Kế hoạch “giải cứu” Trái đất của NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa tiết lộ các chi tiết trong kế hoạch trong vòng hơn ba năm tới sử dụng tàu vũ trụ làm chệch hướng hai tiểu hành tinh để chúng không va chạm vào Trái đất.

Trái đất có nguy cơ va chạm với các tiểu hành tinh. Ảnh: FORBES
Trái đất có nguy cơ va chạm với các tiểu hành tinh. Ảnh: FORBES

AP cho biết, vào tháng 10-2022, dự án Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh (DART) của NASA nhằm mục đích “nắn” quỹ đạo của tiểu hành tinh ra khỏi hướng đi tới Trái đất dự kiến được triển khai. Mục tiêu của DART là một cặp tiểu hành tinh có tên “Didymoon”, bao gồm tiểu hành tinh “Didymos B” dài khoảng 150 m xoay quanh một hành tinh lớn hơn tên là “Didymos A”.

Theo NASA, tàu vũ trụ thuộc dự án DART được thiết kế để tác động lên bề mặt của Didymoon và tạo ra sự thay đổi có thể quan sát được trên quỹ đạo của nó. Cho tới thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể chắc chắn về thành phần cấu tạo (đá rắn, đá vụn hoặc cát mềm) của cặp tiểu hành tinh Didymoon để đưa ra phương án tối. Về lý thuyết, cấu tạo của Didymoon nếu mềm sẽ hấp thụ phần lớn lực tác động và có thể không bị đẩy mạnh như khi tàu vũ trụ đâm vào bề mặt cứng hơn.

Theo kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ tiếp cận mục tiêu để chụp ảnh và gửi về NASA. Thiết bị nặng khoảng 500 kg này dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào tháng 7-2021, muộn hơn thời gian phóng dự kiến trước đó là tháng 12-2020. Tàu sẽ tự đâm vào tiểu hành tinh với vận tốc khoảng 6 km/giây. Mặc dù chỉ tác động một phần rất nhỏ nhưng đủ lớn để tạo ra một sự thay đổi đáng kể về đường đi của Didymoon.

Tiểu hành tinh Didymos A được quan sát thấy lần đầu vào năm 1996, trong khi Didymos B được biết đến vào năm 2003, khi cặp đôi này tiếp cận Trái đất ở khoảng cách cực gần (khoảng 7,18 triệu km). Theo các nhà khoa học, nếu không có gì tác động, cặp đôi tiểu hành tinh này sẽ đe dọa Trái đất ở khoảng cách gần hơn nữa vào năm 2123 (chỉ 5,9 triệu km), sau đó ngày càng thu hẹp khoảng cách với Trái đất và không có gì bảo đảm rằng sẽ không xảy ra va chạm.