Hợp tác, trong thế cạnh tranh

Không có nhiều tín hiệu lạc quan chờ đợi loài người, trên vòng xoay mới 2023. Và có lẽ, năm 2023 sẽ là một phép thử quan trọng nữa trong dòng chảy lịch sử, để kiểm chứng khả năng hợp tác vượt trên những bất đồng của thế giới, khi đối diện những vấn đề chung.
0:00 / 0:00
0:00
Các tổ chức hợp tác đa phương như BRICS sẽ là xung lực mới của nền kinh tế thế giới năm 2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các tổ chức hợp tác đa phương như BRICS sẽ là xung lực mới của nền kinh tế thế giới năm 2023. Ảnh: AFP/TTXVN

THEO hãng TASS, ngày 26/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu: "Ngay cả bây giờ, thị trường này (khí đốt của Nga) vẫn chưa đóng cửa (cho dù Liên minh châu Âu/EU đã và đang xúc tiến áp giá trần). Thí dụ, chúng tôi có thể tăng đáng kể nguồn cung khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay, vốn đã tăng lên tới 19,4 tỷ m3 trong 11 tháng của năm 2022; và chúng tôi dự kiến sẽ đạt 21 tỷ m3 vào cuối năm 2023".

Lý do được đưa ra là bởi "Tình trạng thiếu hụt khí đốt vẫn còn, và chúng tôi có mọi khả năng để khôi phục nguồn cung cấp. Đơn cử, đường ống Yamal-châu Âu (qua Thổ Nhĩ Kỳ), bị đóng cửa vì động cơ chính trị, vẫn chưa được sử dụng".

Một cách rõ ràng, vị Phó Thủ tướng Nga làm rõ quan điểm của Moscow: Dù mối quan hệ giữa hai bên ở mức rất thấp, thì EU vẫn đang thiếu khí đốt, trong khi Nga cũng vẫn tiếp tục coi châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của mình. Do đó, mọi cánh cửa thông thương trong lĩnh vực năng lượng vẫn đều có thể hé mở trở lại, chỉ cần những lực đẩy từ lợi ích đủ mạnh. Hay nói cách khác, nước Nga không hề muốn cắt đứt hoàn toàn một mối quan hệ thương mại truyền thống. Và ngược lại, rõ ràng, đứng trước bóng ma ám ảnh của "một cuộc khủng hoảng năng lượng mới chỉ bắt đầu", như cách dùng từ của hãng tin tài chính uy tín Bloomberg, thì đối với EU, đây là một thông điệp rất đáng lưu ý, dù Liên minh này có sẵn sàng tiếp nhận hay không.

THẾ giới hiện tại bị giằng xé dữ dội giữa nhu cầu cháy bỏng về hòa bình và ổn định để hướng tới mục tiêu phát triển, với thực trạng bị ngăn cản bởi quá nhiều những xung đột lợi ích. Trong bối cảnh đó, mẫu hình "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" có lẽ không phải là phương án tối ưu để có thể giải quyết dứt điểm đến tận gốc rễ mọi vấn đề. Song, ít nhất, đó vẫn là cách hay để khiến mọi chuyện không mất kiểm soát và rơi vào trạng thái không thể cứu vãn.

Đơn cử, ngày 25/12, ngay sau lời khẳng định rằng nước Nga đủ sức mạnh để "tiêu diệt" các tên lửa Patriot mà Mỹ có khả năng sẽ viện trợ cho Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Dmitry Medvedev, cũng nêu rõ: "Nếu Nga không nhận được các bảo đảm an ninh phù hợp, căng thẳng sẽ kéo dài vô thời hạn. Thế giới sẽ tiếp tục ở bên bờ vực của Chiến tranh Thế giới thứ ba và thảm họa hạt nhân. Nhưng chúng ta sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn những nguy cơ này".

Các cường quốc hàng đầu thế giới, hơn ai hết, hiểu rõ những lằn ranh không thể vượt qua, nếu không muốn chính thức tạo nên sự hủy diệt. Và chỉ cần họ muốn, họ hoàn toàn có thể tạo nên những hình mẫu, như đã từng có trong quá khứ: Mối liên hệ đối đầu về cục diện, nhưng hợp tác ở nhiều khía cạnh khác nhau giữa hai khối, thời Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp nhiệm, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng khẳng định sẽ không "đối đầu và xung đột", dù tiếp tục duy trì cạnh tranh một cách "có trách nhiệm". Mỹ và Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì liên lạc, hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như nợ công, y tế công cộng, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Hợp tác, trong thế cạnh tranh ảnh 1
Bất kể bất đồng hay xung đột, các cường quốc vẫn có trách nhiệm hợp tác với nhau, trước những thách thức liên quan đến sự tồn vong của loài người, như biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP/TTXVN

NHỮNG vấn đề toàn cầu ấy được gộp chung trong khái niệm "các vấn đề an ninh phi truyền thống", và chúng được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết qua những diễn biến của năm 2022.

Bên cạnh đà tăng phi mã của giá năng lượng hay giá lương thực, bên cạnh sự xuất hiện của hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan ở khắp thế giới cùng nguy cơ diệt vong của loài người, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng vẫn còn đó, và những thách thức khác: nhập cư bất hợp pháp, an ninh mạng hay an ninh không gian cũng được các nước ngày một quan tâm. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng những hành động đơn độc của từng quốc gia riêng lẻ không bao giờ là đủ, dù chỉ để bảo đảm duy trì an toàn ở mức tối thiểu.

Chính vì vậy, những nỗ lực thiết kế và siết chặt những mối liên hệ hợp tác theo hướng đa phương hóa, quốc tế hóa, toàn cầu hóa cũng vẫn sẽ là khuynh hướng chủ đạo ở năm mới 2023.

Dễ hình dung nhất, không gì khác, là các vận động trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, nhằm đẩy lùi nguy cơ suy thoái đã và đang hiện hữu một cách rõ rệt. Đơn cử, trước sức ép từ phương Tây, mối quan hệ kinh tế Nga-Trung mỗi lúc một trở nên khăng khít (với kim ngạch thương mại hai chiều tăng tới 31% trong tám tháng đầu năm 2022). Từ trục cơ bản này, và nhận được sự "tiếp sức" của các biến động thời cuộc, vị thế của khá nhiều khu vực cũng như tổ chức đa phương được nâng cao. Ta có thể kể tới Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) và các đối tác (OPEC+), hay điển hình là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Do đó, 2023 sẽ là một năm chứng kiến những cuộc cạnh tranh toàn diện và gay gắt giữa các trung tâm quyền lực quốc tế, nhưng cũng sẽ sôi động bầu không khí hợp tác, dưới sự thúc đẩy của cả lợi ích lẫn những nguy cơ tồn vong chung.