc đó chỉ cần lôi móc sắt ra và bắt ba khía. Ngoài ra cần một thùng nhựa có thành cao để đựng ba khía và đèn pin”.
Bắt ba khía chỉ là nghề phụ của nhiều nông dân lúc nông nhàn nếu họ muốn kiếm thêm thu nhập, thế nhưng, đối với Hoàng và Vũ, đây là niềm vui và sở thích của họ từ nhỏ. Đó là chưa kể ba khía Bình Đại được xem rất ngon vì thịt chắc, ngọt hơn những nơi khác. Hoàng chia sẻ tiếp: “Coi vậy chứ bắt ba khía không dễ nghen. Thường phải đi bắt vào ban đêm”. Tôi thắc mắc: “Bắt ba khía ban ngày khỏe hơn, dễ hơn chứ?”. Hoàng cười cho biết, ban ngày, ba khía thường ở trong hang, không ra ngoài, cho nên khi bắt phải dùng móc sắt. Hang ba khía thường nhỏ còn hang cua thì sâu và to hơn. Ban ngày ba khía nó chạy vù vù, không dễ bắt. Chỉ có thể ngoéo ở hang mà như vậy cực lắm, nhưng cũng không bắt được nhiều. Tuy vậy thì đi bắt ba khía đêm lại vất vả hơn do phải đi khuya và lặn lội nhiều, phải dùng đèn soi vì khi tối, chúng sẽ mò ra khỏi hang đi kiếm ăn. Khi nhìn thấy, người bắt cần phải nhanh tay, nếu không sẽ bị chúng cắp, rất khó để có thể gỡ ra nếu như không bẻ gãy càng của nó, hoặc biết cách đặt cây xôm sao cho đúng chỗ để ba khía không chạy đi.
Sau khi đã kiểm tra lại một lượt dụng cụ, chúng tôi mỗi người được trang bị một chiếc đèn pin gắn trên đầu và được giao nhiệm vụ cầm theo thùng nhựa. Vẫn là con đường bê-tông dẫn vào ấp nhưng lần này, Hoàng và Vũ dẫn chúng tôi ngược ra, đi dọc theo các vuông tôm và các con mương. Do không quen với địa hình và không thường xuyên đi chân trần, để tập trung và bám theo hai người đi trước với chúng tôi cũng là cả một vấn đề do đường tối và trơn trượt sau cơn mưa to trước đó vào buổi chiều. Trong khi đó, Hoàng và Vũ đi rất nhanh, vừa đi vừa đảo mắt nhìn hai bên bờ mương xem có bóng dáng chú ba khía nào không. Một lúc, họ lại dừng lại, chăm chú nhìn vào một cái hang còn khá mới; có lúc họ lao xuống hẳn dưới mương. Khoảng cách giữa chúng tôi ngày một xa dần. Rồi bỗng Hoàng reo to. Chúng tôi vội rảo chân đến chỗ anh đang đứng, lúc này rọi đèn xuống bờ mương đặc quánh bùn và đất, có hai chú ba khía đang nằm im. Hoàng lội xuống mặt bùn đã ngập quá đầu gối anh, bước nhẹ nhàng và khi đến gần chúng, anh nhanh tay chộp lấy và bỏ vào chiếc thùng nhựa.
Thu nhập phụ của nhà nông
Chúng tôi cứ vòng đi vòng lại quanh các vuông tôm, dọc các con mương trong đêm dù trời rất oi, mồ hôi ra ướt sũng áo, Những quầng sáng từ chiếc đèn pin quẹt qua quẹt lại loang loáng trên đường. Không gian tĩnh lặng, dường như chỉ có thể nghe thấy tiếng chân oàm oạp của mọi người, đôi lúc là tiếng chó sủa vang lên từ một ngôi nhà nào đó. Tất cả đều tập trung, căng mắt dõi theo ánh đèn phía trước. Mỗi khi nhìn thấy một cái hang hoặc một chú ba khía nào đó, chúng tôi lại dừng, nhẹ nhàng bước tới bắt và bỏ chúng vào thùng, một lúc sau số ba khía trong thùng cũng kha khá.
Chúng tôi hỏi Vũ về những kỷ niệm của anh mỗi lần đi bắt ba khía. Vũ nói, bắt ba khía khổ nhất là vào mùa mưa. Có những lúc nước ngập cao, lội xuống thì nước dâng lên có khi đến trên ngực, chưa kể vắt bám và đôi lúc còn gặp vị khách không mời là những chú rắn bò ngay bên cạnh. Một ngày họ đi chừng hai đến ba giờ đồng hồ, nếu trúng, có thể bắt được khoảng bốn kg ba khía. Một kg ba khía hiện nay được thu mua tại đây là 80 nghìn đồng. Tính ra thì chỉ trong vài giờ tối hoặc đêm, người bắt ba khía có thể kiếm được khoảng 300 nghìn đồng.
Hoàng cũng cho biết thêm, mỗi vùng ở Bến Tre lại có đặc điểm riêng khi đi bắt ba khía. Có nơi dùng con chình nướng để làm mồi câu ba khía cho nên rất an toàn cho người dùng, trong khi một số nơi người bắt ba khía dùng bả thuốc trừ sâu để cho chúng “trúng” thuốc chết tại các bãi sông khi bò ra miệng hang để tìm mồi. Cách đánh bắt này rất nguy hiểm cho người dùng vì dư lượng thuốc trừ sâu vẫn còn tồn đọng trong những con ba khía dù đã qua chế biến. Kinh nghiệm hơn 30 năm cho Hoàng biết trong tháng, ba khía sẽ lột vỏ hai lần, thường là các ngày 9, 10 và 24, 25, sau khi lột vỏ cũ, ba khía sẽ chắc thịt và to hơn. Lúc này đi bắt sẽ hợp lý và được nhiều con to nhất.
Ba khía có thể chế biến thành nhiều món ăn bởi chỉ từ vài con ba khía bắt được vào đêm sáng trăng, thực đơn đãi khách vẫn rất phong phú: ba khía rang muối, ba khía mắm, ba khía hấp bia, ba khía xào rau răm, ba khía luộc cơm mẻ… Còn chúng tôi, sau hơn một giờ lặn lội trong đêm, ba khía hấp bia cũng đủ làm tất cả mơ màng với câu dân ca: “Tháng bảy nước chảy Cà Mau/Tháng mười ba khía, hội kéo nhau đi làm/U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm/Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi”.