Sách cho tuổi thanh thiếu niên:

Khoảng trống phía sau những con số

Sách cho lứa tuổi thanh thiếu niên luôn là phân khúc được xã hội quan tâm và cũng luôn chứa đựng sự biến động nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, sách dịch chiếm tỷ lệ lớn trong lượng phát hành của dòng sách này.
0:00 / 0:00
0:00
Bạn đọc xếp hàng đợi mua truyện tranh Nhật Bản Chú thuật hồi chiến của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: CTV
Bạn đọc xếp hàng đợi mua truyện tranh Nhật Bản Chú thuật hồi chiến của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: CTV

Tiềm năng lớn và độ phân hóa cao

Trong độ tuổi từ 13 đến dưới 18 tuổi, các em đã muốn tự quyết đọc, xem, nghe gì. Những gợi ý, hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô mang tính tham khảo. Những chia sẻ của bạn bè cùng trang lứa và đặc biệt là sự dẫn dắt của truyền thông xã hội có tác động lớn đến quyết định của các em. Đây cũng là lứa bạn đọc "dễ chịu" của các nhà xuất bản, nhà sách... Bởi, đây là nhóm bạn đọc có tiềm năng rất lớn; chỉ riêng căn cứ vào số lượng học sinh cấp trung học phổ thông đã lên tới hơn 2,8 triệu em, chưa kể tới một phần không nhỏ bạn đọc thuộc tuổi này trong hơn 6 triệu học sinh cấp trung học cơ sở. Thêm nữa, không chỉ đông đảo về số lượng mà độ tuổi này còn có nhiều điểm tương đồng về tâm sinh lý, có thời gian để đọc và có sự ham thích đọc, có điều kiện mua sách để đọc do thường nhận được sự khuyến khích đọc của phụ huynh.

Bên cạnh đó, chủ trương liên kết xuất bản đã tạo cơ hội cho các nhà xuất bản và hàng trăm nhà sách, công ty kinh doanh sách cùng tham gia thị trường sách rất giàu tiềm năng này. Chính vì vậy, sự phong phú của sách cho tuổi thanh thiếu niên là điều dễ hiểu. Mỗi đơn vị kinh doanh sách đều chủ động lựa chọn hướng đi riêng của mình, tự tạo ra phân khúc cho mình, để tránh cạnh tranh quá gay gắt và đồng thời dễ tạo thương hiệu. Có nhà sách đi sâu vào dòng sách tham khảo học ngoại ngữ mà phổ biến là tiếng Anh, có công ty lại hướng đến loại sách tham khảo về kỹ năng sống, tâm lý tuổi mới lớn, có đơn vị tập trung vào dòng sách hướng bạn đọc trẻ tới sự cân bằng trong thế giới nội tâm, tìm đến thế giới tự nhiên, gần gũi hơn với thiên nhiên. Tuy nhiên, trên bình diện chung, phổ biến hơn cả là dòng sách truyện tranh Nhật Bản (manga), truyện tranh nước ngoài (comic) và dòng tiểu thuyết ngắn, dễ đọc chủ yếu đề cập đến các vấn đề, câu chuyện học đường (light novel) cũng có xuất xứ từ Nhật Bản. Chỉ cần lướt qua một số website bán sách quen thuộc của bạn đọc lứa tuổi này như của Nhà xuất bản Kim Đồng, Fahasa, hay trên sàn giao dịch điện tử Tiki, Shopee, dễ thấy dòng sách đó chiếm vị trí nổi bật, từ các đề mục tra cứu sách bán chạy nhất, sách mới ra hay combo truyện tranh…

Theo bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty bản quyền sách Con sóc: "Thật ra sách manga và light novel của Nhật Bản không chỉ tạo thành cơn sốt với bạn đọc trẻ Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Đó là một thế giới mới mẻ, kỳ lạ, thỏa mãn được sự hiếu kỳ, bay bổng và phiêu du của các bạn tuổi mới lớn". Từ thực tiễn công việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập của Nhà xuất bản xác nhận, light novel là một trong hai mảng sách được bạn đọc của nhà xuất bản quan tâm, mảng sách còn lại là tự trau dồi (self-help), kiến thức kỹ năng sống, tản văn. "Mảng light novel thì có rất nhiều lợi thế từ các sản phẩm hỗ trợ khác như phim ảnh, các bộ truyện manga… nên thông tin đến với các bạn cũng nhiều và đầy đủ hơn" - bà Liên cho biết.

Vì sao sách dịch vẫn chiếm ưu thế?

Việc cập nhật dễ dàng thông tin và dư luận xuất bản ở nước sở tại là Nhật Bản và các nước "nhập khẩu" dòng sách này đã tạo điều kiện cho những đơn vị nhà xuất bản và liên kết xuất bản khác ở trong nước đầu tư, mua bản quyền nhiều nội dung. Riêng mảng sách light novel, hiện có ít nhất tám nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản tham gia sản xuất và phát hành, thậm chí có đơn vị hầu như chỉ chuyên doanh dòng sách này. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, bà Liên đã thẳng thắn so sánh, như một cách kiến giải vì sao sách dịch chiếm ưu thế trong thể loại sách dành cho thanh thiếu niên: "Các tác giả trong nước vẫn có xu hướng viết về cuộc sống học tập, sinh hoạt thường ngày và mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đọc của đối tượng này. Các tác phẩm bản quyền thì đáp ứng được sự phong phú, có thêm các đề tài ở thể loại giả tưởng, khoa học viễn tưởng, hài lãng mạn, thanh xuân vườn trường…".

Dòng sách về kỹ năng sống, tự trau dồi cũng chủ yếu là sách dịch. Như đã đề cập ở trên, đây cũng là dòng sách được lứa tuổi này quan tâm nhiều. Theo bà Trần Thị Nga, công ty của bà hỗ trợ giao dịch bản quyền xuất bản sách nước ngoài cho các đơn vị xuất bản và liên kết xuất bản ở Việt Nam, trong ba năm qua, riêng mảng sách dành cho tuổi mới lớn và thiếu nhi, có khoảng 1.000 đầu sách được giao dịch thành công, trong đó thể loại chính là sách kiến thức-khoa học, kỹ năng sống, văn học, sách tương tác, phát triển tư duy… "Đến 90% số sách dành cho tuổi mới lớn và thiếu nhi là sách dịch" - bà Nga nhận định.

Thực tế này đã cho thấy khoảng cách giữa người lớn/cây viết người lớn với lứa tuổi mới lớn và thiếu nhi. Đây là điều rất cần được các ngành chức năng quan tâm một cách thiết thực. Bên cạnh đó, nhìn rộng ra, ngành xuất bản là một trong những lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, và cũng như nhiều lĩnh vực khác, thật khó để nói về một sự phát triển bền vững đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc nếu trong đó, sản phẩm "nhập khẩu" luôn chiếm tỷ trọng lớn, cho dù đã có sự "cân nhắc và lựa chọn các yếu tố về khác biệt văn hóa" của người khai thác bản quyền.