Phóng viên (PV): Đã để lại dấu ấn với nhiều ca khúc, lý do gì khiến ông ở tuổi 89 lại giới thiệu đến công chúng tác phẩm lớn như vậy?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Được đào tạo tiến sĩ tại Liên Xô, bởi thế, tôi muốn vận dụng kiến thức được học để sáng tác những tác phẩm mang tính bác học có giá trị để lại cho thế hệ sau. Tôi đã viết hợp xướng “Sóng cửa Tùng” vào những năm 1956-1957, rồi giao hưởng “Chiến thắng” từ 1975-1976 và gần đây nhất, thanh xướng kịch “Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô” của tôi được công diễn vào năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
“Bài ca tình yêu” là vở opera đầu tiên tôi viết trong ba năm (từ 2011 đến 2014) dựa trên câu chuyện có thật trong giai đoạn từ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đến trước chiến dịch Mậu Thân 1968. Đây cũng là vở opera thứ bảy về người lính Cụ Hồ được công diễn ở Việt Nam. Viết về người lính trong chiến tranh nhưng tôi không muốn mang đạn bom, chết chóc vào vở mà muốn khai thác khía cạnh tình yêu của họ.
PV: Cụ thể khía cạnh tình yêu của người lính được ông khai thác trong vở “Bài ca tình yêu” thế nào?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Mối tình này khá trắc trở, là mối tình tay ba khi hai người lính bên lương tên Hùng, Dũng cùng đem lòng thương yêu một cô gái bên giáo tên Hiền. Khi chuẩn bị vào chiến trường, Dũng mới vỡ lẽ Hiền đã dành tình cảm cho Hùng mà không hề yêu mình. Hùng, Dũng nhập ngũ vào cùng một tiểu đội, Hùng là tiểu đội trưởng, Dũng là lính của Hùng. Trong một lần hành quân, Hùng ra suối lấy nước uống thì giẫm phải mìn khiến chân anh chảy đẫm máu không thể đi lại được. Như linh tính được mìn nổ, địch sẽ biết được nơi ẩn náu của bộ đội nên Hùng chỉ đạo anh em rút ngay mặc kệ mình ở lại. Trước khi chia tay Dũng, Hùng ra lệnh: “Tao biết mày cũng yêu Hiền, nếu tao có làm sao thì mày thay tao chăm sóc Hiền nhé!”. Mọi người cứ ngỡ lần ấy Hùng đã hy sinh, giấy báo tử cũng đã gửi về tận nhà.
Sáu năm sau đó, Dũng được ra quân trở về nhà với một chiếc chân bị cụt. Hiền có cô em gái tên Thảo kém sáu tuổi rất thương chị nên đã tác thành để cô chị đến với Dũng. Thảo sắp xếp để Dũng gặp Hiền dưới gốc đa đầu đình để tỏ tình. Khi bàn tay của Dũng nắm lấy tay của Hiền thì cũng là lúc loa phát thanh báo Hùng không hy sinh, Hùng đã trở về. Hiền vội rút bàn tay của mình ra khỏi tay của Dũng để đến với Hùng. Lúc này Dũng đã bỏ qua hết mọi tình cảm cá nhân để chạy đến ôm hôn lấy Hùng trong niềm vui mừng khôn xiết. Cái kết độc đáo ở chỗ là trời mưa to, dân làng giải tán, trong khi Hiền tay trong tay Hùng thì Thảo đội mưa đi tìm Dũng. Trong trái tim Thảo đã lóe lên tình yêu với Dũng từ lúc nào không hay. Cô chạy đến và nói: “Anh Dũng ơi, anh không cô đơn đâu!”. Cái kết này rất đúng với “chất” của con người Việt Nam, không muốn ai bị thiệt thòi cả, kể cả trong tình yêu.
Cảnh trong vở diễn. |
PV: Để viết một opera “thuần Việt”, chắc hẳn ông đã phải bám vào chất liệu âm nhạc của người Việt?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Đúng vậy, opera là âm nhạc của phương Tây nên muốn viết cho người Việt thì phải vận dụng dân ca của người Việt. Mặc dù là vở nhạc kịch nhưng tôi đã khai thác những đặc thù rất riêng của nghệ thuật cải lương, tuồng, chèo, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để phù hợp khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tôi nhớ nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng gợi mở cho tôi: “Để sáng tạo ra một thủ pháp mang cá tính riêng phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng”. Có thể nói toàn bộ vở “Bài ca tình yêu” từ kịch bản đến âm nhạc với tính cách các nhân vật thể hiện qua các trạng thái tình cảm hỉ, nộ, ai, lạc đều nằm trong hướng đi, hướng sáng tạo mà tôi học được ở nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
PV: Là người lính nên dường như trong sáng tác của ông dù ở thể loại nào chủ đề xuyên suốt luôn là người lính?
Nhạc sĩ Doãn Nho: Tôi nhập ngũ năm 1950, thế nhưng thực chất thì tôi đã tham gia Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, là liên lạc cho đồng chí Vũ Oanh từ năm 1944, khi đó tôi mới 12 tuổi. Sau đó tôi đã tham gia các mặt trận Tây Bắc, Việt Bắc rồi vượt dãy Trường Sơn vào mặt trận Tây Nguyên. Qua mỗi mặt trận, tôi lại có cảm hứng sáng tác để cổ vũ, động viên người lính trong cuộc chiến khốc liệt phía trước. Hòa bình lập lại, với “độ lùi” thời gian xa hơn giúp tôi có cái nhìn về cuộc chiến, về người lính một cách sâu sắc hơn. Tôi viết về người lính cũng như một cách để “trả ơn” quân đội, “trả ơn” cuộc đời đã cho tôi những tháng ngày được khoác trên mình bộ quần áo xanh, được trở thành người lính Cụ Hồ.
PV: Xin cảm ơn ông và chúc cho vở diễn sẽ nhận được sự đón nhận của khán giả!