PGS,TS Bùi Hoài Sơn:

Khởi sắc nhờ chung tay phát triển văn hóa

Tròn một năm đã qua từ khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đời sống văn hóa nước nhà đã có những sắc màu, không khí mới với những biến chuyển trong nhận thức, định hướng và kiến tạo ở nhiều cấp, ngành. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 được người dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: KHIẾU MINH
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 được người dân Thủ đô nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: KHIẾU MINH
Khởi sắc nhờ chung tay phát triển văn hóa ảnh 1

Phóng viên (PV): Theo quan sát của ông, đời sống văn hóa nước nhà đã có những thay đổi cụ thể ra sao?

PGS, TS Bùi Hoài Sơn (BHS): Qua một năm, chúng ta đã nhìn thấy sự khởi sắc đáng kể của nền văn hóa nước nhà. Đầu tiên phải kể đến quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong phát triển văn hóa, được thể hiện qua việc ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tổ chức các hội nghị, hội thảo do các cơ quan Trung ương, như: Quốc hội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...; hay nỗ lực của các địa phương như Hà Tĩnh, Bắc Ninh... trong tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh, xác định mức đầu tư lớn hơn 2% chi thường xuyên trong Chiến lược.

Đặc biệt là Hà Nội đã ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tư khoảng 14 nghìn tỷ đồng cho di sản văn hóa. Thực tế đời sống văn hóa càng giúp cho chúng ta có sự tin tưởng nhiều hơn vào sự khởi sắc của văn hóa khi các sự kiện lớn được tổ chức, tạo tinh thần phấn khởi cho toàn xã hội như lễ đón bằng di sản thực hành then Tày, Nùng, Thái hay di sản xòe Thái được UNESCO ghi danh, các liên hoan phim quốc tế, các tuần lễ sáng tạo hay rất nhiều các sự kiện du lịch văn hóa ở các vùng miền... Tất cả cho chúng ta niềm tin rằng, quyết tâm đưa văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội đang được chúng ta thực hiện tốt.

PV: Thế còn trên các lĩnh vực nghệ thuật thì sao, thưa ông?

BHS: Các lĩnh vực nào nghệ thuật cũng có sự phát triển mới, một vài lĩnh vực có những sự đột phá. Như điện ảnh chẳng hạn, có nhiều bộ phim Việt Nam ra rạp, góp phần đưa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với mọi người. Rõ ràng khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh thì chúng ta không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí mà qua đó là những bài học nhân văn của xã hội, tinh thần của văn hóa được truyền tải. Trong lĩnh vực âm nhạc có nhiều bài hát truyền cảm hứng, mang hương vị văn hóa Việt Nam được phổ biến rộng rãi. Trong lĩnh vực mỹ thuật, chúng ta có nhiều triển lãm khác nhau, tạo ra hoạt động nghệ thuật phong phú, để dựa vào đó chúng ta có một đời sống tinh thần thoải mái, tích cực hơn.

Văn học là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm, trong đó có nhiều giá trị được kết tinh trong tác phẩm, từ đó rèn luyện tinh thần và truyền cho con người yếu tố nhân văn để có thêm định hướng tốt đẹp trong cuộc sống. Năm vừa qua, chúng ta đã kỷ niệm Ngày Xuất bản Việt Nam, trong đó giới thiệu nhiều tác phẩm văn học hay, dấu ấn để lại qua thời gian, là tài sản vô giá trong hành trang tri thức của dân tộc. Hy vọng rằng, từ ngày kỷ niệm Ngày Xuất bản Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm quyết tâm, động lực để phát triển văn học có những tác phẩm hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, sẽ kết tinh được dấu ấn quá trình mà chúng ta thực hiện thành công trong những năm qua.

Tất cả các hoạt động sôi nổi thời gian qua chứng minh rằng, chúng ta đã vượt qua đại dịch Covid-19 để bắt tay vào cuộc sống mới với tinh thần phấn chấn hơn, động lực tinh thần tốt hơn, nhờ đó xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII.

PV: Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một vấn đề, đại ý: lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến văn hóa… Dưới góc nhìn của ông, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương đã có mức độ quan tâm đến văn hóa như thế nào?

BHS: Tôi nghĩ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những thông điệp quan trọng về văn hóa đã thật sự có tác động tích cực đến nỗ lực của lãnh đạo các cấp trong phát triển văn hóa. Sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các cấp rất có ý nghĩa để chúng ta thực hiện các hành động cụ thể. Tôi rất ấn tượng với hai hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Hà Tĩnh và Bắc Ninh. Đây là hai tỉnh có những nét văn hóa hết sức độc đáo và có thể trở thành nguồn lực cho sự phát triển địa phương trong giai đoạn tới. Với Bắc Ninh, việc tỉnh quyết định đầu tư 4% ngân sách chi thường xuyên cho văn hóa là con số vượt ngoài mong đợi với những người yêu văn hóa. Chắc chắn trong thời gian tới với hiệu ứng “trăm hoa đua nở” các tỉnh, thành phố còn lại sẽ có những hội nghị văn hóa.

Hà Nội là bài học đặc biệt khác khi văn hóa Hà Nội là niềm tự hào của cả nước. Việc có được danh hiệu thành phố sáng tạo năm 2019 càng giúp cho Hà Nội thêm quyết tâm xây dựng thành phố thành Thủ đô văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực và sẽ vươn ra thế giới. Bên cạnh Nghị quyết 09 về công nghiệp văn hóa của Thành ủy, bất cứ ai tham gia vào lễ hội sáng tạo Hà Nội 2022 vừa qua sẽ thấy tinh thần sáng tạo đã thấm đẫm trong từng góc phố, con đường, công dân và cả mỗi tế bào của thành phố. Người dân Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ, những chủ nhân tương lai, hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các sự kiện nghệ thuật. Đây là những chi tiết hết sức quan trọng để chúng ta biến tinh thần sáng tạo của văn hóa trở thành lực lượng dẫn dắt sự phát triển của xã hội, tạo nên tinh thần, hệ điều tiết cho sự phát triển của đất nước.

PV: Trong tháng 12 tới đây, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ khai mạc. Ông đánh giá thế nào về sự gợi mở “kế sách” từ Hội thảo này với lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương?

BHS: Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức, sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa cũng như việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chính là nơi phù hợp nhất để lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, từ đó, trực tiếp đưa những ý kiến, kết luận của hội thảo vào thực tiễn cuộc sống qua việc ban hành luật pháp, chính sách và giám sát các hoạt động phát triển văn hóa. Từ sự chuyển biến về luật pháp, chính sách lớn đối với văn hóa như khai thông nguồn lực tài chính, con người, hạ tầng cho văn hóa, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển văn hóa. Tôi nghĩ, với tầm quan trọng và ý nghĩa đó, hội thảo lần này sẽ là một dấu mốc quan trọng tiếp theo để chúng ta tiếp tục phát triển văn hóa Việt Nam xứng đáng với tầm vóc của thời đại Hồ Chí Minh.

PV: Xin cảm ơn ông!