Hai thập kỷ chống khủng bố của Mỹ

Cách đây hai thập kỷ, ngày 11/9/2001, Chính phủ và người dân Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế bàng hoàng trước vụ tiến công tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở TP New York. Vụ khủng bố do các phần tử cực đoan al-Qaeda thực hiện đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Tròn 20 năm ngày xảy ra thảm kịch này, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ dù thu được một số thành quả, song vẫn cần tới những động thái quyết liệt và toàn diện hơn.

Khu Ground Zero tưởng niệm các nạn nhận của vụ khủng bố. Ảnh: THE NEW YORK POST
Khu Ground Zero tưởng niệm các nạn nhận của vụ khủng bố. Ảnh: THE NEW YORK POST

Thảm kịch đau thương

Theo kênh lịch sử History (Mỹ), vào lúc 8 giờ 45 phút sáng 11/9/2001 (giờ địa phương), một chiếc Boeing - 767 của Hãng hàng không American Airlines, chở đầy hành khách cùng với 75,71 m³ nhiên liệu phản lực đã đâm vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại thế giới ở TP New York. Ban đầu, nhiều người dân Mỹ xem truyền hình trực tiếp còn lầm tưởng đó là một vụ tai nạn kinh hoàng. Nhưng chỉ 18 phút sau, chiếc máy bay Boeing - 767 thứ hai mang số hiệu 175 của hãng United Airlines xuất hiện và đâm vào khu vực tầng 60 của tòa tháp phía nam. Tới lúc này, chính phủ và người dân “xứ cờ hoa” nhận ra rằng đất nước đang bị tiến công khủng bố.

Thủ phạm gây ra thảm họa chính là các phần tử Hồi giáo cực đoan Arab. Những đối tượng này được mạng lưới al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden tài trợ để thực hiện vụ không tặc. Đây được coi là hành động trả đũa sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, cũng như việc tham gia cuộc chiến vùng Vịnh và sự hiện diện quân sự của “xứ cờ hoa” ở Trung Đông. Một số kẻ khủng bố đã sống ở Mỹ trong hơn một năm và học bay tại trường dạy lái máy bay thương mại. Theo kế hoạch, 19 tên khủng bố lên bốn máy bay đã được nạp đầy nhiên liệu nhằm tăng tối đa mức độ thiệt hại của các vụ tiến công. Ngay sau khi máy bay cất cánh, những kẻ khủng bố đã uy hiếp và chiếm buồng điều khiển, biến máy bay chở khách dân dụng thông thường thành những “quả bom biết bay”.

Trong khi tất cả mọi người dõi theo thảm kịch ở New York, chuyến bay mang số hiệu 77 của hãng American Airlines đã bay vòng qua trung tâm Thủ đô Washington D.C và lao vào phía tây của trụ sở Lầu năm góc lúc 9 giờ 45 phút sáng cùng ngày. Vụ tiến công đã làm sụp đổ một phần cấu trúc của tòa nhà và khiến tất cả 64 người trên máy bay, 125 quân nhân cùng dân thường trong Lầu năm góc thiệt mạng.

Nỗi kinh hoàng lên đỉnh điểm ở New York khi tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại thế giới sụp đổ trong một đám khói bụi khổng lồ sau 15 phút bị đâm. Kết cấu thép của tòa tháp đôi, vốn có thể chịu được sức gió hơn 321,87 km/giờ và đám cháy lớn thông thường, nhưng không thể chịu được sức nóng khủng khiếp do nhiên liệu phản lực đốt cháy tạo ra. Lúc 10 giờ 30 phút, tòa nhà phía bắc của tòa tháp đôi cũng sập. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư mang số hiệu 93 của hãng United Flight đã bị không tặc khống chế khoảng 40 phút sau khi rời sân bay quốc tế Newark Liberty ở bang New Jersey. Vì cất cánh muộn nên hành khách trên máy bay này đã biết được các sự kiện ở New York và Washington D.C qua điện thoại di động và các cuộc gọi từ mặt đất. Do đó, một nhóm hành khách và tiếp viên đã lên kế hoạch chống lại không tặc.

Các hành khách kiên cường chống trả bốn tên khủng bố nhưng cuối cùng, máy bay vẫn bị lật nhào và lao về phía mặt đất với vận tốc 804,67 km/giờ, rơi thẳng xuống một cánh đồng gần Shanksville ở miền tây bang Pennsylvania lúc 10 giờ 10 phút sáng cùng ngày. Mặc dù tất cả 44 người trên máy bay đều thiệt mạng, nhưng các hành khách dũng cảm này đã ngăn cản thành công một vụ khủng bố thảm khốc. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra về mục tiêu còn lại, nó có thể là Nhà trắng hoặc nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ là Trại David ở bang Maryland, hay một trong số các nhà máy điện hạt nhân nằm dọc theo bờ biển phía đông. 

Tổng cộng 2.996 người đã thiệt mạng trong các vụ tiến công ngày 11/9, bao gồm cả 19 tên khủng bố trên bốn chiếc máy bay. Chỉ riêng tại Trung tâm Thương mại thế giới, đã có 2.763 người chết. Con số đó cũng bao gồm 343 lính cứu hỏa và nhân viên y tế, 23 cảnh sát TP New York và 37 nhân viên cảng vụ đang nỗ lực sơ tán người bị nạn từ các tòa nhà và cứu nhiều nhân viên văn phòng bị mắc kẹt trên các tầng cao. 

Giới chức Mỹ ước tính thiệt hại tại Trung tâm Thương mại thế giới là 60 tỷ USD, trong đó riêng chi phí thu dọn khu vực đổ nát cũng tới 750 triệu USD.

Giai đoạn mới chống khủng bố 

9 giờ tối ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó George W.Bush đã có phát biểu trên truyền hình, tuyên bố: “Các cuộc tiến công khủng bố có thể làm rung chuyển nền móng các tòa nhà lớn nhất của chúng ta, nhưng chúng không thể chạm vào nền tảng của nước Mỹ. Những hành động này làm tan chảy thép, nhưng chúng không thể làm suy giảm chất thép trong quyết tâm của người Mỹ”. Cùng với tuyên bố này, từ ngày 7/10 chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” bắt đầu được triển khai, thể hiện nỗ lực quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt mạng lưới khủng bố của Osama bin Laden. Trong vòng hai tháng, Mỹ và lực lượng đồng minh đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trước tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Afghanistan. 

Cuộc chiến tiếp diễn trong nhiều năm. Tới ngày 2/5/2011, trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ bị cáo buộc đứng sau vụ tiến công ngày 11/9 cuối cùng đã bị tiêu diệt tại nơi ẩn náu ở TP Abbottabad (Pakistan). Tháng 6/2011, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã tuyên bố Mỹ rút quân quy mô lớn. Nhưng phải tới cuối tháng 8/2021, tất cả lực lượng quân sự Mỹ mới rút lui hoàn toàn khỏi Afghanistan.

Trong bối cảnh lo ngại về an ninh sau sự kiện 11/9, năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật An ninh nội địa và Bộ An ninh Nội địa (DHS) được thành lập. Ngày nay, DHS vẫn chịu trách nhiệm ngăn chặn các cuộc tiến công khủng bố, an ninh biên giới, kiểm soát việc nhập cư, hải quan và các hoạt động cứu trợ, phòng chống thiên tai. Hai ngày sau thảm kịch, Ủy ban Quốc gia về các cuộc tiến công khủng bố vào Mỹ (còn gọi là “Ủy ban 11/9”) được thành lập và giao nhiệm vụ điều tra các manh mối dẫn đến sự kiện 11/9. Báo cáo của Ủy ban 11/9 công bố vào ngày 22/7/2004 chỉ đích danh Khalid Sheikh Mohammed là kẻ chỉ huy loạt vụ tiến công. 

Mohammed là nhân vật đứng đầu các hoạt động tuyên truyền cho al-Qaeda giai đoạn 1999 - 2001. Y bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo liên ngành của Pakistan bắt giữ ngày 1/3/2003, sau đó bị đưa tới trại giam ở vịnh Guantánamo (Cuba) cùng bốn tên khủng bố khác. Tới tháng 8/2019, thẩm phán tòa án quân sự ở trại giam vịnh Guantánamo ấn định ngày xét xử Mohammed và bốn đồng phạm bị buộc tội âm mưu vụ khủng bố 11/9 bắt đầu vào năm 2021, tuy nhiên sau đó phiên tòa bị tạm hoãn vì đại dịch Covid-19.

Sau 20 năm thực hiện chính sách chống khủng bố, thành tựu quan trọng nhất của Chính phủ Mỹ là ngăn chặn mọi nỗ lực của al-Qaeda nhằm thực hiện một cuộc tiến công khác với quy mô tương tự sự kiện 11/9. Ngoài ra, bộ máy hành chính chống khủng bố rộng lớn được tạo ra sau thảm kịch cũng là sự thay đổi lớn và lâu dài. 

Hiện nay, mặc dù các mối đe dọa liên tục từ phía tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo  (IS) và al-Qaeda vẫn chưa biến mất, nhưng việc chống khủng bố đối với Mỹ đã chuyển từ mối đe dọa bên ngoài như vụ 11/9 sang mối đe dọa bên trong. Hay như ngày 13/8 vừa qua, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cũng ban hành Hệ thống tư vấn khủng bố quốc gia (NTAS) đề cập khả năng đe dọa khủng bố ngày càng cao trên khắp “xứ cờ hoa”. Đặc biệt, DHS khuyến nghị những phần tử cực đoan có thể lợi dụng lễ kỷ niệm 20 năm vụ tiến công khủng bố ngày 11/9, cũng như các ngày lễ tôn giáo khác, làm chất “xúc tác” kích động bạo lực có chủ đích. Bởi vậy, thách thức hiện tại của Chính phủ Mỹ là việc tìm kiếm cũng như duy trì sự cân bằng để đề phòng mối đe dọa khủng bố bên ngoài với các ưu tiên an ninh nội địa khác.