Lệ Quyên - trở về bằng tiếng hát
Theo chồng sang Pháp từ 1989, nhập quốc tịch Pháp, nhưng con gái út của NSND Sỹ Tiến (1916-1982, diễn viên, tác giả, đạo diễn) - ông tổ cải lương Bắc vẫn hướng về Việt Nam bằng tất cả tâm hồn. Sinh trưởng tại phố cổ Hà Nội, Lệ Quyên nổi tiếng từ sớm và được mệnh danh là Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam. Các giải thưởng lớn tại Đức, Tiệp 1981, 1982 ghi dấu chị là ca sĩ nhạc nhẹ Việt Nam đoạt giải quốc tế. Năm nào chị cũng hát dịp Tết Nguyên đán và trong các sự kiện của cộng đồng, hát tại Ba Lan, Czech, Hung-ga-ri, Đức. Lệ Quyên dạy ba con nói tiếng Hà Nội thành thạo, các cháu được học nhạc và có thể hát bài Việt Nam, tự đệm pi-a-nô. Sống cùng mẹ già - NSƯT Khánh Hợi (nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay). Lệ Quyên làm nỗi nhớ quê hương dịu bớt qua những bữa ăn có món Việt Nam, muối cà pháo, uống trà Thái Nguyên. Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp là địa chỉ hội tụ công chúng yêu văn hóa Việt. Liên tục tổ chức các hoạt động, không bán vé, hằng năm, có các đoàn ca nhạc, họa sĩ, nhiếp ảnh gia từ Việt Nam sang biểu diễn tại đây. Liên tiếp tối 8 và 9-2-2013, Lệ Quyên hát trong các đêm nhạc đón chào năm, tại Tòa thị chính Pa-ri. Lệ Quyên, Alain Vũ đã hát những bài hát Pháp, Việt Nam nổi tiếng. Nhan sắc và tiếng hát truyền cảm của Lệ Quyên vẫn rạng rỡ khi chị cất lời Mùa Xuân gọi, Mơ về nơi xa lắm, Tombé la neige (Tuyết rơi). Tiếng Hà Nội chuẩn, nhạc cảm của Lệ Quyên lúc thường ngày luôn gợi cho tôi về một Hà thành lịch lãm, tinh tế mang hồn cốt văn hóa Thăng Long đang nhiều mai một.
Nguyễn Thiện Đạo - Tình tự dân tộc bằng âm nhạc
Lần gặp đầu tiên xem ông chỉ huy Sóng hồn (tối 7-10-2000 kỷ niệm 990 năm Thăng Long), tôi đã chứng kiến một hành trình nhạc sĩ tận tâm vì tiếng vang dân tộc. Đấy không chỉ là một giai đoạn, một quá trình, mà là năng lượng sáng tạo, tâm nguyện thôi thúc của sự nghiệp âm nhạc vươn tới “dân tộc đích thực nhân loại tiên phong”. Nguyễn Thiện Đạo tạo ra sự độc đáo hiếm có bởi là nhạc sĩ duy nhất dùng nhạc cụ giao hưởng kết hợp nhạc cụ Việt Nam, viết nhiều tác phẩm giao hưởng cho nhạc cụ dân tộc và từ tác phẩm văn học Việt Nam. Sóng nhất nguyên viết cho cello, đàn bầu và Dàn nhạc Giao hưởng (DNGH), Khói tháp viết cho tỳ bà, Khói sóng viết cho đàn tranh, Khói Trương Chi viết cho đàn bầu, Khói hát viết cho đàn nhị, Suối tranh cho sáu đàn tranh (đã diễn ở Côn Minh, Trung Quốc), Tơ đồng trio (đàn bầu, tranh, tỳ bà, diễn tại Thụy Điển 9-2012).
Tại nhà hàng Le Paris ở khách sạn Lutétia (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ghé qua năm 1946), tháng 12-2011, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ với tôi về dự án đưa tích Từ Thức gặp Tiên lên sân khấu, vào opéra Tiên Du.
Ông nói với tôi về những dự định như thể ông còn rất trẻ. Chúng tôi lại nhắc về những kỷ niệm và đêm nghệ thuật sẽ làm ở Hà Nội. Năm 1980 nhập quốc tịch Pháp, Nguyễn Thiện Đạo có tên trong từ điển: La Petit Larousse, Le Petit Robert (từ 1995), Encyclopedie Larousse, Encyclopedie Universalis - sự tôn vinh đáng ước ao; nhận Huân chương Chevelier des Arts et des Lettres (Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương) Pháp nhưng lại hãnh diện khi là hội viên danh dự của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam từ 1995 do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký.
Đã viết nhạc cho phim truyện nhựa Chuyện của Pao (2005), tháng 3-2013 này, Nguyễn Thiện Đạo về Hà Nội làm phim video ngắn, tiếp tục tham khảo nhạc cụ dân tộc, làm băng nhạc điện tử để làm nhạc phẩm Tiên Du.
Hiện là thành viên đoàn chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), NS Nguyễn Thiện Đạo vừa làm Tổng đạo diễn đêm Tết do UGVF tổ chức tối 16-2-2013, tại khán phòng lớn UNESCO Paris phục vụ 1.300 khán giả, với sự tham gia của hai giọng nữ cao (soprano) Võ Hồng Quân (Hoa khôi sinh viên Việt Nam tại Pháp 2011), Trâm Anh và Nguyễn Vĩnh Tiến (đang làm tiến sĩ kiến trúc ở Toulouse) và cả trăm diễn viên.
Tình tự dân tộc bằng âm nhạc, đưa âm nhạc của mình tiếp cận và chinh phục người nghe quốc tế là cách mà Nguyễn Thiện Đạo truyền phổ văn hóa Việt Nam, xứ sở của những làn điệu và thi ca trữ tình mà ông hằng tâm đắc về thế mạnh của dân tộc Việt: Hào khí và Trữ tình lai láng. Năm nay, tròn 60 năm Nguyễn Thiện Đạo đặt chân sang Pháp, sống ở Kinh đô Ánh sáng, ông vẫn duy dưỡng Việt Nam trong bổn phận nghệ sĩ.
PGS,TS Nguyễn Đức Khương - Nhà khoa học trẻ Việt Nam tiêu biểu ở Pháp
PGS,TS Nguyễn Đức Khương hiện là một trong các trí thức trẻ người Việt thành đạt nhất đang sống tại Cộng hòa Pháp. Anh quan niệm: phải thành đạt bằng những bước nhảy vọt mới khẳng định được mình trên đất khách và giúp đỡ được quê nhà trong lĩnh vực của mình.
PGS,TS tài chính Nguyễn Đức Khương và vợ - TS kinh tế Đinh Thanh Hương đều là các cựu sinh viên giỏi của Trường đại học Thương mại Hà Nội, trúng học bổng sang Pháp du học từ 2001.
Đinh Thanh Hương sinh trưởng ở Ninh Bình, cùng tuổi và sang Pháp sau Khương, hiện là chuyên viên tư vấn kinh tế của một ngân hàng Mỹ, đã về Việt Nam dạy tại Trường đại học Thủy lợi 2012. Công việc thu nhập cao, có nhà, việc nhập quốc tịch Pháp với vợ chồng Khương - Hương là đơn giản, song họ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. PGS. TS Nguyễn Đức Khương là giảng viên về tài chính tại Học viện Quản lý hành chính và kinh doanh Paris (IPAG Business School) với chức vụ Phó giám đốc nghiên cứu, phụ trách hợp tác khoa học quốc tế, đồng thời làm nghiên cứu giảng dạy tại ĐH Paris 1 Panthéon - Sorbonne. Điều thú vị là học tập, công tác ở Pháp, Khương lại thường xuyên được mời dạy học tại Mỹ bằng tiếng Anh và ngay tại Pa-ri, anh tham gia tổ chức các hội thảo quốc tế về quản trị, tài chính, kinh tế, xây dựng, hóa học chủ yếu bằng tiếng Anh.
Từng là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) hai khóa, Nguyễn Đức Khương rất uy tín trong cộng đồng du học sinh Việt trên xứ sở Gaulois. Anh đã tập hợp, kết nối nhằm tăng sức mạnh cộng đồng, hướng về đất nước. Với kinh nghiệm và chức năng của nhà nghiên cứu, hợp tác khoa học của Pháp, TS Nguyễn Đức Khương đã tận dụng thế mạnh quan hệ và các cơ hội, làm cầu nối đưa các chuyên gia Việt Nam sang Pháp học hỏi và giới thiệu sinh viên giỏi từ Việt Nam theo học trường quốc tế.
Nguyễn Đức Khương hợp tác với một số bộ, ngành và đại học tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học Việt - Pháp. Sức lao động dồi dào và khát vọng phấn đấu liên tục đã cho anh thành quả. Hơn 50 bài báo khoa học in trên các tạp chí quốc tế được xếp hạng, viết và biên tập tám cuốn sách xuất bản tại Pháp, Anh, Đức, Mỹ.
Sẽ nhầm khi tưởng cuộc sống của vợ chồng họ toàn con số và tư duy kinh tế. Khương và Hương thích đọc sách văn học và nghe nhạc Việt Nam. Nguyễn Đức Khương còn làm MC cho các chương trình giao lưu tổ chức tại Pháp. Nguyễn Đức Khương là MC lịch thiệp, hóm hỉnh, sôi động. Chia sẻ với tôi, PGS,TS Nguyễn Đức Khương cho biết: “Tôi cho rằng những gì đặc biệt luôn có vị trí trong tâm thức và thời gian sống của mỗi người. Vợ chồng tôi luôn sống bằng tâm thức Việt Nam. Người Việt ở đâu cũng là người Việt, yêu nước thì sẽ luôn mang hình ảnh đất nước theo mình. Sự cống hiến của mỗi cá nhân không phụ thuộc họ ở đâu, mà họ phấn đấu khẳng định mình thế nào và làm được gì cho cộng đồng, đất nước”.