Hết sạt lở, rừng tái sinh
Tại khu vực Cồn Cống (ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), xói lở đã là chuyện cũ. Từ cuối năm 2018, khu vực này đã có đê giảm sóng dài 1,6km. Đây là đoạn đê giảm sóng đầu tiên tại Tiền Giang và đây cũng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL áp dụng mô hình này.
Công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng là sản phẩm của đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng, chống xói lở, ổn định dải bờ biển và các cửa sông Cửu Long, đoạn từ Tiền Giang đến Sóc Trăng” được Bộ Khoa học và Công nghệ giao Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thực hiện, được nghiên cứu trên mô hình vật lý và mô hình toán tại Viện Khoa học thủy lợi miền Nam. Ths Lê Xuân Tú, Chủ nhiệm đề tài thông tin: Đê giảm sóng kết cấu rỗng được thiết kế cách bờ khoảng từ 100-150m. Khi sóng tác động vào đê này sẽ bị tiêu tán năng lượng lớn, từ 60-70%. “Trên thế giới đã có một số quốc gia áp dụng, tuy nhiên họ sử dụng dạng các hình bán cầu rỗng để khôi phục các rạn san hô hay tạo nơi cư trú cho các loài thủy sản. Riêng đối với khu vực ĐBSCL, điều kiện địa hình, địa chất khác biệt, cũng như chúng ta muốn khôi phục lại rừng ngập mặn ven biển thì cũng có những nét khác biệt so thế giới. Dựa trên những thành quả mà thế giới đã nghiên cứu, chúng tôi đã cải tiến và điều chỉnh sao cho phù hợp với ĐBSCL. Trong đó, chúng tôi đã đưa ra hình dạng kết cấu hình tam giác để tính ổn định được cao. Đặc biệt, chúng tôi đã thí nghiệm những lỗ rỗng khác nhau để chọn ra được lỗ rỗng tối ưu với từng loại địa hình cụ thể”, Ths Tú nhấn mạnh.
Giữa năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang đã đầu tư tiếp 1,535km đê giảm sóng tại khu vực đê biển thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Còn tại khu vực Khu du lịch biển Tân Thành, nơi xảy ra xói lở bờ biển trên địa bàn xã Tân Thành, nhờ đê giảm sóng được dựng lên cách bờ hơn 100m mà người dân sau hàng chục năm cũng không phải lo lắng cảnh sụt lở.
“Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã nghiên cứu ra một mô hình dựa trên việc áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Khi cho ra kết quả trong phòng thí nghiệm rất tốt, độ tin cậy cao. Chính vì vậy, thời điểm đó, tôi với vai trò là người quản lý nhà nước ở tỉnh Tiền Giang quyết định lựa chọn phương án này. Đó là lựa chọn chính xác” (ông Lê Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang).
Mô hình cần nhân rộng
GS, TS Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét: “Đê giảm sóng kết cấu rỗng có nhiều ưu điểm: Thứ nhất là giảm được sóng, bảo vệ được bờ. Thứ hai là thiết kế lỗ rỗng giúp cho tốc độ bồi lắng tốt hơn. Nhờ vậy mà khả năng khôi phục lại rừng ngập mặn đã bị suy thoái là rất có thể. Tôi nghĩ, tương lai chúng ta sẽ giải quyết được phần nào những bức xúc mà khu vực dải ven biển ĐBSCL đang phải gánh chịu”.
Được biết, kết cấu chính của đê giảm sóng sử dụng cấu kiện TC1 (cao 2,57m, bề rộng đáy 3,12m, trọng lượng 9,05 tấn) và cấu kiện TC2 (cao 2,5m, bề rộng đáy 3,8m, trọng lượng 10,75 tấn). Các cấu kiện được thiết kế bằng bê-tông cốt thép dày 20cm, được đặt trên bè gỗ nhằm chống lún và gia cố bằng đá hộc trước, sau công trình. Trên bề mặt các cấu kiện có đục lỗ nhằm tiêu tán năng lượng sóng và hạn chế sóng phản xạ tác động lên cấu kiện. Bên cạnh đó, việc các cấu kiện đục lỗ rỗng giúp dễ thu bùn, cát, gây bồi, tạo bãi. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, kết quả khảo sát thực địa cho thấy, sau ba năm sử dụng, đê giảm sóng bảo vệ bờ biển Cồn Cống cho hiệu quả chống xói lở bờ biển rõ rệt.
Hiện, tỉnh Tiền Giang đang triển khai công trình xử lý xói lở bờ biển ứng dụng công nghệ này tại khu vực Cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) với chiều dài 6km. Trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Công trình dài khoảng 5,4km, tiếp tục ứng dụng công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng. Điều này mở ra triển vọng nhân rộng mô hình, bao phủ toàn bộ bờ biển Gò Công, vừa chống sạt lở bờ biển, vừa góp phần khôi phục diện tích rừng phòng hộ đã mất từ trước, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.