Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hoàn thiện luật để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số

Được ban hành và có hiệu lực cách đây đã gần 18 năm, từ Quốc hội khóa XI, Luật Giao dịch điện tử ra đời kịp thời điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong cuộc sống, nhất là trong quá trình hội nhập và "số hóa" mạnh mẽ trên thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh "chuyển đổi số" ở nước ta hiện nay đòi hỏi luật cần sớm được sửa đổi, chỉnh lý cho hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đỗ Văn Yên phát biểu ý kiến tại hội trường về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: MỸ HÀ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đỗ Văn Yên phát biểu ý kiến tại hội trường về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: MỸ HÀ

Đưa ra lấy ý kiến từ kỳ họp trước, kỳ họp thứ IV, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật và đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận trên hội trường kỳ họp thứ 5 sáng 30/5, các đại biểu tập trung bàn về một số nội dung còn nhiều ý kiến tham gia như: phạm vi điều chỉnh, các khái niệm, giải thích từ ngữ, thuật ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành khác, chữ ký số chuyên dùng, cơ quan cấp phép và tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan,…

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (9 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Một số nội dung mang tính đặc thù, chuyên biệt đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Liên quan đến chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không... Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, để bảo đảm tính khả thi, Điều 51 trong dự thảo đã được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật, gồm 7 chương, 54 điều, và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp ý về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm, bảo mật, an ninh, an toàn thông tin của thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử, trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chi phí điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện giao dịch điện tử và điều chỉnh đó là phù hợp. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn những hành vi khác như: tiết lộ dữ liệu, tạo chữ ký số, giả mạo chữ ký số cũng cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, do đó, ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung những hành vi trên vào khoản 6 Điều 9 dự thảo luật để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.

Xuất phát từ thực tế cuộc sống, hiện nay, trên không gian mạng có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đề nghị cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để bảo đảm giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội là vấn đề chuyển đổi dữ liệu bản giấy (quy định tại Điều 15, dự thảo luật). Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, Luật Giao dịch điện tử hiện hành chỉ mới đề cập đến văn bản điện tử trong hệ quy chiếu so với văn bản giấy, trong khi hiện nay đã có văn bản điện tử tồn tại độc lập. Các quy định về giá trị pháp lý chứng thực điện tử mới chỉ mang tính nguyên tắc. Trên thực tế, nhiều hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức vẫn đang xử lý song song giữa văn bản điện tử, văn bản giấy, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Minh chứng cho ý kiến của mình, vị đại biểu này dẫn số liệu theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, chi phí tiết kiệm từ việc sao, chứng thực, di chuyển văn bản giấy, nếu chuyển sang chứng thực điện tử sẽ tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, cần làm rõ cách thức chuyển đổi thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và ngược lại. Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát rõ chủ thể có quyền chuyển đổi giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.

Với phương thức đổi mới chương trình nghị sự, cũng như các dự án luật khác, các đại biểu Quốc hội đề nghị, ban soạn thảo tranh thủ "quãng nghỉ" giữa hai đợt làm việc của kỳ họp lần này, khẩn trương tiếp thu ý kiến, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.