Bà Samia Suluhu Hassan đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ở Thủ đô Dar es Salaam sau khi người tiền nhiệm là ông John Pombe Magufuli qua đời vì bệnh tim ngày 17-3. Trước đó, bà Hassan giữ chức Phó Tổng thống Tanzania. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 2000 sau khi được bầu làm đại biểu vùng Zanzibar, quần đảo quê hương của bà. Năm 2010, Tổng thống Jakaya Kikwete đã bổ nhiệm bà làm Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên hiệp và vào năm 2014, bà được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, được giao nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp mới của Tanzania. Năm 2015, ông Magufuli đã chọn bà Hassan tham gia liên minh tranh cử, khi đó được xem là một lựa chọn bất ngờ trước nhiều thành viên nổi bật hơn của đảng Chama Cha Mapinduzi (CCM) cầm quyền.
Với những kinh nghiệm chính trường dày dặn, bà Hassan được xem là một nhà lãnh đạo có khả năng kêu gọi sự đồng thuận với “giọng nói nhẹ nhàng, đầm ấm”. Theo Reuters, phong cách lãnh đạo của bà được coi là sự tương phản với ông Magufuli, người có biệt danh “Máy ủi”, nổi danh với các chính sách cứng rắn và vấp phải nhiều chỉ trích vì sự cứng rắn đó. Trong lễ nhậm chức, bà tuyên bố: “Đây là thời điểm để nhân dân Tazania sát cánh cùng nhau và đoàn kết. Đã đến lúc chúng ta xóa bỏ sự khác biệt và thể hiện tình yêu thương, cùng tự tin nhìn về phía trước”.
Là một trong số ít phụ nữ có cơ hội tiếp cận nền giáo dục đầy đủ bởi thời điểm mà bà đi học, vẫn có rất ít nữ sinh ở Tanzania vượt qua được định kiến về vai trò truyền thống làm vợ, làm mẹ hoặc vai trò nội trợ để có khả năng theo đuổi con đường học vấn. Do đó, uy tín của bà tạo dựng được không chỉ dựa trên kinh nghiệm chính trường mà từ những trải nghiệm cá nhân quý báu. Với trọng trách mới, bà Hassan trở thành nữ nguyên thủ quốc gia thứ hai ở châu Phi, cùng nữ Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde. Đây cũng được xem là những tín hiệu tích cực với nỗ lực thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở “lục địa đen”.
Các nhà phân tích cho rằng, bà Hassan sẽ phải đối mặt nhiệm vụ hàn gắn những chia rẽ trên chính trường, đồng thời phát huy vai trò của mình để điều hành đất nước một cách hiệu quả. Thách thức trước mắt còn nằm ở việc Chính phủ của bà đối phó đại dịch như thế nào, do bà sẽ phải đưa ra giải pháp về việc có mua vaccine Covid-19 cho đất nước 58 triệu dân hay không. Cho đến nay, Tanzania vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch nào về việc này. Dưới thời cố Tổng thống Magufuli, giới chức Tanzania chưa áp dụng triệt để những biện pháp phòng, chống sự lây lan của Covid-19.
Tuy nhiên, đây cũng là tình hình chung ở nhiều nước “lục địa đen”. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đến nay, mới chỉ có 38 quốc gia châu Phi nhận được hơn 25 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế phân phối toàn cầu Covax và 30 nước trong số đó đã bắt đầu tiêm chủng hàng loạt. Người dân Tanzania cũng kỳ vọng nhà lãnh đạo mới sẽ đưa ra quyết định dựa theo căn cứ khoa học và tư vấn của các chuyên gia, thông qua đó chuẩn bị cho quốc gia này hướng tới một kế hoạch tiêm chủng phù hợp.