Học gì từ chương trình SkillsFuture của Singapore?

Nhiều quốc gia đang áp dụng cách giải quyết đặc trưng khi tiếp cận các thuật ngữ "xã hội học tập" và "học tập suốt đời" mà tại châu Á, Singapore là thí dụ điển hình.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ, học trực tuyến đang là xu thế phát triển của giáo dục thời 4.0. Ảnh: TRẦN HẢI
Ứng dụng công nghệ, học trực tuyến đang là xu thế phát triển của giáo dục thời 4.0. Ảnh: TRẦN HẢI

Vào những năm cuối thế kỷ 20, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên chuyển mình sang nền kinh tế tri thức với việc phấn đấu trở thành trung tâm chất xám đứng đầu thế giới về cả đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và phát minh công nghệ mới. Trong những năm qua, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời là xu thế tất yếu, là mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới. Tại Singapore, câu chuyện này càng cấp thiết hơn hết.

Từ năm 2015, Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình SkillsFuture Singapore (SSG) nhằm cung cấp cho người dân nước này cơ hội phát triển hết khả năng của họ trong suốt cuộc đời. Chương trình này đã phát huy được phong trào học tập suốt đời ở quy mô quốc gia. Các mục tiêu hướng đến của chương trình này: Hỗ trợ công dân có được những lựa chọn đúng đắn về giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng những thay đổi liên tục của thị trường lao động; thúc đẩy sự công nhận của nhà tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp dựa trên kỹ năng và sự thành thạo; thúc đẩy một nền văn hóa hỗ trợ và tôn vinh việc học tập suốt đời.

Bắt đầu với Hệ thống giáo dục và định hướng nghề nghiệp Singapore (Education and Career Guidance - ECG) trong chương trình SSG đã tiếp cận người dân Singapore từ sớm để cung cấp các thông tin hướng nghiệp cần thiết. Đội ngũ hướng nghiệp là các chuyên gia sẽ cung cấp bức tranh tổng thể về diễn biến thị trường lao động, giải đáp thắc mắc về các ngành nghề và tư vấn hướng nghiệp dựa trên các khía cạnh khác nhau của người học cùng lộ trình học phù hợp để theo đuổi mục tiêu học tập suốt đời.

Để có nguồn tài chính thực hiện được việc theo đuổi mục tiêu học tập suốt đời, SkillsFuture trao cho mỗi công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng trị giá 500 SGD (khoảng 8,8 triệu đồng) không có hạn sử dụng để họ chi tiêu cho giáo dục hoặc đào tạo nâng cao. Người dân có thể sử dụng số tiền này để đăng ký các khóa học kỹ năng mới hoặc đào tạo lại kỹ năng đã có.

Nhận thức được rằng không có một tiếp cận nào phù hợp với tất cả, chương trình SkillsFuture đã có những đối tác đào tạo để cung cấp các khóa học tùy chỉnh theo các nhu cầu học tập khác nhau phù hợp các đối tượng tham gia. Thí dụ như việc phân loại các chương trình học phù hợp với giai đoạn của sự nghiệp: giai đoạn đầu sự nghiệp (early-career) và giai đoạn giữa của sự nghiệp (mid-career) hoặc phân loại theo đối tượng học sinh và người đi làm.

Trong các khóa học của chương trình này, một khóa học rất được quan tâm trong thời đại kinh tế số là SkillsFuture for Digital Workplace. Những người tham gia chương trình học này có thể tìm hiểu cách tìm kiếm thông tin trực tuyến và khai thác dữ liệu số; sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để bắt đầu kinh doanh trực tuyến hoặc thậm chí là cách mua sắm trực tuyến và so sánh giá cả.

Bên cạnh đối tượng là các cá nhân thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng là những đối tượng có xu hướng cần được hỗ trợ nhiều hơn về nhu cầu đào tạo của họ, chiếm 96% số các doanh nghiệp đã tham gia các chương trình đào tạo do SSG hỗ trợ. Để giúp các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng năng lực học tập tại nơi làm việc, SSG đã thành lập Trung tâm Quốc gia về học tập tại nơi làm việc (National Centre of Excellence for Workplace Learning - NACE) vào năm 2018. Năm 2022, NACE đã hỗ trợ gần 500 doanh nghiệp. Ngoài ra, hơn 700 doanh nghiệp được hưởng lợi từ sáng kiến ​​SkillsFuture Queen Bee, được giới thiệu vào năm 2020 nhằm cho phép các công ty nhỏ hơn khai thác hướng dẫn và kiến ​​thức chuyên môn của các nhà lãnh đạo trong ngành để nâng cao sự phát triển kỹ năng của nhân viên.

SSG đang triển khai các sáng kiến ​​mới nhằm thu hút các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy hoạt động đào tạo phù hợp nhu cầu của ngành và nâng cao khả năng có việc làm của người lao động. Sáng kiến Công cụ tích hợp Kỹ năng-Việc làm (Jobs-Skills Integrator - JSIT) sẽ làm việc với các đối tác chính để tổng hợp nhu cầu về nhân lực và kỹ năng ở cấp ngành, kích hoạt nguồn cung đào tạo và giúp kết nối lao động có tay nghề với công việc đang có nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chương trình Công nhận kỹ năng tại nơi làm việc (Workplace Skills Recognition - WPSR) sẽ trang bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ những khả năng học tập cơ bản tại nơi làm việc và theo dõi nhanh việc chứng nhận các kỹ năng mà người lao động của họ có được trong công việc.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, SkillsFuture Singapore đạt được những thành công thiết thực thông qua những con số về cá nhân và doanh nghiệp tham gia chương trình. Năm 2022, có khoảng 560.000 cá nhân tham gia các chương trình do SSG hỗ trợ. Trong đó, hơn 192.000 người đã sử dụng Tín dụng SkillsFuture của họ; hơn 32.000 cá nhân tham dự Chuỗi khóa học SkillsFuture; hơn 1.900 cá nhân đã tham dự Chương trình vừa học vừa làm SkillsFuture (với hơn 600 công ty tham gia); 97% trong số khoảng 58.000 học viên được khảo sát cho biết họ có thể làm việc tốt hơn sau khi trải qua khóa đào tạo do SSG hỗ trợ. Cùng năm 2022, có khoảng 20.000 doanh nghiệp tham gia các chương trình do SSG hỗ trợ. Trong đó, hơn 5.000 doanh nghiệp mới sử dụng Tín dụng doanh nghiệp SkillsFuture để bù đắp học phí cho nhân viên của họ; gần 500 doanh nghiệp tham gia chương trình của NACE; hơn 700 doanh nghiệp tham gia SkillsFuture Queen Bee.