MỚI nhất, ngày 17/12, nước Đức khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền bắc Niedersachsen, một hệ thống đường ống dẫn khí dài 26km, vừa được hoàn tất sau 10 tháng khởi công.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định: Đây là "dấu hiệu tốt cho toàn thế giới, thể hiện rằng nền kinh tế Đức sẽ có thể tiếp tục duy trì sự vững mạnh" về sản xuất, cũng như đối phó các thách thức.
Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này. Và với các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng tương tự đã và đang được triển khai xây dựng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức được kỳ vọng sẽ "không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga".
Tuy nhiên, ở một diễn biến song song, cho đến ngày 19/12, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chia rẽ sâu sắc quanh đề xuất áp giá trần đối với khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu có nguồn gốc từ Nga (ở mức 275 euro/MWh), như đã từng chia rẽ sâu sắc quanh chuyện áp giá trần lên dầu mỏ Nga trước đó.
VẤN đề cũng không có gì khó giải thích. Ngày 18/12, theo Hãng Bloomberg, việc từ bỏ khí đốt của Nga liên quan tình hình Ukraine đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD. Bloomberg thậm chí còn đánh giá: Đây mới chỉ là khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều năm qua, khi các hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh có thể phải đối mặt tình trạng mất điện, hoặc không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng.
Không phải nền kinh tế nào thuộc EU cũng có thể chống đỡ nổi với áp lực ấy. Và bên ngoài EU - một trong những cỗ "động cơ" quan trọng nhất của guồng máy kinh tế toàn cầu, rất nhiều kết cấu kinh tế-xã hội khác cũng phải chịu "vạ lây", từ thực tế giá năng lượng tăng vọt.
Một cách ngắn gọn: Giá dầu khí (năng lượng/nhiên liệu) tăng, cũng có nghĩa là chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển tăng, đồng thời chi phí sinh hoạt cũng như các chỉ số liên quan lạm phát cũng "kéo nhau" tăng chóng mặt.
Vào những thời điểm khó khăn nhất trong năm 2022, ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền đông Ukraine bùng nổ, giá dầu liên tục "đội trần" lên trên mức 100 USD/thùng, rồi tiếp tục được ghìm giữ ở mức hơn 90 USD/thùng suốt những tháng kế tiếp. Hệ thống kinh tế toàn cầu còn chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau các tác động khủng khiếp của hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đã lại đối diện thử thách khắc nghiệt gấp bội.
Hệ quả trực tiếp, đơn cử dự báo của Bộ Tài chính Đức ngày 16/12: Thâm hụt ngân sách của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - trong năm 2023 có thể tăng lên mức 3,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do buộc phải chi những khoản lớn để đối phó khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Cùng trong năm 2022, bởi sự bóp nghẹt nguồn cung năng lượng (dầu mỏ và khí đốt) từ Nga (nhà cung cấp lớn hàng đầu thế giới), lạm phát ở Anh lên đến mức 11,1%, cao nhất trong vòng 40 năm; lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng vượt 10%. Còn tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (FED) liên tục phải có những điều chỉnh cấp thiết.
Song, trong ngắn hạn, chưa có phương án nào tối ưu để phương Tây (nghĩa là những khu vực kinh tế dẫn đầu thế giới, trừ Đông Bắc Á) kịp bổ sung và thay thế những "nguồn máu" mới cho mình.
NÓI như một số nhà chuyên môn, "thế trận giằng co" đã thay đổi (trong cuộc chiến mà năng lượng được sử dụng như một thứ vũ khí), sau khi đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức mang tên "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2) phát nổ cuối tháng 9 mà chưa rõ nguyên nhân.
Cho dù trong năm 2020, Nga cung cấp tới 29% lượng dầu thô, 43% lượng khí tự nhiên cùng 54% lượng nhiên liệu hóa thạch rắn cho EU, thì sau sự vụ Nord Stream 2, châu Âu vẫn không còn cách nào khác là phải dứt khoát đoạn tuyệt với nhà cung cấp năng lượng lớn nhất, "nguồn máu" dồi dào và quen thuộc nhất bơm vào những "mạch máu" kinh tế của mình, để đa dạng hóa nguồn cung từ những nhà cung cấp khác.
Song, trong khi đó, theo tuyên bố mới nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) vẫn kiên quyết (không những không tăng mà còn) cắt giảm sản lượng hai triệu thùng/ngày từ cuối tháng 11, nhằm bảo đảm lợi nhuận. Chính OPEC dự báo: Nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên 101,8 triệu thùng/ngày. Còn theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày, lên 101,6 triệu thùng/ngày. Trong bối cảnh đó, kể cả khi đã bị áp giá trần dầu mỏ, nước Nga (thành viên chủ chốt của OPEC+) vẫn có thể ung dung tác động vào cuộc chơi, theo những cách thích hợp.
Và trong khi đó, EU cũng vẫn phải "nghiến răng" nhập khẩu gần 40 tỷ m3 LNG từ Mỹ (cũng như một lượng lớn dầu mỏ), với giá cao gấp bội. Những biện pháp hạn chế sử dụng nhằm tiết kiệm năng lượng ở EU, có lẽ, sẽ không có cách nào sớm dỡ bỏ. Tất cả, trái với những tuyên bố lạc quan của Thủ tướng Đức, đều gợi lên những viễn cảnh u ám của sự suy kiệt.
Mà trong thế giới phẳng hiện tại, nếu EU kiệt sức bởi cơn khát năng lượng, cả guồng máy kinh tế (đầu tư, sản xuất, vận chuyển…) toàn cầu cũng sẽ chẳng thể bình an.