Internet kết nối vạn vật

Kỳ 1: Kết nối để thay đổi

Năm 1999, khi kỹ thuật viên người Anh Kevin Ashton đưa ra thuật ngữ “Internet of Things” (Internet vạn vật - IoT) đề cập tới mạng lưới kết nối mọi thứ liên quan cuộc sống con người thông qua internet, nhiều người đã coi đó là một điều bất khả thi. Sau gần hai thập niên, IoT giờ đây đang dần thành hiện thực.

Sản xuất là lĩnh vực ứng dụng IoT lớn nhất. Ảnh SPUTNIK.
Sản xuất là lĩnh vực ứng dụng IoT lớn nhất. Ảnh SPUTNIK.

“Siêu ý tưởng” thành hiện thực

Ông Kevin Ashton là nhà sáng lập Trung tâm Auto-ID tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ. Năm 1999, trong một hội thảo, Kevin Ashton đã đưa ra thuật ngữ “IoT”. Đây là tập hợp của tất cả các thiết bị có thể kết nối với các trang web thông qua internet, cho phép thu thập, gửi và xử lý thông tin ở môi trường chung quanh chúng. Các thiết bị này được tích hợp với các bộ cảm biến, bộ xử lý của máy tính và những phần mềm có thể tương tác với nhau. Chúng được giới khoa học gọi là những thiết bị “được kết nối” hay những thiết bị “thông minh”. Dữ liệu từ thiết bị “thông minh” truyền tới các thiết bị khác làm nên quá trình gọi là M2M (machine-to-machine). “IoT là sự kết hợp của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet”, Kevin Ashton giải thích thêm.

Ban đầu, các chuyên gia tương tác các tiện ích để cài đặt thiết bị IoT, cung cấp cho các thiết bị đó những hướng dẫn, cách lấy dữ liệu. Các thiết bị tự hoạt động trong hầu hết các khâu mà không cần tới sự can thiệp của con người. Ngày nay, IoT cho phép tạo ra khối lượng thông tin khổng lồ trên thời gian thực, điều mà các nhà khoa học chưa từng làm được.

Trong “thời kỳ IoT”, một trong những thay đổi quan trọng hàng đầu là cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0). CMCN 4.0 đang và sẽ có tác động quan trọng đối với tất cả các nền kinh tế. Trong cuộc CMCN 4.0, thông qua các cảm biến được kết nối internet, các thiết bị và một phần hay toàn thể dây chuyền sản xuất ở một nhà máy tại một địa điểm, hay nhiều địa điểm trên toàn cầu của một hay nhiều công ty đều được kết nối với nhau. Mỗi món hàng sẽ có địa chỉ để được nhận dạng thông qua internet.

Do đó, máy móc, thiết bị sản xuất, hàng hóa và những người làm việc bao gồm công nhân, kỹ thuật viên và quản lý được kết nối, tương tác để tự kiểm tra và tự điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất. Các thông tin sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích trong hệ thống máy tính. “Giá trị thật của IoT không phải đến từ các thiết bị, mà là trong việc chuyển đổi dữ liệu thành thông tin hữu ích”, một chuyên gia phân tích khẳng định.

 Internet kết nối vạn vật ảnh 1

Mọi hoạt động của cuộc sống con người sẽ được kết nối nhờ IoT. Ảnh: BLOGSPOT.

Những ứng dụng vượt trội

Đối với con người, nhiều thiết bị, ứng dụng và dịch vụ cải tiến thông minh sẽ làm tăng tiện nghi và an toàn trong cuộc sống như các phương tiện giao thông tự hành, thành phố thông minh với hệ thống điều hành giao thông và bãi đậu xe tự động, hệ thống thông tin kết hợp các giải pháp cảnh báo và chống ngập lụt có kết hợp điều chỉnh tự động, các biện pháp phát hiện nguy cơ và cảnh báo về an ninh thông qua sử dụng camera và phân tích dữ liệu kết nối internet, cùng hàng loạt ứng dụng khác đáp ứng nhu cầu trong giao dịch, y tế, giải trí...

Xét về mặt cơ cấu ngành nghề, sản xuất và giao thông vận tải là hai lĩnh vực ứng dụng IoT lớn nhất, vì trong hai lĩnh vực này, doanh nghiệp rất cần kết nối với chuỗi cung ứng, sản phẩm, khách hàng và cả những công nhân đang làm việc trong các nhà máy. Tại châu Âu, trong lĩnh vực giao thông công cộng, nhiều thành phố đã áp dụng công nghệ để tìm vị trí đỗ xe. Hay tại Boston (Mỹ), các lái xe nhờ vào cảm biến gắn trên smartphone (điện thoại thông minh) để xác định địa hình mặt đường và chọn vận tốc phù hợp. Hầu như các sản phẩm gắn mác “thông minh” đều có thể trở thành một phần trong IoT.

Tuy nhiên, các ngành khác như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng... dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kép hằng năm cao nhất. Với thiết bị đeo tay cho phép theo dõi sức khỏe, bạn sẽ nhận được cảnh báo mỗi khi mở tủ lạnh lấy đồ uống. Thiết bị đeo tay này còn nhắc nhở người sử dụng qua ứng dụng trên smartphone mỗi khi tủ lạnh gặp trục trặc. Tủ lạnh thông minh có thể cập nhật số lượng, tình trạng thực phẩm và tự đặt hàng những nguyên liệu vừa hết. Một chiếc bếp thông minh trên nền tảng IoT có thể báo lượng nhiên liệu tiêu thụ, mức độ hư hỏng và đặt hàng linh kiện thay thế tới các cửa hàng gần nhà nhất. IoT sẽ giúp thu thập dữ liệu và xử lý được nhiều công việc.

Một trong những thiết bị IoT đang được nhiều người chú ý là “CEdot Crash Sensor”. Thí dụ, nếu một người lái mô-tô mang mũ bảo hiểm có tích hợp CEdot Crash Sensor, người đó bị ngã xe, đầu đập lên vỉa hè thì thiết bị CEdot Crash Sensor gắn trên mũ bảo hiểm sẽ gửi tín hiệu đến điện thoại của cứu hộ, cảnh sát, bạn bè và người thân để báo tin. Thiết bị này cũng tự động phát hiện mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn dựa trên sự va đập.

Hay “Nest Thermostat” - thiết bị tự điều chỉnh nhiệt độ và hoạt động trong nhà. Nest Thermostat sử dụng mạng không dây wifi, cho phép người sử dụng truy cập và kiểm soát nhiệt độ ngay cả khi đang xa nhà. Khi lần đầu sử dụng thiết bị này, chỉ cần sử dụng tính năng bật, tắt cho máy điều hòa hoặc thiết lập lịch bật, tắt tự động. Nest Thermostat cũng có thể tìm hiểu thói quen của chủ nhà, vì vậy thiết bị có thể sử dụng bộ cảm biến chuyển động để tự động điều chỉnh nhiệt độ. Ngoài việc cung cấp khả năng kiểm soát nhiệt độ thông qua ứng dụng trên smartphone, Nest Thermostat còn phân tích nhiệt độ cơ thể của chủ nhân ngôi nhà khi họ thức, ngủ, ở nhà,... từ đó điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Thiết bị này cũng gửi email cho người sử dụng mỗi tháng để họ biết đã tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường (IDC) của Mỹ, cách đây bốn năm, thị trường IoT toàn cầu đạt mức giá trị 485,6 tỷ USD với 3,8 tỷ thiết bị được kết nối internet. Đến năm 2015, thị trường IoT toàn cầu đạt gần 700 tỷ USD. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất của IoT, chiếm tỷ trọng 40%, còn Nam Mỹ và Tây Âu lần lượt đứng ở hai vị trí tiếp theo, với tổng trị giá trên thị trường vào khoảng 250 tỷ USD. Dự kiến, năm 2017, con số này sẽ vượt qua mốc 1.000 tỷ USD và đến năm 2019 sẽ tăng lên hơn 1.700 tỷ USD, với 42 tỷ thiết bị kết nối internet trên toàn cầu. Với viễn cảnh trên, IoT hứa hẹn sẽ thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của nhân loại.

(Còn nữa)