ÐIỀU 2, Dự thảo Hiến pháp xác định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân". Ðặt vấn đề kiểm soát quyền lập pháp do Quốc hội (QH) thực hiện, thực chất là tôn trọng quyền lực thuộc về nhân dân. Quy định mới của Dự thảo về Hội đồng Hiến pháp (HÐHP) là một giải pháp tốt cho nhân dân thực hiện quyền kiểm soát đối với việc thực thi quyền lực của mình. Ðể tránh tình trạng sự tồn tại của HÐHP chỉ là hình thức, thì không nên coi HÐHP là một cơ quan của QH. Sau khi được thành lập, HÐHP cần có vị trí tương đối độc lập với QH, có quyền kiểm tra tính hợp hiến đối với các văn bản pháp luật do QH ban hành và không dừng ở việc "kiến nghị" QH xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp như Ðiều 120 của Dự thảo. Vì vậy, Ðiều 120 của Dự thảo Hiến pháp cần sửa đổi theo hướng thay từ "kiến nghị" bằng từ "yêu cầu". Cụ thể, khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của QH có vi phạm Hiến pháp, HÐHP yêu cầu QH phải thực hiện lại thủ tục xem xét, biểu quyết thông qua văn bản quy phạm pháp luật của mình. Ðể có thể thực hiện được quyền này, Hiến pháp cần quy định, các thành viên của HÐHP đều phải được QH bầu theo một quy trình chặt chẽ, bảo đảm đúng tính chất là cơ quan thực hiện quyền giám sát của dân. Ngoài ra, Hiến pháp có thể dự liệu biện pháp xử lý mang tính kỹ thuật pháp lý trong trường hợp HÐHP phát hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, nhằm tăng cường sự cẩn trọng đối với hoạt động lập pháp. Ðó là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai, về sự phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước giữa QH và Chính phủ cần phải phân biệt đặc tính của quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ðiều 75 của Dự thảo Hiến pháp quy định QH có nhiệm vụ "Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia;...". Tuy nhiên, việc đưa ra các chính sách phát triển mọi mặt của đời sống xã hội thiên về quyền hành pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Vai trò của QH đối với vấn đề này là xem xét thông qua hoặc không, bảo đảm quyền giám sát của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân đối với hoạt động hành pháp của Chính phủ đồng thời xác định được vị trí của Chính phủ đó là cơ quan chấp hành của QH. Việc hoạch định và đưa ra được các chính sách phát triển của đất nước là trách nhiệm của Chính phủ. Như vậy, với Ðiều 75 của Dự thảo Hiến pháp, chúng tối kiến nghị nên thay các từ "quyết định" trong các khoản 3; 4; 5 thành cụm từ "phê chuẩn".
Thứ ba, tăng cường kiểm soát của cơ quan tư pháp đối với cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Hiện nay, Dự thảo Hiến pháp đã có rất nhiều quy định về sự kiểm soát của QH đối với Chính phủ. Tuy nhiên, về thực chất, tất cả những quy định về vấn đề này, cũng như việc Chính phủ phải báo cáo công tác trước QH lại không thật sự có ý nghĩa nhiều cho việc kiểm soát, ngăn ngừa sự lạm quyền của hành pháp. Ngược lại, ở góc độ nhất định, các quy định lại có tính hợp pháp hóa các hoạt động của hành pháp để quyền hành pháp trở nên mạnh mẽ hơn và dễ thoái bỏ trách nhiệm hơn. Cho nên, việc ngăn ngừa lạm quyền của hành pháp rất cần có sự tham gia của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Khẳng định vị trí, chức năng của Tòa án tại Ðiều 107 của Dự thảo Hiến pháp, Tòa án Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát ngăn ngừa lạm quyền của hành pháp. Ở mức độ nhất định, theo chúng tôi, Ðiều 107 vẫn cần bổ sung thêm khoản quy định về quyền xét xử đặc biệt của Tòa án đối với hành vi vi hiến của bất kỳ quan chức nào của hệ thống hành pháp, có quyền phán quyết về tính hợp pháp của các quyết định áp dụng pháp luật do chủ thể thực hiện quyền hành pháp ban hành. Song, để có thể hoàn thành tốt vai trò này, Tòa án cần phải có sự hỗ trợ của các quy định khác của Hiến pháp nhằm bảo đảm tính độc lập của Tòa án, tránh sự lệ thuộc vào cơ quan thực hiện quyền hành pháp.
Thứ tư, việc kiểm soát quyền tư pháp hữu hiệu nhất có lẽ nằm trong vấn đề hoàn thiện quy trình tố tụng. Ở góc độ này, xin được góp ý trực tiếp với quy định tại khoản 5 Ðiều 108 của Dự thảo. Ðiều 108 của Dự thảo quy định "Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm". Quy định này cần được sửa lại là "Nguyên tắc tranh tụng cần được bảo đảm trong quá trình xét xử các vụ án". Quy định như vậy mới thật sự bảo đảm mục đích của nguyên tắc tranh tụng, là cơ sở cho đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia tranh tụng ngay từ khi Tòa án thụ lý vụ án, bảo đảm tính khách quan của hoạt động xét xử, mục đích kiểm soát quyền tư pháp được thực hiện.