Hệ lụy từ xem nhẹ giáo dục thể chất

Những nghiên cứu mới đây cho thấy, thể lực của thanh niên Việt Nam hiện đang kém cạnh tranh so với thanh niên các nước trong khu vực. Trong khi đó, một đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011-2030 (gọi tắt là Đề án 641), hầu như chỉ nằm trên giấy và công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện dường như chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục thể chất (GDTC). Muốn hội nhập thành công với thế giới, cần phải làm gì để nâng cao khí chất của thanh niên Việt?

Cần tạo cơ chế xã hội hóa đầu tư vào giáo dục thể chất trong hệ thống phổ thông để giúp phát triển tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam.           Ảnh: THU HÀ
Cần tạo cơ chế xã hội hóa đầu tư vào giáo dục thể chất trong hệ thống phổ thông để giúp phát triển tầm vóc cho thế hệ trẻ Việt Nam.           Ảnh: THU HÀ

Những con số báo động

Mới đây, một bản báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện, đã đưa ra cảnh báo: Tình trạng thiếu năng lượng của thanh niên trong độ tuổi 20 - 24 là 22,9%; trong đó nam thanh niên là 17,2% và nữ thanh niên là 27,7%. Về sức bền chung và chỉ số công năng tim trong vận động, thanh thiếu niên của Việt Nam xếp loại rất kém so với thanh thiếu niên Nhật. Như vậy, tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.

Một chỉ số quan trọng nữa là chiều cao trung bình thanh niên Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Theo đó, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình đạt 164,4 cm, và nữ chỉ đạt 153,4 cm; thấp hơn 8 cm so với Nhật Bản và 10 cm so với Hàn Quốc. Nếu so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì thấp hơn 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng luyện tập thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên của thanh niên nước ta đạt tỷ lệ thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực.

Dẫn đến thực trạng nói trên, có phần tác động không nhỏ của việc triển khai bộ môn GDTC trong nhà trường. Hiện GDTC chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Chính việc xem nhẹ bộ môn này trong suốt các cấp học đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thể trạng, sức khỏe của trẻ, gây mất cân đối, hài hòa giữa phát triển trí tuệ, thể chất và nhân cách học sinh.

Vì sao giáo dục thể chất chưa… “chất”?

Theo những nghiên cứu mới đây của Khoa GDTC (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho thấy: Bất cập của GDTC hiện nay không chỉ do thời lượng dạy và học quá ít, mà ngay cả đội ngũ giáo viên cũng đang bị thiếu hụt. Cùng với đó, cơ sở vật chất nhằm phục vụ công tác dạy và học bộ môn này cũng chưa bảo đảm chất lượng. Trong khi, đa số các trường ở thành thị thì thiếu quỹ đất (mặt bằng), còn ở nông thôn lại thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình TDTT,...

Nhận thức được tính cấp bách của thực trạng nói trên, cùng với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, ngày 29-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011-2030 (gọi tắt là Đề án 641) với kinh phí dự toán lên tới hơn 6,5 nghìn tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 20%, ngân sách địa phương là 30%, 50% còn lại từ nguồn xã hội hóa). Đề án được giao cho Bộ Y tế và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm chính triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm, Đề án 641 được triển khai rất chậm, thậm chí gần như giậm chân tại chỗ, hầu hết các mục tiêu đặt ra trong Đề án được cho là chắc chắn không thực hiện được. Vì sao lại có tình trạng này, theo như khẳng định của nhiều thành viên các cơ quan liên quan, là bởi có khoảng chênh quá lớn giữa mục tiêu kỳ vọng và năng lực thực thi.

Theo tiến độ, chương trình nghiên cứu giai đoạn 1 của Đề án được tiến hành trong 5 năm (2011-2015), tuy nhiên, đã đi qua quý I của năm 2016, nhiều đề tài nghiên cứu thành phần vẫn chưa thể rục rịch bởi… thiếu kinh phí. Thêm nữa, dù cả ba bộ chức năng đều được chỉ định rõ trong Đề án, nhưng chính việc thiếu sự liên kết và phân công trách nhiệm, giám sát thực thi đã dẫn tới sự chồng chéo, hợp tác kém hiệu quả giữa các bộ với nhau và giữa trung ương với địa phương. Truyền thông nâng cao nhận thức xã hội cũng chưa được chú trọng đúng mức…

Trong một động thái khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai việc xây dựng chương trình đổi mới giáo dục, với mục tiêu đào tạo con người toàn diện, sẽ xác lập lại vị thế mới cho bộ môn GDTC trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, cho đến nay, chương trình khung vẫn đang dừng ở bước dự thảo, còn dư luận thì không khỏi băn khoăn về tính khả thi, khi thực tế còn tồn tại quá nhiều vướng mắc, bất cập. Để rộng đường tìm hiểu vấn đề này, PV báo Nhân Dân cuối tuần, đã nỗ lực liên hệ với những người được cho là có trách nhiệm trong xây dựng đề án đổi mới giáo dục nói chung và GDTC nói riêng, song, không đầu mối nào đứng ra trả lời.

Hệ lụy từ xem nhẹ giáo dục thể chất ảnh 1

Rèn luyện thể chất vừa giúp trẻ rèn luyện thể chất vừa góp phần giáo dục lối sống lành mạnh.

Bắt đầu từ đổi mới căn bản

Tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII đang diễn ra, không ít đại biểu trăn trở, rằng khi xây dựng kế hoạch, chiến lược “chúng ta hãy đặt các mục tiêu sao cho thật sát, đúng với thực tiễn mới mong thực hiện thành công các nhiệm vụ”. Nếu soi tỏ nhận định này vào quá trình xây dựng và thực thi Đề án 641, có thể nhận thấy rất rõ vì sao đề án lại có tốc độ “rùa” đến như vậy?

Trước khi nói đến những mục tiêu cao xa về nâng cao tầm vóc của người Việt, chúng ta cần phải đi từ những bước quan trọng có tính chất nền móng như trả lại sự nhận thức đúng đắn cho bộ môn GDTC trong hệ thống đào tạo. Sự tái nhận thức ấy không phải là những tuyên bố, những khái niệm trên giấy mà cần phải được đi vào đời sống, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của giáo viên, nhà trường, gia đình và học sinh… Sự phân định trách nhiệm từ phía bộ chủ quản là việc kiến tạo cơ chế để đưa môn học này thoát cảnh môn phụ mà trở thành môn học thiết yếu. Ở mỗi nhà trường, không phân biệt mô hình công lập hay dân lập, cần phải coi đây là một môn học cần sự đầu tư thích đáng từ đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất. Xã hội hóa đầu tư là một cách nhà trường cần tính đến để đa dạng nguồn đầu tư vào GDTC. Nguồn lực bắt đầu từ việc đẩy mạnh sự tự chủ của nhà trường, và đưa ra cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động TDTT, xây dựng các chương trình, các cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng và khuyến khích tài năng thể thao phát triển nở rộ.

Muốn thu hút học sinh hứng thú với GDTC, bên cạnh việc cải tiến chương trình, nội dung môn học còn cần đa dạng các hình thức rèn luyện như tạo nên sân chơi từ các câu lạc bộ thể thao đa môn, đơn môn; những hoạt động vui chơi giải trí kết hợp các môn thể thao hiện đại với các môn truyền thống, các trò chơi dân gian theo hình thức rèn luyện tập trung hoặc xen kẽ, lồng ghép trong các giờ giải lao, các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Bên cạnh đó, cũng cần đa dạng hóa các kênh truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo nên mối quan hệ tương tác giữa nhà trường, gia đình để có được môi trường rèn luyện tốt cho học sinh, sinh viên.

Phát triển thể lực và tầm vóc người Việt là một trong những yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hình ảnh dân tộc. Đã đến lúc phải đổi mới căn bản công tác GDTC trong hệ thống giáo dục, không thể chậm trễ hơn!

Mục tiêu của giáo dục hiện đại là phát triển con người toàn diện, hội đủ các mặt đức, trí, thể, mỹ. Trong đó, thể chất là tiền đề để tiếp nhận các mặt còn lại; giáo dục thể chất đóng vai trò tối quan trọng.