Quả là bõ công chạy xe lắc như đưa võng qua hàng trăm cua đường sóc nảy đom đóm mắt từ thị trấn Tủa Chùa để tới được Sín Chải. “Ông thổ công” hào hứng kể về những tháng ngày gian khổ trong những năm 70-80 thế kỷ 20, Ban định canh định cư huyện Tủa Chùa hỗ trợ dân các xã Tả Phìn, Sín Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải… trồng thêm loại cây chè dáng thấp, tỏa tán như chè Phú Thọ. Đến những năm 2005-2015, từ nguồn vốn khuyến nông và vốn của tổ chức JICA Nhật Bản, tỉnh xây dựng 3 nhà xưởng chế biến chè ở Sín Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải. Công ty giống nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý và chế biến.
Những năm đó, đường từ trung tâm xã Sín Chải vào bản Hấu Chua rất xấu, nên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đầu tư cho nhà ông Hạng A Chư một máy thủ công để sao chè bằng củi. Giá chè chế biến từ 100 nghìn đồng/kg lên cao dần đến trên 1 triệu đồng/kg là cố gắng rất lớn của người dân và cả ngành nông nghiệp Tủa Chùa. Cây chè cao, giống cũ và cây chè thấp, giống mới ở nơi núi cao quanh năm khô hạn, ít mưa đã thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
2/Thêm bao nhiêu cua nghiêng ngả nữa, không nhớ! Đến nơi rồi! Chủ, khách tay bắt mặt mừng! Chúng tôi bị hút ngay vào vườn chè thân cây mốc thếch, cành nhánh to lực lưỡng vươn cao đang tỏa búp mập mạp, xanh ngời. Ông Hạng A Chư kế thừa vườn chè shan tuyết của các cụ 9 đời để lại, trong đó có cây cổ thụ độc nhất cách nay trên dưới 300 năm. Ông đã đi bộ đội từ năm 1979 bảo vệ biên giới, và “làm Hội trưởng cựu chiến binh 30 năm liên tục, nay nhường cho lớp trẻ làm thôi”. Ông kể chuyện: “Khi làm theo lời Cụ Hồ, vào hợp tác xã, cha tôi vẫn trồng chè. Nay cây chè cũng bằng tuổi tôi, gần 70 năm rồi. Những cây tôi trồng gần đây đã 30 -40 năm… Vườn quanh nhà có hơn 600 cây. Nay mình hái và sao chè trong xưởng nhỏ thôi. Mình tự đóng gói nylon, gửi xe chở xuống Mỹ Đình. Làm như thế cũng giúp được cán bộ huyện và tỉnh quảng bá chè san tuyết Sín Chải đưa về Hà Nội đấy”.
Các con ông đã ở riêng, trồng chè riêng, máy sấy riêng. Cháu Hạng A Nhè vui mừng kể: Nhà gỗ cháu mới làm xong, là từ cây chè đấy. Năm nay, vợ chồng cháu trồng được 1.000 cây chè con, chưa kể chè đã trồng vài năm trên núi. Mỗi buổi vợ chồng cháu hái được 20-30 kg búp chè. Đa số dân Sín Chải vẫn bán chè theo giá thị trường. Năm vừa qua, giá chè búp khô khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg, nên thanh niên chúng cháu vẫn bám núi trồng chè.
Làm sao để nhiều xã có chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vùng chè nguyên liệu sạch, tiêu thụ được nhiều hơn ở trong nước và còn đưa đi xuất khẩu vẫn là câu hỏi canh cánh của cán bộ nông nghiệp huyện Tủa Chùa và tỉnh Điện Biên. Mong sao chè Sín Chải, Tủa Chùa ngày càng đi vào văn hóa trà Việt và vươn xa ra bốn phương.